Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng

06-10-2021 07:03 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm loét dạ dày tá tràng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh dễ gây biến chứng như chảy máu thậm chí là ung thư dạ dày. Việc điều trị cần kết hợp nhiều loại thuốc. Dưới đây là những nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày.

Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng và những điều cần lưu ý  - Ảnh 1.

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là đau bụng từng cơn.

Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?

Bình thường thành dạ dày được niêm mạc bảo vệ chống lại sự kích thích của axit dịch vị. Khi niêm mạc bị tổn thương hoặc khi dạ dày tiết ra quá nhiều axit dịch vị đến mức lớp niêm mạc bảo vệ bị bào mòn kèm theo tình trạng viêm hoặc hoại tử, tiếp theo vết loét tại chỗ sẽ hình thành.

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là đau bụng từng cơn, đặc biệt là vào nửa đêm hoặc khi đói. Các triệu chứng khác bao gồm đầy hơi, buồn nôn, ợ hơi và chán ăn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, đặc trưng bởi phân đen hoặc chất nôn giống như cà phê xay.

Nguyên nhân của viêm loét dạ dày tá tràng:

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn Helicobacter pylori. Ngoài ra một số loại thuốc giảm đau NSAID (ibuprofen, diclofenac,…) có thể gây tổn thương thành niêm mạc của dạ dày. Thống kê cho thấy 15% số người dùng thuốc giảm đau liên tục trong 3 tháng sẽ mắc viêm loét dạ dày tá tràng. Các chất kích thích khác như rượu, cà phê và hút thuốc.

Một nguyên nhân hiếm gặp của loét dạ dày tá tràng là một tình trạng gọi là hội chứng Zollinger-Ellison, trong đó axit dạ dày được sản xuất với số lượng cao hơn bình thường.

Viêm loét dạ dày tá tràng thường có tính chất gia đình và xảy ra nhiều hơn ở những người nhóm máu O. Cuộc sống căng thẳng, áp lực cao không gây ra vết loét dạ dày nhưng nó có thể khiến một người nhạy cảm hơn với cơn đau của vết loét.

Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng và những điều cần lưu ý  - Ảnh 2.

Nguyên nhân của hầu hết viêm loét dạ dày và tá tràng là do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori.

Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

Đối với viêm loét dạ dày do Helicobacter pylori, việc điều trị cần kết hợp nhiều loại thuốc. Mục tiêu của điều trị là: tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể, giảm lượng axit trong dạ dày, bảo vệ niêm mạc của dạ dày và ruột. Liệu pháp tiêu chuẩn ngày nay được gọi là "liệu pháp bộ ba". Nó đòi hỏi phải dùng hai loại thuốc kháng sinh và một loại thuốc ức chế axit trong một đến hai tuần. Dưới đây là những nhóm thuốc điều trị phổ biến:

Thuốc kháng tiết axit dạ dày

Thuốc kháng tiết axit dạ dày gồm 2 nhóm chính là thuốc ức chế thụ thể histamin H2 (H2RA) và thuốc ức chế bơm proton (PPI).

Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc đầu tay để điều trị và ngăn ngừa viêm loét thực quản và dạ dày tá tràng là thuốc ức chế bơm proton, như pantoprazole, omeprazole và esomeprazole. Thuốc ức chế bơm proton ngăn chặn khả năng sản xuất axit của dạ dày, làm giảm nồng độ axit trong dạ dày. Từ đó, giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu và hiệu lực làm lành vết loét cao

Thuốc chẹn H2: Thông thường, khi một người ăn, histamine sẽ được giải phóng vào dạ dày và báo hiệu cho các tế bào dạ dày tiết ra axit. Thuốc chẹn H2 - tên đầy đủ của chúng là chất đối kháng thụ thể histamine H2 (H2RA) - ngăn chặn histamine gắn vào các thụ thể H2 kích thích axit. Thuốc chẹn H2, như famotidine, ranitidine hoặc nizatidine. So với thuốc ức chế bơm proton, thuốc chẹn H2 bắt đầu hoạt động nhanh hơn để ngăn chặn sản xuất axit dạ dày.

Thuốc trung hòa axit dạ dày

Các thuốc giúp trung hòa axit dạ dày như canxi cacbonat, magiê hydroxit, acid alginic… có tác dụng làm giảm triệu chứng đau rát. Tuy nhiên thuốc không giúp điều trị nguyên nhân gây ra bệnh. Vì thế, không nên sử dụng lâu dài mà không có ý kiến của bác sĩ. Nếu lạm dụng thuốc có thể khiến người bệnh bỏ qua triệu chứng làm bệnh diễn tiến âm thầm không kiểm soát. Cũng cần lưu ý, những người bị cao huyết áp hoặc những người đang ăn kiêng muối thì không dùng canxi cacbonat.

