1. Viêm gân gót chân là gì?
Gân gót chân hay còn gọi là gân Achilles, được đặt theo tên một vị thần Hi Lạp, là gân lớn và khỏe nhất trong cơ thể, nối xương gót chân và các cơ cẳng chân. Gân gót chân được coi là gân quan trọng nhất trong việc di chuyển, chạy nhảy, leo cầu thang và đứng bằng đầu ngón chân.
Viêm gân gót chân là một chấn thương thường gặp ở những người hoạt động thể lực liên tục, cường độ cao như chạy bộ, người trung niên chơi thể thao…
Hậu quả của viên gân gót chân có thể khiến cho gân bị rách, thậm chí đứt hoàn toàn gân gót. Ngoài ra, viêm gân gót gây biến dạng xương gót, nhiễm trùng...
Đa số các trường hợp mắc bệnh có thể điều trị chăm sóc tại nhà với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, biết một số phương pháp tự chăm sóc cần thiết giúp ngăn chặn nguy cơ viêm tái phát cũng như hạn chế tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn.
Hình ảnh gân gót chân bình thường và gân gót chân bị viêm.
2. Những dấu hiệu nào cho biết bạn bị viêm gân gót chân?
Triệu chứng điển hình của viêm gân Achilles bao gồm:
- Đau, sưng phù ở mặt sau gót chân trong quá trình đi bộ hoặc chạy, đau dữ dội hơn khi vận động.
- Đau, cứng dọc theo gân hoặc phần sau của gót chân vào buổi sáng.
- Hạn chế phạm vi chuyển động của mắt cá chân, đặc biệt là giảm khả năng gấp bàn chân.
3. Các phương pháp điều trị
Nhìn chung, viêm gân gót chân thường bị người bệnh xem nhẹ, ít được điều trị và chăm sóc nghiêm túc. Trong nhiều trường hợp nhẹ, bệnh có thể nhanh chóng hồi phục với những biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm có mức độ ngày càng trầm trọng hơn hoặc kéo dài, người bệnh viêm gân gót chân cần được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Nguyên tắc chung để điều trị viêm gân gót chân là hỗ trợ giảm triệu chứng sưng đau ở gót chân, giúp tăng tốc độ hồi phục và cải thiện chức năng vận động. Đồng thời, phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng như rách gân, yếu gân, xơ gân.
Viêm gân gót chân gây đau, sưng phù ở mặt sau gót chân trong quá trình đi bộ hoặc chạy, đau dữ dội hơn khi vận động.
3.1. Điều trị viêm gân gót chân không dùng thuốc
Trong hầu hết các trường hợp viêm gân gót chân, phương pháp điều trị không phẫu thuật sẽ giúp giảm đau gân, mặc dù có thể sẽ mất khoảng vài tháng để các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị sớm, tình trạng đau có thể kéo dài hơn 3 tháng. Nếu bệnh nhân viêm gân gót chân có triệu chứng đau trầm trọng nhiều tháng trước điều trị thì có thể mất đến 6 tháng để các biện pháp trị liệu có hiệu quả.
- Nghỉ ngơi: Bước đầu tiên để giảm đau đó là giảm hoặc tránh các vận động mạnh khiến vùng mô gân bị tổn thương trầm trọng hơn. Việc chuyển đổi từ các bài tập có tác động với cường độ cao lên gân như chạy bộ sang chế độ tập luyện cường độ thấp như đạp xe, bơi lội… không những làm giảm đáng kể áp lực lên gân Achilles mà còn giúp bệnh nhân duy trì vận động.
- Chườm đá: Khi chân bị sưng đau, các mạch máu tại đây giãn ra tạo điều kiện cho các yếu tố miễn dịch đến tập trung tại vùng tổn thương gây ra hiện tượng sưng phù, việc chườm đá giúp co các mách máu từ đó làm giảm hiện tượng sưng. Có thể chườm đến khoảng 20 phút và ngưng lại khi cảm thấy tê.
- Các bài tập vật lý trị liệu: Có thể thực hiện các bài tập kéo dài và tăng cường chức năng gân Achilles nhằm thúc đẩy quá trình chữa lành và hỗ trợ cải thiện cấu trúc gân với sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bó bằng vải mềm co giãn để làm giảm sưng và cố định gân. Ngoài ra, có thể nâng chân lên cao hơn tim giúp giảm sưng.
- Mang giày hỗ trợ và nẹp chỉnh hình: Mang miếng lót giày mềm hoặc nệm nâng nhẹ gót chân có thể làm giảm căng gân và giảm lực tác động lên gân Achilles.
3.2. Sử dụng thuốc trị viêm gân gót chân
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Loại thuốc này giúp giảm đau, chống viêm và có thể sử dụng không kê đơn. Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc này để giảm các triệu chứng đau, cứng, sưng gót chân và sốt.
Các loại thuốc NSAID như ibuprofen và naproxen giúp giảm đau và sưng. Tuy nhiên, nó không giúp cải thiện tình trạng dày lên của gân do thoái hóa. Lưu ý, các thuốc này nên uống sau ăn, và cần uống kết hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày do thuốc có tác dụng phụ gây loét dạ dày.
- Tiêm cortisone: Nếu dùng các thuốc NSAID khong hiệu quả có thể cần phải tiêm corrtisone. Cortisone là một loại corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này không được lạm dụng.
Nếu lạm dụng việc tiêm cortisone có thể làm tăng các tác dụng phụ như: Tổn thương sụn, nhiễm trùng khớp, tổn thương thần kinh, tăng lượng đường trong máu tạm thời, có thể làm yếu đi vùng gân, cơ hoạt động tại vị trí tiêm hoặc thậm chí gây đứt gân gan chân, gây loãng xương, mỏng da và mô mềm xung quanh vết tiêm….
Ngoài ra, có thể sử dụng một số thuốc bôi ngoài da có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đau ở gót chân. Việc dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm gân gót chân chỉ dùng trong một số trường hợp bị nhiễm trùng và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
4. Làm sao để ngăn ngừa viêm gân gót chân?
Một số phương pháp hiệu quả có thể áp dụng nhằm hạn chế tổn thương vùng gân gót chân Achilles như:
- Khởi động kỹ trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao. Tập trung vào các bài tập kéo căng cơ, đặc biệt là cơ bắp chân.
- Thực hiện nhiều bài tập linh hoạt khác nhau, tránh thực hiện động tác lặp đi lặp lại trên gân Achilles.
- Tăng độ dài và cường độ của các bài tập một cách từ từ thay vì đột ngột.
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi luyện tập, giảm tải áp lực lên gân gót chân.
- Mang các loại giày vừa vặn, êm chân, phù hợp với các hoạt động thể chất. Đồng thời, hạn chế mang giày cao gót trong thời gian dài.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà.