Các thuốc dùng điều trị nhiễm trùng roi là:
Metroninidazol (klion, flagyl, medazol): Tùy theo thể trạng của người bệnh, mức độ dai dẳng của bệnh mà chọn liều và thời gian dùng thích hợp. Liều dùng có thể chia ra nhiều lần uống trong ngày hoặc uống 1 liều duy nhất. Thời gian điều trị trung bình là 7 ngày. Trường hợp nhiễm trùng dai dẳng có thể dùng thuốc kéo dài 10 - 14 ngày, cần thiết có thể phối hợp với thuốc đặt âm đạo. Trong khi dùng thuốc và cả vài ngày sau khi ngừng dùng cần phải kiêng uống rượu.
Thuốc thường gây ra một số tác dụng phụ như mất điều hòa vận động, chóng mặt lú lẫn tâm thần, làm nặng thêm chứng thần kinh ở người vốn bị các chứng thần kinh trung tâm hay ngoại biên. Trong trường hợp này nên ngừng dùng thuốc. Trường hợp suy gan trầm trọng nên giảm liều.
Tinidazol (là thuốc thuộc họ nitroimidazol): Thường dùng với liều duy nhất 2 viên (500mg). Khi dùng liều cao nếu xảy ra vài rối loạn về thần kinh (chóng mặt, khó phối hợp động tác, mất điều hòa vận động) thì nên ngừng thuốc. Thận trọng với người có biểu hiện bất thường trong công thức máu. Trong khi dùng thuốc và cả vài ngày sau khi ngừng dùng cần phải kiêng uống rượu. Khi thật cần thiết có thể dùng cho phụ nữ có thai nhưng tránh dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ (để tránh nguy cơ gây quái thai). Thuốc chỉ có một số tác dụng phụ nhẹ như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, biếng ăn, ngứa, tiêu chảy, nổi mày đay, nhức đầu, chóng mặt.
Paromomycin (là kháng sinh họ aminozid). Thuốc được dùng trị Trichomonas vaginalis khi người bệnh không dung nạp hoặc không đáp ứng với metronidazol. Dùng thuốc trứng đặt tại chỗ với liều 250mg mỗi ngày, trong 2 tuần. Không dùng cho người suy thận, người có thay đổi ở niêm mạc tiêu hóa, người có tổn thương ốc tiền đình. Tránh dùng khi có thai nhất là vào cuối thai kỳ vì sẽ gây độc cho bộ máy tiền đình ở bào thai. Thuốc có thể gây tiêu chảy do làm mất cân bằng vi khuẩn ở đường ruột.
Trong các thuốc nêu trên, nên chọn thuốc mang tên gốc metronidazol là thuốc có hiệu lực cao, nước ta sản xuất được, giá rẻ hơn nhiều lần so với các biệt dược nước ngoài.
Nhiễm trùng roi không khó chữa nhưng thường bị nhiễm lại do chữa không dứt điểm và thường phải chữa 3 đợt. Sau mỗi kỳ kinh khi soi lại khí hư không thấy trùng roi mới là khỏi. Trong thời kỳ chữa nên tránh giao hợp. Bệnh cũng có thể lây trở lại do sinh hoạt tình dục bừa bãi. Cần chữa dứt điểm cho mình, cho chồng và sinh hoạt tình dục lành mạnh.
DS. Bùi Hải