Thuốc bao phủ ổ loét, bảo vệ dạ dày

Các thuốc có vai trò bao phủ ổ loét như sucrafat, subcitrate bismuth… có thể giúp ngăn ngừa tổn thương niêm mạc và làm lành các ổ loét. Khi thuốc đi vào cơ thể, thuốc tạo phức liên kết với các protein điện tích dương (+) trong dịch tiết tạo thành hợp chất nhầy bao phủ. Từ đó, có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài tác dụng tạo màng bọc, thuốc còn có tác dụng diệt vi khuẩn H.P

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn H. pylori, nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày, giúp điều trị dứt điểm, ngăn diễn tiến xấu và phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày. Tùy vào khả năng dung nạp thuốc mà bác sĩ có thể lựa chọn các loại kháng sinh khác nhau như amoxicillin; clarithromycin, tetracyclin, hay metronidazole… để điều trị. Tuy nhiên, cần phải phối hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên để tăng hiệu quả loại trừ Hp. Khi dùng kháng sinh, cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ, uống đúng và đủ liều lượng.

Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng và những điều cần lưu ý  - Ảnh 3.

Không có loại thuốc "tốt nhất" cho vết loét, chỉ có sự kết hợp tốt nhất của các loại thuốc cho một tình huống cụ thể

Có thuốc viêm loét dạ dày tốt nhất không?

Có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị nội khoa viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân, kết quả nội soi và test vi khuẩn HP để đưa ra một phác đồ điều trị phù hợp. Do đó, không có loại thuốc "tốt nhất" mà chỉ có sự kết hợp tốt nhất của các loại thuốc cho một tình huống cụ thể.

Có thể cần phải điều trị khẩn cấp nếu vết loét gây chảy máu nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết để điều trị vết loét dạ dày tá tràng bị thủng hoặc chảy máu. 

Những lưu ý khi dùng thuốc 

Cũng giống như các loại thuốc khác, thuốc điều trị viêm loét dại dày tá tràng cũng có những tác dụng phụ. 

Thuốc kháng axit ngăn chặn sự hấp thu của các loại thuốc khác như tetracycline, thuốc sắt... và ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng. Do đó, hai loại thuốc này nên được uống riêng biệt, cách nhau một hoặc hai giờ. Thuốc kháng axit có công thức khác nhau có thể tạo ra tác dụng nhuận tràng nhẹ hoặc dẫn đến táo bón.

‎Các tác dụng phụ có thể của thuốc chẹn H2 bao gồm nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, đau họng, chảy nước mũi và chóng mặt. Các tác dụng phụ như vậy sẽ giảm dần nếu ngừng thuốc. Lưu ý rằng thuốc chẹn H2 ranitidine đã bị loại bỏ khỏi thị trường vào năm 2020 vì bị phát hiện có chứa tác nhân gây ung thư.

Lời khuyên về thuốc

Khi bị đau bụng, nên đi khám để được kiểm tra kỹ lưỡng. Dùng thuốc theo chỉ định, không uống thuốc bừa bãi vì có thể làm chậm quá trình điều trị và ảnh hưởng đến hiệu quả.

 Để ứng phó với vi khuẩn HP cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ để nhanh khỏi bệnh. Nếu không tuân thủ điều trị, rất dễ xảy ra hiện tượng kháng thuốc, lờn thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị. 

Trong trường hợp có phản ứng phụ, hãy ngừng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

ThS. BS. Nguyễn Phương Hiếu
Khi được kê đơn thuốc, cần uống đủ liệu trình. Việc ngừng thuốc giữa chừng hoặc quên liều, bỏ liều đặc biệt là các thuốc kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả dẫn đến thất bại điều trị hoặc bệnh tái đi tái lại không dứt điểm.

Lời khuyên về lối sống

Bạn có thể giảm đáng kể khả năng bị loét dạ dày tá tràng nếu:

- Không hút thuốc. Những người hút thuốc có nhiều khả năng bị loét hơn những người không hút thuốc. 

- Tránh dùng thuốc aspirin, ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) trong thời gian dài. Nếu bạn đang dùng một trong những loại thuốc này hàng ngày, chẳng hạn như dùng aspirin cho các vấn đề về tim, hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc để giúp bảo vệ dạ dày.

- Chỉ uống rượu ở mức độ vừa phải. Hạn chế rượu bia xuống còn 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ.

- Áp dụng thói quen ăn uống hợp lý. Thực hiện các bữa ăn nhỏ nhưng thường xuyên và ăn đều đặn. Tránh thức ăn có tính kích thích và khó tiêu hóa.

- Hãy nghỉ ngơi thật nhiều và luôn vui vẻ. Học cách quản lý căng thẳng và thư giãn.

- Không uống thuốc khi bụng đói, trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Hành trình trở về.

ThS. BS. Nguyễn Phương Hiếu
Ý kiến của bạn