1. Trào ngược dạ dày thực quản gây ra nhiều biến chứng
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) đang ngày ra tăng ở Việt Nam và gây ra nhiều khó khăn cho vấn đề điều trị. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chưa được hiểu một cách rõ ràng, nhưng có một số tác nhân có thể gây bệnh như: Béo phì, thay đổi chế độ ăn, giảm tần suất nhiễm vi khuẩn H.pylori trong dạ dày…
GERD là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh không những gây khó chịu trong cuộc sống hằng ngày, mà còn gây ra những biến chứng. Các biến chứng có thể là lành tính nhưng cũng có thể là ác tính.
Các biến chứng lành tính như: Viêm thực quản ăn mòn, có thể gây loét dẫn đến chảy máu thực quản.
Biến chứng hẹp thực quản là do xơ sẹo tại thực quản dạ dày do hậu quả của điều trị viêm loét thực quản nhiều lần. Khi bị hẹp thực quản, bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó nuốt thức ăn rắn, phải chuyển sang ăn mềm hoặc chia bữa ăn làm nhiều lần.
Các biến chứng ác tính bao gồm: Dị sản của Barrett thực quản, ung thư thực quản.
2. Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản
Các triệu chứng thường gặp và dễ nhận thấy nhất ở bệnh GERD là ợ nóng, ợ chua, nóng rát từ vùng thượng vị, lan ra phía sau xương ức, thậm chí là lên tận cổ họng.
Hiện tượng này là do acid và pepsin trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây hoại tử các lớp bề mặt niêm mạc thực quản, thậm chí đến mức xói mòn và loét.
Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp các triệu chứng không điển hình hoặc do biến chứng như nuốt khó, nuốt đau, nôn, ợ hơi; khàn tiếng, đau họng, ho; tăng tiết nước bọt…
3. Điều trị và dự phòng như thế nào?
Điều trị GERD phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Trước hết cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn… Về thuốc, cơ bản có thể sử dụng một số nhóm thuốc sau:
Liệu pháp dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI đóng vai trò quan trọng trong tất cả các bệnh lý đường tiêu hóa trên, như: Trào ngược dạ dày thực quản; thực quản Barrett; viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan; khó tiêu chức năng…
Các thuốc PPI bao gồm: Omeprazole, lansoprazole, pantoprazole… có tác dụng ức chế tiết acid mạnh, nên các triệu chứng lâm sàng có thể hết ngay từ những ngày đầu dùng thuốc.
Hiện nay việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày hoặc dùng một loại kháng thụ thể H2. Việc dùng PPI cần phải tuân thủ tốt về điều trị mới đạt hiệu quả cao, bao gồm thời gian uống thuốc và cách uống thuốc để đạt tối ưu hóa việc ức chế acid. Theo đó, PPI nên dùng trước bữa ăn sáng từ 30-60 phút để ức chế tối đa bơm proton.
Để tối ưu hóa điều trị ức chế bài tiết acid, có thể lựa chọn kết hợp với các thuốc khác, như: Alginate, kháng histamin, thuốc điều hòa vận động, thuốc điều hòa thần kinh.
Thuốc điều nhóm hòa vận động: Như metoclopramid hoặc domperidon có tác dụng làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị, làm vơi dạ dày từ đó làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc được dùng trước các bữa ăn.
Tuy nhiên, với metoclopramid có tác dụng phụ là gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp. Domperidon chống chỉ định với người có xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột, do nguy cơ tác dụng phụ gây thủng ở ống tiêu hoá.
Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, tuỳ theo tình trạng bệnh cảnh lâm sàng mà có thể dùng một số thuốc khác như: Sulpirid, metopimazin, alizaprid, anzemet, zelmac…
Thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược: Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày - thực quản như alginat được sử dụng sau mỗi bữa ăn và trước lúc đi ngủ. Ngoài ra còn có thuốc dimeticol, cũng là một chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc tương tự như thuốc trên.
Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: Như sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng.
Thuốc được uống trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ. Cần lưu ý là nếu phải dùng phối hợp thuốc thì cần tránh dùng thuốc antacid hoặc kháng histamin H2 ít nhất 30 phút trước hoặc sau khi uống sucralfat.
Lưu ý: Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về dùng. Việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố quyết định sự thành công của điều trị. Do đó khi đã được bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa khám và chỉ định dụng thuốc, bệnh nhân không nên bỏ thuốc sớm hoặc hết thuốc nhưng không đi tái khám mà lần sau có triệu chứng của bệnh lại đi mua thuốc theo đơn cũ về dùng.
Chỉ có kiên trì khám và dùng thuốc đúng chỉ định thì mới có thể điều trị dứt điểm được bệnh và hạn chế được các biến chứng.
Mời độc giả xem thêm video:
Nguy hiểm: Người mắc Omicron có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 5 lần