Thuốc trị viêm họng do liên cầu ở trẻ em

06-01-2022 09:35 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm họng do liên cầu ở trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc phát hiện sớm và dùng thuốc đúng là rất quan trọng.

Đường lây nhiễm và dấu hiệu mắc viêm họng do liên cầuĐường lây nhiễm và dấu hiệu mắc viêm họng do liên cầu

SKĐS - Mong bác sĩ tư vấn bệnh viêm họng do liên cầu ở trẻ em có lây không, lây qua đường nào? Dấu hiệu nào cần cho trẻ đi khám bệnh?

1. Viêm họng do liên cầu là gì?

Viêm họng cấp tính là một trong những bệnh lý nhiễm trùng hô hấp phổ biến nhất ở trẻ em, đa phần do virus gây nên. Tuy vậy, ở lứa tuổi lớn hơn, vi khuẩn liên cầu nhóm A lại là thủ phạm của những đợt viêm họng với những triệu chứng đau họng, sốt đột ngột và rầm rộ hơn, thậm chí nếu không được điều trị đúng có thể để lại cách biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận cấp, sốt thấp khớp, tổn thương van tim...

Liên cầu nhóm A là vi khuẩn thường gặp nhất trong các trường hợp viêm họng do vi khuẩn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất trẻ em 5-15 tuổi, hiếm gặp ở trẻ dưới 3 tuổi.

Mùa đông và đầu xuân là thời gian trẻ dễ mắc viêm họng do liên cầu nhóm A nhiều nhất.

2. Cách nhận biết viêm họng do liên cầu ở trẻ em

Để phân biệt viêm họng do liên cầu hay các tác nhân do virus còn khá khó khăn. Nếu trẻ có các triệu chứng như ho, chảy nước mũi, hắt hơi hay viêm kết mạc mắt hoặc tiêu chảy nhẹ thường là nguyên nhân do virus gây bệnh.

Nếu bệnh ở trẻ lớn (thường trên 3 tuổi), triệu chứng đột ngột và rầm rộ hơn, trẻ có thể bị bệnh do vi khuẩn liên cầu gây nên. Triệu chứng thường gặp như:

  • Sốt (nhiệt độ trên 38℃).
  • Đau cổ họng nhiều, tiến triển nhanh gây khó khăn trong ăn uống do đau khi nuốt.
  • Đau đầu, đau nhức cơ thể.
  • Buồn nôn và nôn ở trẻ nhỏ.
  • Amidan đỏ, sưng to, đôi khi có các mảng hoặc vệt trắng có mủ.
  • Sưng các hạch bạch huyết vùng cổ.
  • Các đốm đỏ li ti trên khu vực phía sau vòm miệng.
  • Một số trẻ có phát ban đỏ thân mình, sau lan ra các chi, ban đỏ hơi gồ sờ như bề mặt giấy nhám.

3. Biến chứng khi trẻ mắc viêm họng do liên cầu

photo-1641354944737

Liên cầu nhóm A là vi khuẩn thường gặp nhất trong các trường hợp viêm họng do vi khuẩn.

Viêm họng do liên cầu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Điều trị kháng sinh đúng làm giảm thấp nguy cơ bị biến chứng như:

- Nhiễm trùng tại chỗ như viêm amidan, viêm tai giữa cấp, viêm xoang hoặc thậm chí gây tình trạng nặng như nhiễm khuẩn máu.

- Viêm cầu thận cấp.

- Sốt thấp khớp: một tình trạng viêm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, hệ thần kinh và da

- Viêm khớp phản ứng.

4. Điều trị viêm họng do liên cầu ở trẻ em như thế nào?

4.1. Điều trị không dùng thuốc

- Chế biến đồ ăn phù hợp: Trẻ đau họng sẽ không muốn ăn uống, có nguy cơ mất nước. Để giảm nguy cơ mất nước, nên tăng cường đồ ăn lỏng, mềm và dễ nuốt.

Thức ăn cần dễ nuốt, giàu dinh dưỡng như canh, súp, nước sốt táo, ngũ cốc nấu chín, khoai tây nghiền, trái cây mềm, sữa chua và trứng nấu chín mềm… có thể xay nhuyễn để trẻ dễ nuốt hơn. Ăn đồ ăn mát hoặc hơi lạnh sẽ giúp trẻ giảm đau và dễ chịu hơn.

