Thuốc trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori

23-07-2022 14:02 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.Pylori hay HP) là một tác nhân quan trọng gây ra viêm loét dạ dày thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Với sự gia tăng của các chủng H.pylori kháng thuốc khiến việc điều trị vi khuẩn bằng kháng sinh trở nên ngày càng khó khăn.

Vi khuẩn HP - Thủ phạm gây viêm loét dạ dàyVi khuẩn HP - Thủ phạm gây viêm loét dạ dày

Cách đây hơn nửa thế kỷ, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày chủ yếu được xem xét bởi các yếu tố: thói quen ăn uống, căng thẳng thần kinh, tác dụng phụ của một số loại thuốc,...

1. Vi khuẩn H. pylori gây viêm loét dạ dày như thế nào?

Vi khuẩn HP là xoắn khuẩn gram âm, vi ái khí, sống được trong môi trường acid dạ dày. Đây là loại vi khuẩn dễ lây nhiễm qua đường tiêu hóa với tỷ lệ người bị nhiễm chiếm khoảng 50% dân số thể giới và khả năng tái nhiễm cao.

Quá trình xâm nhập và gây bệnh của vi khuẩn HP gồm 4 bước chính với vai trò quan trọng của 1 loại protein bề mặt của vi khuẩn có tên là men urease.

- Vi khuẩn đi vào trong dạ dày, tiết ra men urease tạo môi trường trung tính bảo vệ bao quanh vi khuẩn khỏi tác động của acid dịch vị.

- Men urease phản ứng với thành phần trong màng nhầy dạ dày, làm giảm độ keo dính giúp vi khuẩn chui qua lớp bảo vệ tự nhiên để đến được niêm mạc dạ dày.

- Vi khuẩn bám dính chắc vào bên trong niêm mạc dạ dày thông qua các protein ở màng ngoài, lipopolysaccharide.

- Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố, các loại enzyme như mucinase, protease, lipase gây tổn thương niêm mạc dạ dày như viêm, loét, thậm chí ung thư dạ dày.

photo-1658501503753

Vi khuẩn Helicobacter pylori là một tác nhân quan trọng gây ra viêm loét dạ dày, thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày.

2. Những nhóm thuốc nào được dùng trong điều trị loét dạ dày do vi khuẩn HP?

Các thuốc thường được dùng trong điều trị vi khuẩn HP là:

- Thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn H. pylori bao gồm: Amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tinidazole, tetracycline, levofloxacin, furazolidone, rifabutin.

- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm hạn chế tiết acid dạ dày như omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole.

- Muối bismuth subsalicylate nhằm bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra có thể sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau, khó chịu ở dạ dày như thuốc giảm đau co thắt, thuốc trung hòa axit dịch vị...

Phác đồ điều trị HP trong bao lâu tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thông thường các phác đồ điều trị HP dạ dày có thời gian dùng thuốc từ 7 đến 14 ngày.

3. Vai trò của nhóm thuốc ức chế bơm proton trong phác đồ diệt trừ HP

Các nghiên cứu so sánh giữa nhóm sử dụng kháng sinh đơn thuần và nhóm có phối hợp PPI trong điều trị HP cho thấy việc kiểm soát acid tốt, giúp tăng hiệu quả của các phác đồ diệt trừ HP.

- PPI có tác dụng ức chế bơm H+/K+ATPase tạo môi trường pH trung tính tại dạ dày, từ đó, hiệp đồng với các kháng sinh trong diệt trừ vi khuẩn HP thông qua các cơ chế: Giúp ổn định nồng độ kháng sinh trong môi trường acid dạ dày, tăng tính thấm của kháng sinh vào lớp chất nhầy của biểu mô niêm mạc dạ dày, làm giảm nồng độ ức chế tối thiểu và tăng mức độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh. Ngoài ra, các nghiên cứu trong ống nghiêm cho thấy bản thân PPI cũng có hoạt tính kháng khuẩn đối với H. pylori.

- Thuốc ức chế bơm proton có hiệu quả nhất khi uống trước ăn 30-60 phút. Nếu phải uống 2 lần/ngày, nên uống thuốc vào thời điểm 30-60 phút trước bữa ăn sáng và tối.

- Do PPI cần môi trường acid để hoạt hóa, do vậy không nên uống PPI cùng lúc với các thuốc kháng tiết acid khác như thuốc trung hòa acid (antacid), thuốc kháng histamin H2, thuốc kháng cholinergic, misoprostol, somatostatin.

photo-1658501506726

Sử dụng thuốc trị đau dạ dày do H.pylori cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

4. Các phác đồ điều trị vi khuẩn HP

Việt Nam thuộc vùng dịch tễ có tần suất đề kháng kháng sinh clarithromycin và metronidazole khá cao (trên 15%), các phác đồ được khuyến cáo sử dụng bao gồm:

4.1.Phác đồ 4 thuốc có bismuth

  • PPI liều chuẩn uống trước ăn 30-60 phút.
  • Bismuth uống lúc bụng rỗng: Subsalicylat, subcitrat.
  • Metronidazole uống sau ăn
  • Tetracyclin.

Thời gian điều trị 14 ngày.

Đây là một trong những phác đồ điều trị H.pylori cho hiệu quả tốt với tỷ lệ diệt H.pylori lên đến trên 90%. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng phác đồ này lại gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân như:

-Tác dụng phụ của các thuốc điều trị: Những tác dụng không mong muốn phổ biến nhất khi sử dụng phác đồ này bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, miệng có vị kim loại, mất ngủ, nhức đầu. Do vậy, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tuân thủ phác đồ. Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại bởi khi người bệnh tuân thủ điều trị không tốt sẽ làm giảm hiệu quả diệt vi khuẩn cũng như làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Cách dùng thuốc phức tạp: Có loại uống trước ăn, loại uống sau ăn, có loại uống 3 hoặc 4 lần/ngày gây phiền toái cho người bệnh trong việc ghi nhớ cách uống thuốc và liều lượng thuốc.

4.2.Phác đồ 3, 4 thuốc có levofloxacin

Phác đồ 3 thuốc có levofloxacin bao gồm: PPI liều chuẩn, amoxicillin, levofloxacin.

Phác đồ 4 thuốc có levofloxacin: Thêm bismuth.

Thời gian điều trị: 14 ngày.

4.3.Phác đồ kép liều cao

PPI liều chuẩn + amoxicilin. Uống cách nhau ít nhất 5h, thời gian điều trị kéo dài 14 ngày.

Kết quả các nghiên cứu phân tích gộp ở một số quốc gia châu Á chỉ ra rằng phác đồ này cho tỷ lệ diệt trừ vi khuẩn HP khá cao, tương tự như phác đồ 4 thuốc có chứa bismuth nhưng ít gây tác dụng phụ hơn. Chính vì vậy, có thể cân nhắc sử dụng phác đồ kép liều cao trong trường hợp đã thất bại điều trị với những phác đồ trước.

Với trường hợp thất bạị 2 lần với cả phác đồ 4 thuốc có bismuth và phác đồ 3 hay 4 thuốc có levofloxacin, cần cấy và làm kháng sinh đồ. Dựa vào kết quả kháng sinh đồ, sử dụng thuốc theo phác đồ: PPI liều chuẩn + Bismuth + 2 loại kháng sinh nhạy cảm theo kết quả kháng sinh đồ với điều kiện là trước đây bệnh nhân chưa từng sử dụng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Rong biển- vị thuốc.

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn