Hà Nội

Thuốc trị viêm âm đạo do vi khuẩn

17-12-2021 06:49 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm âm đạo do vi khuẩn là viêm âm đạo lây nhiễm phổ biến nhất cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh có thể xuất hiện không triệu chứng, hoặc các triệu chứng thường nhẹ và thoáng qua mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong các trường hợp xuất hiện triệu chứng, bệnh cần được điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng...

Dùng thuốc trị viêm âm đạo do vi khuẩn ở bà bầuDùng thuốc trị viêm âm đạo do vi khuẩn ở bà bầu

SKĐS - Viêm phụ khoa do nhóm vi khuẩn Bacterial vaginosis (BV) là bệnh thường gặp nhất đối với phụ nữ mang thai, cứ khoảng 5 người thì sẽ có 1 người bị nhiễm bệnh. Bệnh xảy ra khi các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển một cách quá mức trong thai kỳ, do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone.

1. Viêm âm đạo do vi khuẩn là gì?

Viêm âm đạo do vi khuẩn, hay còn gọi là nhiễm khuẩn âm đạo, là tình trạng mất cân bằng của hệ vi khuẩn tự nhiên. Thông thường, vi khuẩn lactobacilli thường được tìm thấy trong âm đạo nhiều hơn các vi khuẩn khác (vi khuẩn kị khí), giúp duy trì pH acid tự nhiên ở âm đạo. Nếu các mầm bệnh kị khí phát triển quá mức (Precotella sp, Peptostreptococcus sp, Gardnerella vaginalis, Mobiluncus sp, và Mycoplasma hominis,…) thì sẽ thay thế lactobacilli, phá vỡ sự cân bằng của môi trường, gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn.

Viêm âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sinh dục. Tuy nhiên, viêm âm đạo không được xem là bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục.

Viêm âm đạo xảy ra chủ yếu ở phụ nữ độ tuổi 15 – 44 với tần suất mắc là 40-50% ở phụ nữ có hội chứng tiết dịch ở âm đạo.

photo-1639615261246

Viêm âm đạo xảy ra chủ yếu ở phụ nữ độ tuổi 15 – 44.

2. Triệu chứng của nhiễm khuẩn âm đạo

Có đến 50-75% nhiễm khuẩn âm đạo thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường xuất hiện, bao gồm: Chảy dịch âm đạo bất thường, nóng rát và ngứa. Dịch âm đạo có thể loãng, có màu xám hoặc trắng, mùi tanh như mùi cá ươn, đau khi giao hợp.

Các triệu chứng ít phổ biến hơn: Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, ngứa âm hộ, viêm nề âm hộ.

Viêm âm đạo đơn thuần không gây nguy hiểm, nhưng biến chứng của nó có thể gây hậu quả khó điều trị.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Viêm âm đạo do vi khuẩn thường có nguyên nhân do:

  • Thụt rửa hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh, dung dịch sát trùng.
  • Có bạn tình mới.
  • Sử dụng chất khử mùi âm đạo và một số loại xà phòng thơm.
  • Hút thuốc.
  • Giặt đồ lót bằng chất tẩy rửa mạnh.

4. Điều trị như thế nào?

Thuốc kháng sinh có thể hiệu quả lên đến 90%, nhưng viêm âm đạo thường tái phát trở lại trong vòng vài tuần. Điều trị kháng sinh có thể dùng đường uống, đặt âm đạo hoặc dạng bôi. Sử dụng kháng sinh đủ liều theo đúng chỉ định của người thầy thuốc.

