1. Nguyên nhân nào gây viêm loét dạ dày tá tràng?
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng là những người có vết loét hở ở niêm mạc dạ dày hoặc phần đầu của ruột non. Điều này xảy ra khi acid dạ dày ăn mòn lớp chất nhầy bảo vệ đường tiêu hóa. Những vết loét nhỏ trong giai đoạn đầu có thể tự lành lại mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các vết loét lớn, gây nhiều triệu chứng.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng, nhưng trên thực tế lâm sàng, thường thấy có những nguyên nhân sau:
- Loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày.
- Thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau: Đây là nguyên nhân thứ hai sau nhiễm Helicobacter pylori. Việc sử dụng lâu dài thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau ở người lớn tuổi, làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, làm giảm chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, gây loét.
Loét dạ dày tá tràng có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng
Triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng rất đa dạng. Trong đó, phổ biến nhất là cảm giác nóng rát, cồn cào và đau ở vùng bụng trên rốn (đau vùng thượng vị). Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi đói (dạ dày không chứa thức ăn). Tùy vào mức độ bệnh mà cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Ngoài ra, các triệu chứng khác bao gồm: Đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn, dễ cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn vì cơn đau, ợ hơi, ợ chua hoặc trào ngược axit, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sút cân.
Yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến loét dạ dày tá tràng bao gồm: Tâm lí căng thẳng (stress), hút thuốc lá và uống rượu bia (các đồ uống có cồn khác). Đặc biệt là thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ như ăn uống không đúng giờ, đúng bữa, hay bỏ bữa nhất là bữa sáng, ăn quá khuya, thức khuya, lười vận động, thích ăn các món chua, cay, nóng, lạnh, cứng, khó tiêu…
3.Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Mục tiêu điều trị viêm loét dạ dày tá tràng là giảm triệu chứng cho bệnh nhân, chữa lành các tổn thương, ngăn ngừa tái phát và biến chứng.
3.1. Kháng sinh trị viêm loét dạ dày tá tràng
Nếu tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng là do nhiễm khuẩn HP gây ra, kháng sinh có thể chỉ định. Hiện tại thường sử dụng 2 loại phác đồ điều trị vi khuẩn HP là 3 thuốc và 4 thuốc. Các thuốc trong phác đồ này có thể kể đến như amoxicillin, metronidazole, metronidazole… Tùy từng điều kiện bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp thuốc phù hợp.
3.2.Thuốc ức chế tiết acid và thúc đẩy sự hồi phục
Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) làm giảm acid dạ dày trong bệnh loét dạ dày tá tràng bằng cách ức chế tế bào tiết acid. Những thuốc này bao gồm omeprazol, lansoprazol, rabeprazol, esomeprazol và pantoprazol.
Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, trướng bụng; có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 (cyanocobalamin).
Lưu ý là sử dụng các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày tá tràng.
3.3. Thuốc giảm tiết
Các thuốc kháng histamin H2 làm giảm lượng acid tiết vào ống tiêu hóa, từ đó làm dịu cơn đau và thúc đẩy sự hồi phục vết loét. Các thuốc này gồm cimetidin, famotidin và nizatidin.
Thuốc hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 của tế bào thành dạ dày. Từ đó, làm giảm bài tiết và giảm nồng độ acid dạ dày cả ở điều kiện cơ bản (khi đói) và khi được kích thích bởi thức ăn. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng bao gồm: Các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi và ngủ gà...
3.4.Thuốc kháng acid (antacid)
Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa acid chlohydric (HCl) dạ dày, làm giảm độ acid trong dạ dày và hạn chế khả năng hoạt động của pepsin, chống lại các nguyên nhân loét dạ dày. Các thuốc antacid như: Bicarbonat natri và canxi carbonat, hydroxit nhôm...
3.5.Bismuth
Thuốc giúp bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày (không có tác dụng trên niêm mạc dạ dày bình thường). Bismuth liên kết với chất nhầy tạo thành rào cản chống khuếch tán ngược acid. Thông qua sự hình thành phức hợp, những sản phẩm này cùng với tủa thu được từ bismuth tạo thành một lớp bảo vệ niêm mạc khỏi dịch vị hoặc các enzym trong ruột, và cũng có thể ngăn ngừa tác dụng của pepsin trên vị trí loét. Điều này giúp giữ cho vết loét dạ dày tá tràng có thời gian lành lại.
Bismuth có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori, nhưng khi dùng đơn trị liệu, bismuth chỉ diệt được H. pylori ở khoảng 20% trường hợp. Khi phối hợp với kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (hoặc thuốc chẹn thụ thể histamin H2), có thể tới 70 – 90% trường hợp diệt trừ được H. pylori.
Bismuth không được dùng trong các trường hợp bao gồm quá mẫn với bismuth, người có bệnh thận nặng do tăng khả năng tích lũy bismuth kèm theo nguy cơ gây độc, phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 8 tuổi, người có tổn thương gan, thận và mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc...
Bismuth phản ứng với H2S của vi khuẩn tạo ra bismuth sulfid làm đen khoang miệng và phân. Các tác dụng không mong muốn của bismuth thường gặp là đen phân hoặc lưỡi và làm biến màu răng (có hồi phục).
4. Một số lưu ý khi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học hơn có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
4.1.Chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ hòa tan (có trong yến mạch, đậu Hà Lan, táo, cà rốt, lúa mạch…) có thể làm giảm nguy cơ phát triển các vết loét ở dạ dày.
4.2.Probiotics (lợi khuẩn)
Có thể cải thiện các triệu chứng khó tiêu và làm giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, bổ sung các thực phẩm chứa lợi khuẩn (sữa chua, kim chi, kefir, tempeh…) có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
4.3. Vitamin C
Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả tốt trong việc giúp diệt trừ vi khuẩn HP, đặc biệt là khi dùng liều lượng thích hợp. Trái cây họ cam quýt, các loại đậu, cà chua, cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn… là những thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao.
4.4. Kẽm
Vi chất dinh dưỡng này giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và chữa lành vết thương. Hàu, thịt bò, các loại đậu, hạt, cải bó xôi… có chứa hàm lượng kẽm cao.
Ngoài ra người bệnh nên:
- Bỏ hút thuốc lá, tránh rượu và caffein.
- Hạn chế sử dụng các thuốc như ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID) hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác có tác dụng tương tự.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn hàng quán.
- Kiểm soát căng thẳng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng.