Viêm họng do liên cầu khuẩn nên dùng thuốc gì?

14-10-2019 13:51 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Viêm họng do liên cầu khuẩn (Steptococus) là một bệnh nhiễm trùng, có thể làm cho họng cảm thấy đau, khó nuốt, sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu...

Nếu không được điều trị, viêm họng liên cầu đôi khi có thể gây ra các biến chứng như viêm thận, sốt thấp khớp, biến chứng vào tim... Vậy dùng các thuốc điều trị bệnh này như thế nào cho an toàn?

Bị viêm họng liên cầu khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bị viêm họng liên cầu khi thấy xuất hiện một hoặc những triệu chứng sau: 

+ Đau họng mà không có triệu chứng cảm lạnh như chảy nước mũi; đau họng kèm theo các tuyến bạch huyết bị sưng (hạch); 

+ Đau họng kéo dài hơn 48 giờ; sốt cao hơn 38,5oC, hoặc sốt kéo dài lâu hơn 48 giờ; phát ban; khó thở; khó nuốt, nuốt bị đau (kể cả nuốt nước bọt). 

+ Đã được chẩn đoán viêm họng do liên cầu và đã được uống kháng sinh nhưng bệnh không được cải thiện từ 24 - 48 giờ; sốt - hoặc đau hoặc sưng khớp, khó thở hoặc phát ban - sau khi bị bệnh, nước tiểu màu sẫm. 

Cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Người bị viêm họng liên cầu cần đi khám để được điều trị thích hợp.

Người bị viêm họng liên cầu cần đi khám để được điều trị thích hợp.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn

Trước khi có kháng sinh, liên cầu khuẩn là một tai họa lớn, gây tử vong cao do các biến chứng nặng, cấp tính như nhiễm trùng huyết, áp-xe phổi, áp-xe sau thành họng, hội chứng nhiễm độc nhiễm trùng. Để lại nhiều di chứng rất nặng sau viêm họng như thấp tim, viêm cầu thận cấp... Ngày nay, nhờ vào những sự tiến bộ trong y học, việc chẩn đoán và điều trị viêm họng do liên cầu không còn quá khó khăn. Nếu được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng phác đồ, liệu trình, người bệnh sẽ hoàn toàn khỏi bệnh và khỏe mạnh. Tuy nhiên không vì thế mà người bệnh có thể coi thường, tự chẩn đoán và điều trị thuốc theo kinh nghiệm của bản thân.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn liên tục đưa ra các nghiên cứu báo cáo về sự kháng thuốc của liên cầu nhóm A, điều này gây ra những nỗi lo ngại đối với các bác sĩ. Bên cạnh đó, việc sử dụng sai liều điều trị và không đủ liệu trình điều trị cũng là một trong những yếu tố lớn góp phần gây ra thất bại trong điều trị liên cầu khuẩn nhóm A.

Đối với việc điều trị liên cầu nhóm A, có thể sử dụng các nhóm kháng sinh như: penicilline, cephalosporine hoặc macrolide...

Penicillin vẫn là thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm họng do liên cầu vì nó là thuốc tiện sử dụng, rẻ tiền. Nếu người bệnh có tiền sử hoặc dị ứng với nhóm thuốc penicillin thì có thể sử dụng thay đổi sang các nhóm thuốc khác như cephalosporine (cefadroxil, cefuroxime, cefexime...) và macrolide. Tuy nhiên, việc sử dụng những thuốc trong các nhóm này cũng cần có sự tư vấn và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, vì hiện nay đã có những báo cáo của các nhà nghiên cứu về việc kháng một số thuốc trong những nhóm kháng sinh trên của liên cầu nhóm A. Nếu đã bị kháng thì việc điều trị sẽ kém hoặc không hiệu quả.

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt liên cầu nhóm A, cần kết hợp sử dụng thêm các nhóm thuốc hỗ trợ đi kèm để hạ sốt như paracetamol; nhóm thuốc chống phù nề, giảm viêm như alphachymotripsin và có thể kết hợp các thuốc giúp tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân như vitamin C...

Người bệnh cần sử dụng đúng thuốc, liều dùng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý mua thuốc điều trị. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi những bất lợi của thuốc có thể xảy ra, thường gặp như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... thông báo nếu gặp phải các bất lợi này cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời.

Chăm sóc khi bị bệnh viêm họng liên cầu

Nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại nhiễm trùng. Nếu xác định có viêm họng do liên cầu khuẩn, hãy ở nhà làm việc nếu có thể để tránh lây lan ra cộng đồng.

Người bị viêm họng do liên cầu khuẩn Nên uống nhiều nước để họng luôn được giữ ẩm, giúp giảm bớt triệu chứng nuốt đau, ngăn ngừa mất nước do sốt.

Người bị viêm họng do liên cầu khuẩn Nên uống nhiều nước để họng luôn được giữ ẩm, giúp giảm bớt triệu chứng nuốt đau, ngăn ngừa mất nước do sốt.

Nên uống nhiều nước để họng luôn được giữ ẩm, giúp giảm bớt triệu chứng nuốt đau, ngăn ngừa mất nước do sốt.

Nên chọn các thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, nước canh, súp, khoai tây nghiền, trái cây, sữa chua... Thậm chí có thể nghiền thức ăn bằng máy xay để làm cho nuốt dễ dàng hơn. Tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị hoặc các loại thực phẩm có tính axit.

Vệ sinh miệng thường xuyên bằng nước muối ấm, súc miệng nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm đau cổ họng.

Sử dụng máy tạo ẩm (nếu khí hậu quá hanh khô) để bổ sung thêm độ ẩm cho không khí có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.

Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia... các chất kích thích này có thể gây kích thích cho họng và tăng khả năng nhiễm trùng như viêm amiđan; cần tránh những nơi khói bụi...

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội


BS. Dũng Vũ
Ý kiến của bạn