Tránh thức ăn cay hoặc thức ăn có tính axit như nước cam.

- Nghỉ ngơi nhiều: Giấc ngủ giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng.

- Uống nhiều nước: Giữ cho cổ họng đau họng được bôi trơn và ẩm giúp dễ nuốt và giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Thêm độ ẩm vào không khí có thể giúp giảm bớt sự khó chịu, phải làm sạch hàng ngày vì vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi trong một số máy tạo ẩm. Nước muối xịt mũi cũng giúp giữ ẩm cho niêm mạc mũi.

- Tránh xa các chất gây kích ứng: Khói thuốc lá có thể gây kích ứng đau họng và làm tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm amidan. Tránh khói từ sơn hoặc các sản phẩm tẩy rửa, có thể gây kích ứng cổ họng và phổi.

photo-1641354950961

Viêm họng do liên cầu nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng.

4.2. Biện pháp dùng thuốc

4.2.1 Kháng sinh

Việc dùng kháng sinh trong điều trị viêm họng do liên cầu ở trẻ là rất quan trọng. Thuốc cần được dùng sớm, đúng, đủ thời gian. Khánh sinh phải được kê đơn của bác sĩ, cần dùng đúng loại (penicillin, amoxicillin…) để đạt hiệu quả tốt nhất.

Trẻ cần được nghỉ học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Dùng kháng sinh sớm giúp cắt đứt triệu chứng nhanh chóng và giảm nguy cơ lây nhiễm. Thông thường sau 24 giờ dùng kháng sinh trẻ sẽ giảm các triệu chứng đau hoặc sốt đồng thời cũng không còn nguy cơ lây nhiễm, trẻ có thể trở lại trường học nếu thấy khỏe hơn và không còn sốt.

Cần lưu ý phải dùng đủ số ngày điều trị ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm (thường là 10 ngày). Nếu sau 72 giờ trẻ không có cải thiện hoặc xấu đi, cần phải khám để đánh giá lại. Tuy vậy, trì hoãn 1-2 ngày cho đến khi có xét nghiệm xác định không làm tăng thời gian mắc bệnh cũng như tỉ lệ biến chứng.

Các cephalosporin thế hệ I, II (cephalexin, cefadroxil), kháng sinh azithromycin hoặc erythromycin đường uống cũng có hiệu quả và có thể được sử dụng khi bệnh nhân có dị ứng với penicillin, amoxicillin.

Cần nhấn mạnh lại, cha mẹ không được tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Tỉ lệ viêm họng cấp do virus ở trẻ chiếm phần lớn. Việc sử dụng kháng sinh không mang lại lợi ích gì mà còn gia tăng tình trạng kháng thuốc, bên cạnh đó trẻ phải chịu tác dụng phụ đến mức phải điều trị làm gia tăng thời gian đợt bệnh.

Không nên dùng tetracyclin, sulfonamid và fluoroquinolon để điều trị viêm họng do liên cầu do tỷ lệ kháng thuốc cao, khả năng thất bại điều trị lớn và nhiều tác dụng phụ hơn cho trẻ.

Lưu ý, khi điều trị nếu có triệu chứng bất thường cần báo ngay với bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời, tránh những tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra.

4.2.2 Thuốc giảm đau, hạ sốt

Sốt, đau họng là triệu chứng làm trẻ rất khó chịu và khó khăn khi ăn uống. Có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C và cảm thấy khó chịu.

Các thuốc an toàn như paracetamol, ibuprofen. Tuy nhiên cần dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng liều.

- Paracetamol dùng liều theo cân nặng, 10 -15 mg/kg/lần, cách 4-6h/lần nếu cần thiết nhưng không quá 5 lần/ngày. Thuốc thận trọng dùng nếu trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, trẻ thừa cân, béo phì… cần hỏi kỹ bác sĩ trước khi dùng.

- Ibuprofen có tác dụng tương tự như paracetamol, liều dùng là 5-10 mg/kg/lần, cách mỗi 6-8h mỗi lần, không nên dùng cho dưới sáu tháng tuổi hoặc quá 3 lần mỗi ngày. Nếu trẻ có mất nước cần thận trọng sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng nếu trẻ có dấu hiệu hoặc mắc kèm sốt xuất huyết vì làm bệnh có thể nghiêm trọng hơn.

Lưu ý, aspirin không được khuyến cáo cho trẻ em <18 tuổi do nguy cơ mắc một tình trạng nghiêm trọng gọi là Hội chứng Reye, gây tổn thương não và gan cấp tính, tỷ lệ tử vong đến 25%.


photo-1641354956784

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần đúng chỉ định của bác sĩ.

4.2.3 Thuốc kháng viêm glucocorticoid

Glucocorticoid không được kê đơn hàng ngày để giảm đau do viêm họng cấp tính, bất kể nguyên nhân là gì. Việc sử dụng glucocorticoid phụ thuộc vào mức độ bệnh và chỉ nên hạn chế đối với những bệnh nhân đặc biệt có biểu hiện đau cổ họng dữ dội và/hoặc cực kỳ khó nuốt.


4.2.4 Thuốc xịt họng giảm đau

Loại thuốc có chứa chất gây tê tại chỗ, giảm đau nhanh, tuy vậy có thể tăng nguy cơ dị ứng. Các nghiên cứu cho thấy lợi ích giảm đau so với ngậm kẹo cứng là không lớn do đó chưa được khuyến cáo dùng rộng rãi cho trẻ em.


4.2.5 Thuốc sát trùng họng tại chỗ

Có nhiều dạng như dung dịch betadin 1% súc họng, các sản phẩm chứa keo ong hay viên thuốc chứa chất kháng khuẩn… có thể được cân nhắc dùng ở đủ lớn (ít nhất trên 6 tuổi) để tránh nguy cơ sặc, nghẹn…


4.2.6 Súc miệng, súc họng

Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý ấm có thể giúp cổ họng dễ chịu. Hướng dẫn trẻ nhổ ra, không được nuốt, chỉ nên áp dụng nếu trẻ có khả năng xúc họng (thường trên 6 tuổi).


5. Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường cha mẹ cảm thấy trẻ bệnh nặng hơn, cần liên lạc ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời. Cần cho trẻ đi khám bếu có bất kỳ các triệu chứng như:

- Đau họng, kèm sưng các hạch vùng cổ hoặc phát ban đỏ trên da.

- Đau họng trên 48h.

- Trẻ có sốt trên 38,3℃.

- Khó mở miệng, khó nuốt hoặc khó thở.

- Đau cổ, đau vùng gáy làm khó khăn vận động cổ.

- Trẻ không ăn uống được…

6. Cách phòng bệnh hiệu quả

Để phòng bệnh, hãy giúp trẻ thực hiện các biện pháp:

- Rửa tay: Rửa tay và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách là biện pháp tốt nhất ngăn ngừa tất cả các bệnh nhiễm trùng. Rửa tay với nước và xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh trong ít nhất 20 giây. '

Rửa tay trước sau khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn, vệ sinh cho trẻ, rửa tay sau khi ho, xì mũi hoặc hắt hơi... đặc biệt nên tắm hoặc vệ sinh tay cho trẻ sau khi đi lớp về để tránh mang mầm bệnh về nhà.

- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế cơ hội xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

- Che miệng: Dạy con bạn che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.

- Không dùng chung đồ cá nhân: Không dùng chung ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống. Rửa bát đĩa bằng nước nóng, xà phòng hoặc trong máy rửa bát…

- Vệ sinh thường xuyên bề mặt thường xuyên tiếp xúc bằng xà phòng: Tay nắm cửa, đồ chơi…

Viêm họng do liên cầu thường gặp nhất ở trẻ em ở độ tuổi đi học và các trẻ khác trong gia đình, tăng cao vào mùa đông và đầu xuân, môi trường sống đông đúc... Cần tuân thủ thông điệp 5K trong phòng chống COVID-19 cũng sẽ là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh viêm họng do liên cầu lây lan. Dinh dưỡng tốt, tiêm chủng đầy đủ là chìa khóa cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp trẻ chống lại bệnh tật, để hạn chế lây nhiễm.
Xem thêm video đang được quan tâm:

Theo chân cán bộ và lực lượng y tế cấp phát thuốc điều trị F0 tại nhà

BS. Trần Đồng
Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc
Ý kiến của bạn