Hà Nội

Thuốc trị viêm amidan, những điều cần lưu ý

19-07-2022 09:55 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm amidan là tình trạng bệnh lý thường gặp với các triệu chứng điển hình là đau họng, sưng amidan, khó nuốt và sốt. Vậy dùng thuốc trị như thế nào?

Viêm amidan là tình trạng amidan bị viêm nhiễm do virus, vi khuẩn xâm nhập. Đây là một tình trạng rất phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Amidan tạo ra các tế bào bạch cầu chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Nhưng nếu hệ miễn dịch kém, đặc biệt là ở trẻ em và người già thì amidan sẽ dễ bị tổn thương và bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm amidan là do virus. Một số loại virus phổ biến gây viêm amidan là: Adenovirus, virus cúm, Enterovirus…

Loại vi khuẩn gây viêm amidan phổ biến nhất là vi khuẩn gây viêm họng đặc biệt là ở trẻ em, được gọi là Streptococcus pyogenes.

Viêm amidan - nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị - Ảnh 1.

Viêm amidan thường xuyên hoặc liên tục (mãn tính) có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

1. Triệu chứng của viêm amidan

Các triệu chứng của viêm amidan bao gồm:

  • Đau họng
  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Amidan sưng to
  • Đốm màu trắng hoặc hơi vàng trên amidan
  • Khó nuốt
  • Hôi miệng
  • Đau đầu
  • Sốt...

2. Những biến chứng của viêm amidan

Viêm amidan thường xuyên hoặc liên tục (mãn tính) có thể gây ra các biến chứng như:

  • Khó thở
  • Ngủ không ngon
  • Đau khi nuốt
  • Mệt mỏi và suy nhược
  • Chảy nước dãi
  • Viêm tai giữa

Các biến chứng rất hiếm của viêm amidan có thể xảy ra nếu tình trạng nhiễm vi khuẩn cơ bản không được điều trị, hoặc nếu điều trị kháng sinh không triệt để, bao gồm:

  • Ban đỏ
  • Thấp khớp
  • Viêm cầu thận gây nôn mửa và chán ăn

Trong một số trường hợp, viêm amidan có thể dẫn đến tụ mủ bên cạnh một bên amidan, được gọi là áp xe phúc mạc. Áp xe phúc mạc có thể gây đau, khó nuốt và sưng cổ họng gây khó thở. Nếu gặp phải những biến chứng trên cần đến bác sĩ ngay lập tức.

3. Phương pháp điều trị viêm amidan

Điều trị viêm amidan phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân. Đối với đa số người bệnh, viêm amidan là bệnh tự giới hạn. Với căn nguyên do virus, phương pháp điều trị chính của viêm amidan cấp là chăm sóc hỗ trợ, nghỉ ngơi, phục hồi và giảm triệu chứng; bệnh nhân hiếm khi phải nhập viện trừ trường hợp nặng có tắc nghẽn đường thở.

Nếu nhiễm vi khuẩn được xác định bằng cách cấy dịch cổ họng, thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn để ngăn ngừa các biến chứng, đặc biệt là sốt thấp khớp và viêm thận.

4. Thuốc điều trị viêm amidan

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen có tác dụng điều trị triệu chứng, cụ thể sốt và sưng, đau do viêm nhiễm gây nên. Người bệnh cần lưu ý các loại thuốc này chỉ làm giảm triệu chứng chứ không có tác dụng chữa bệnh.

Thuốc giảm xung huyết, phù nề

Thuốc giảm xung huyết, phù nề cũng thường được các bác sĩ kê đơn trong điều trị viêm amidan. Alpha choay là thuốc hay được dùng để ngậm dưới lưỡi, chống phù nề, xung huyết hiệu quả, giúp cho người bệnh giảm đau đớn và khó chịu

Thuốc corticoid

Thuốc kháng viêm corticoid có thể được coi là liệu pháp hỗ trợ để giảm và cải thiện thời gian hồi phục. Vì thuốc có nhiều tác dụng phụ nên việc sử dụng cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo như tiểu đường…

Các loại thuốc kháng viêm phổ biến nhất là: Prednisolon, dexamethason, betamethason…

Viêm amidan - nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị - Ảnh 4.

Việc sử dụng thuốc không đúng, hoặc dùng kháng sinh không đúng liệu trình có thể dẫn đến bệnh tái phát, khó điều trị.

Thuốc kháng sinh

Đối với những bệnh nhân viêm amidan do vi khuẩn dựa vào kết quả xét nghiệm kháng nguyên hoặc cấy dịch họng thường được chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị. Streptococcus là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm amidan do vi khuẩn và nếu điều trị bằng kháng sinh được cho là phù hợp, thì penicillin thường là loại kháng sinh được lựa chọn.

Ở những bệnh nhân bị dị ứng với penicilin, có thể thay thể bằng liệu pháp kháng sinh với azithromycin hoặc cephalosporin. Tuy nhiên, khi cân nhắc việc sử dụng kháng sinh, bác sĩ kê đơn nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích.

Các loại thuốc khác

Người bị viêm amidan cũng có thể sẽ được kê đơn sử dụng thêm các loại thuốc khác như thuốc giảm ho, thuốc kháng histamin, hoặc bổ sung vitamin như vitamin C...

5. Những lưu ý khi dùng thuốc

Một số bệnh nhân trì hoãn việc điều trị viêm amidan vì cho rằng đây là bệnh có thể tự khỏi. Điều này lại tạo ra nhiều biến chứng cho sức khỏe. Do đó, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Vì điều cốt yếu là viêm amidan là một bệnh lý cần có sự giám sát y tế của bác sĩ chuyên môn.

Hơn nữa nhiều người bệnh có xu hướng phụ thuộc nhiều vào các loại thuốc không kê đơn và các liệu pháp thảo dược để điều trị mà không biết rằng những loại thuốc này chỉ giúp giảm đau tạm thời. Việc sử dụng thuốc không đúng, hoặc dùng kháng sinh không đúng liệu trình có thể dẫn đến bệnh tái phát, khó điều trị.

Các rủi ro của việc sử dụng kháng sinh bao gồm tăng khả năng kháng kháng khuẩn, khó chịu đường tiêu hoá, tiêu chảy, nhiễm trùng Clostridium difficile…

Với những bệnh nhân viêm amidan hay tái phát nhiều lần hoặc do vi khuẩn không đáp ứng với thuốc kháng sinh hoặc dị ứng với thuốc kháng sinh, phẫu thuật cắt bỏ amidan có thể được chỉ định.

6. Phòng ngừa viêm amidan

Nên tránh tiếp xúc gần với những người bị viêm amidan để tránh lây truyền bệnh. Các biện pháp vệ sinh cũng nên được áp dụng để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Bao gồm:

- Rửa tay thường xuyên

- Dùng khăn giấy hoặc bên trong khuỷu tay để che những cơn ho và hắt hơi

- Không dùng chung thực phẩm, chất lỏng, dụng cụ ăn uống hoặc bình uống

- Thường xuyên làm sạch các bề mặt, đặc biệt là trong nhà bếp và phòng tắm...

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh viêm não virus vào mùa cao điểm, ghi nhận 3 trường hợp tử vong

BS. Trần Đức Linh
Ý kiến của bạn