Metronidazol là thuốc kháng sinh phổ biến nhất trong điều trị viêm âm đạo do tác dụng tốt lên vi khuẩn kị khí. Thường ở các dạng chế phẩm sau:

- Viên nén metronidazol 500 mg (flagyl): Uống 1g/ngày chia làm hai lần trong 7 ngày. Metronidazol thường gây cảm giác buồn nôn, vị kim loại. Để hạn chế tác dụng khó chịu này nên uống thuốc ngay sau khi ăn. Đây được coi là phương án điều trị hiệu quả và an toàn nhất, được ưu tiên điều trị cho phụ nữ đang cho con bú hoặc mang thai. Thuốc có thể đi vào sữa mẹ với một lượng nhỏ nhưng sẽ không gây hại cho trẻ bú mẹ, mặc dù nó có thể làm cho sữa có vị khác.

- Metronidazol 2g uống trong một liều duy nhất: Dùng bằng đường uống như liều một lần. Viêm âm đạo có nhiều khả năng tái phát với liệu trình điều trị này hơn so với dùng liệu trình 7 ngày.

- Gel (Metronidazole vaginal gel 0,75%, metrogel): Bôi âm đạo một lần mỗi ngày, trong 5 ngày. Tuy nhiên, bôi tại chỗ không đạt được hiệu quả điều trị cao.

Lưu ý: Metronidazol tương tác với rượu, vì thế uống rượu trong quá trình điều trị với metrodazol có thể gây phản ứng disulfiram (buồn nôn, nôn, chuột rút, đỏ bừng mặt, tăng nhịp mạch và đau đầu). Những người dùng metronidazol không nên uống rượu trong ít nhất 48 giờ sau đó.

Tinidazol, secnidazol: Được sử dụng khi metronidazol không hiệu quả hoặc viêm âm đạo tái phát. Tương tự như metronidazol, cần tuyệt đối tránh uống rượu sau khi dùng những thuốc này.

Khoảng 30% phụ nữ có các triệu chứng biến mất sau khi điều trị sẽ tái phát trong vòng 3 tháng và 50% sẽ tái phát trong vòng 6 tháng.

Trong trường hợp tái phát, bệnh nhân có thể được điều trị bằng liệu trình 7 ngày metronidazol hoặc clindamycin uống/đặt âm đạo. Clindamycin có ở dạng kem 2% bôi âm đạo trước khi ngủ, dạng uống hoặc viên đặt buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng không mong muốn của clindamycin là có liên quan đến viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile. Nếu lần điều trị trước là đường uống, thì điều trị qua đường âm đạo có thể hiệu quả hơn ở lần thứ hai. Nếu lần điều trị đầu tiên là đường âm đạo, thì điều trị tiếp theo nên bằng đường uống.

Nếu nhiều hơn 3 đợt tái phát xảy ra trong vòng 12 tháng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc metronidazol gel đặt âm đạo để sử dụng hai lần một tuần trong 3-6 tháng.

photo-1639615266014

Nên có lối sống tình dục an toàn, chung thuỷ với một bạn tình.

5. Lời khuyên của thầy thuốc

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn, vì nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể ngăn chặn viêm âm đạo do vi khuẩn, bao gồm:

- Có lối sống tình dục an toàn, chung thuỷ với một bạn tình: Mặc dù viêm âm đạo do vi khuẩn không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng việc có nhiều bạn tình có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng vi khuẩn của âm đạo, có khả năng gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn.

- Tránh thụt rửa âm đạo: Điều này có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng pH tự nhiên của âm đạo.

- Không sử dụng các sản phẩm có hương thơm hoặc hương liệu trong hoặc xung quanh âm đạo: Nước hoa vùng kín, băng vệ sinh có hương thơm, có thể làm thay đổi pH sinh lý của âm đạo, dẫn đến nhiễm trùng.

- Vệ sinh đúng cách, thường xuyên rửa âm hộ bằng nước, lau từ trước ra sau nhằm ngăn không cho vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo. Đồng thời, giữ vùng âm đạo tương đối khô ráo.

- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi cần thiết và được sự kê đơn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua để điều trị.

Xem thêm video đang được quan tâm:

F0 tăng quá nhanh, Hà Nội khẩn trương lên kịch bản 3000 ca/ngày.

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn