Hà Nội

Thuốc trị viêm gan C, tác dụng và lưu ý khi dùng

23-10-2021 13:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hiện chưa có loại vaccine nào có thể giúp phòng ngừa viêm gan C. Khi đã bị nhiễm bệnh, người bệnh có thể phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là những thông tin hữu ích về thuốc điều trị mà người bệnh viêm gan C cần biết.

Thuốc điều trị viêm gan C - Ảnh 1.

Viêm gan C là một bệnh do virus gây ra.

Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra.

Nhiều người bị nhiễm HCV trong nhiều năm mà không biết. Theo thời gian, viêm gan C mãn tính có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho gan, bao gồm tổn thương gan, xơ gan (sẹo gan), ung thư gan và thậm chí tử vong.

Điều trị viêm gan C như thế nào?

Để điều trị viêm gan C, bác sĩ chuyên khoa sẽ cần tiến hành một số xét nghiệm để tìm phương án điều trị phụ hợp. Sau khi một người được chẩn đoán nhiễm HCV mãn tính, cần tiến hành đánh giá để xác định mức độ tổn thương gan (xơ hóa và xơ gan) bằng sinh thiết gan hoặc thông qua nhiều loại xét nghiệm không xâm lấn. Mức độ tổn thương gan sẽ được sử dụng để lên phác đồ điều trị và quản lý bệnh.

Khi viêm gan C trở thành mãn tính, việc điều trị bằng thuốc kháng virus là cần thiết.

Mục tiêu của thuốc điều trị

  • Loại bỏ virus viêm gan C khỏi cơ thể.
  • Ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tổn thương gan.
  • Giảm nguy cơ phát triển xơ gan (sẹo tiến triển của gan).
  • Giảm nguy cơ phát triển ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan).
  • Giảm nguy cơ suy gan và nhu cầu ghép gan.
Thuốc điều trị viêm gan C - Ảnh 2.

Mục tiêu điều trị là loại bỏ virus viêm gan C khỏi cơ thể.

Thuốc điều trị viêm gan C

Thuốc kháng virus không phải là phương pháp điều trị ban đầu cho bệnh viêm gan C. Trước năm 2014, phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh viêm gan C là interferon và ribavirin, được thực hiện dưới dạng tiêm hàng tuần dưới da, cùng với thuốc viên.

Điều trị bằng interferon gây ra nhiều tác dụng phụ khó chịu và thường không thành công. Sau đó, một thế hệ thuốc mới đã ra đời được gọi là thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp kiểu gen (DAAs). Các phương pháp điều trị kháng virus này có hiệu quả trong việc chữa khỏi viêm gan C và có ít tác dụng phụ, nhưng cần được uống theo đúng chỉ định mới đạt hiệu quả.

Cần đặc biệt lưu ý, phác đồ điều trị viêm gan C mạn phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định vì phụ thuộc vào kiểu gen của viêm gan C.

Thực phẩm chức năng không được chứng minh là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh viêm gan C, và một số loại thậm chí có thể có tác dụng phụ có hại và gây tương tác kém với thuốc điều trị. Nếu người bệnh muốn dùng vitamin và các chất bổ sung, hoặc đang cân nhắc dùng chúng vì những lý do sức khỏe khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Hiện các thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp kiểu gen (DAAs) được khuyến nghị cho những người trên 12 tuổi, gồm: Sofosbuvir, ledipasvir, daclatasvir, elbasvir, grazoprevir, velpatasvir... Các phác đồ có DAAs có thể hoặc không phối hợp với ribavirin.

Các phác đồ điều trị viêm gan C hiện có tỷ lệ thành công cao. Có khoảng 95% tỷ lệ chữa khỏi nói chung. Tuy nhiên, danh sách các loại thuốc điều trị viêm gan C có thể thay đổi mỗi năm vì các nghiên cứu về thuốc điều trị viêm gan C không ngừng tiến bộ.

Thời gian điều trị kéo dài bao lâu?

Điều trị thường kéo dài 8-12 tuần nhưng có thể kéo dài đến 16 tuần trong một số trường hợp nhất định. Một số bệnh nhân bị tổn thương nhiều hơn ở gan có thể phải điều trị trong 24 tuần, nhưng điều này thường không phổ biến. Thời gian phụ thuộc vào loại thuốc và các yếu tố viêm gan C cụ thể ở những bệnh nhân cụ thể.

Điều trị thành công khi tải lượng virus giảm xuống mức không thể phát hiện được, có nghĩa là không thể phát hiện được virus trong máu. Nếu vẫn không phát hiện được virus trong máu 12 tuần sau khi kết thúc đợt điều trị, thì việc điều trị đã thành công. Đây được gọi là Đáp ứng Virologic duy trì (SVR). Một bệnh nhân đã đạt được đáp ứng virus kéo dài được coi là đã được chữa khỏi virus viêm gan C.

Thuốc điều trị viêm gan C - Ảnh 4.

Người bệnh cần tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ điều trị, đặc biệt là hướng dẫn về cách dùng thuốc.

Thuốc kháng virus viêm gan C có ít tác dụng phụ và thường nhẹ. Một số tác dụng phụ có thể gặp là: Buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ).


Những lời khuyên hữu ích khi dùng thuốc điều trị viêm gan C

- Tìm hiểu về các loại thuốc điều trị viêm gan C đang sử dụng, bao gồm những rủi ro và cảnh báo đặc biệt.

- Tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ điều trị, đặc biệt là hướng dẫn về cách dùng thuốc.

- Dùng thuốc đúng theo chỉ định (về thời gian với thức ăn hoặc các loại thuốc khác)

- Chăm sóc tốt cho bản thân. Ăn uống đầy đủ, uống đủ nước mỗi ngày và cố gắng ngủ đủ giấc.

- Nếu dùng ribavirin, hãy sử dụng kem chống nắng, mặc áo dài tay và đội mũ, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

- Thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác đang được sử dụng - bao gồm thuốc không kê đơn, vitamin, thảo mộc và thực phẩm chức năng

- Khám định kỳ và thực hiện tất cả các xét nghiệm máu đúng hạn.

Làm gì để phòng ngừa viêm gan C

Hiện chưa có vaccine hiệu quả chống lại bệnh viêm gan C vì vậy việc phòng ngừa phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ phơi nhiễm với virus ở những quần thể có nguy cơ cao hơn. Những quần thể có nguy cơ cao bao gồm những người tiêm chích ma túy, có quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người nhiễm HIV hoặc những người đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.

Virus viêm gan C là một loại virus lây truyền qua đường máu và hầu hết các trường hợp lây nhiễm xảy ra khi tiếp xúc với máu từ các phương pháp tiêm chích không an toàn, chăm sóc sức khỏe không an toàn.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 58 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính, với khoảng 1,5 triệu ca nhiễm mới xảy ra mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trong năm 2019, khoảng 290 000 người chết vì viêm gan C, hầu hết là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát).

Thuốc kháng virus có thể chữa khỏi hơn 95% số người bị nhiễm viêm gan C, nhưng khả năng được tiếp cận chẩn đoán và điều trị còn thấp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Phân loại, phạm vi và tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19.

BS. Nguyễn Song Thao
Ý kiến của bạn