Tôi bị bệnh trào ngược thực quản, nghe nói nếu mắc bệnh này thì rất dễ bị ung thư thực quản. Vậy điều trị làm sao cho khỏi?
Vũ Văn Nhân (Hải Dương)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi mất đi chênh lệch áp suất giữa cơ thắt thực quản dưới và dạ dày; do thư giãn cơ LES không phù hợp; thức ăn béo, thức ăn nhiều gia vị, chanh, socola, bạc hà, hành; các loại thuốc (thuốc đối kháng cholinergic, thuốc giãn cơ trơn, các thuốc chặn kênh calcium, các thuốc thuộc nhóm nitrate).
Trào ngược dạ dày thực quản. |
Ngoài ra, khi có thai (các nội tiết tố thai nghén làm giảm áp lực của cơ LES); nhu động ruột không hiệu quả; xơ cứng bì; chậm làm rỗng dạ dày; tư thế nằm, cúi gập người; béo phì là những nguy cơ gây bệnh.
Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường kèm theo các bệnh lý: viêm thực quản trào ngược; trào ngược ngoài thực quản; sặc hít; ho mạn tính; viêm thanh quản, hạt dây thanh; viêm xoang; viêm tai giữa; hơi thở hôi; thoát vị hoành; chít hẹp ống tiêu hóa; thực quản Barrett; carcinôm tuyến thực quản.
Làm sao hết bệnh?
Trước tiên cần thay đổi lối sống và chế độ ăn, kết hợp với thuốc, thuốc có thể dùng theo phác đồ sau:
- Thuốc hàng thứ nhất, bao gồm thuốc ức chế H2 hoặc ức chế bơm proton PPI. Thuốc ức chế H2 dùng đường uống gồm: cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine. Thuốc PPI: các thuốc này kết dính bất hồi phục với bơm proton, đạt hiệu quả điều trị sau 4 ngày, gồm có: omeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole, esomeprazole.
Đối với viêm trợt loét thực quản: dùng PPI trong 8 tuần có hiệu quả lành loét trong 90% trường hợp. PPI có hiệu quả hơn các thuốc ức chế H2 trong điều trị viêm trợt loét thực quản.
- Thuốc hàng thứ hai bao gồm các thuốc kháng axit: metoclopramide 5-10mg trước các bữa ăn chính.
Khi dùng thuốc điều trị dạ dày thực quản có thể gặp rối loạn huyết học khi sử dụng PPI hay thuốc ức chế thụ thể H2. Cần điều chỉnh liều theo chức năng thận đối với thuốc ức chế H2. Metoclopramide là chất ức chế dopamine, do đó có nguy cơ gây rối loạn trương lực cơ và rối loạn vận động muộn. Các thuốc PPI có thể gây giảm hấp thu B12, cần thường xuyên kiểm tra lượng B12 nếu dùng kéo dài.
Điều trị bổ sung:
- Đầu tiên cần phải thay đổi lối sống; nên nâng cao đầu giường (15cm) và tránh nằm ngay sau khi ăn; tránh cúi đầu thấp, tránh mặc quần áo quá chật; tránh dùng các thuốc gây giãn cơ thắt thực quản dưới (như các thuốc kháng cholinergic, thuốc ức chế kênh calcium); nên giảm cân; bỏ thuốc lá; tránh uống rượu bia.
- Khi các phương pháp nội khoa không thành công, có thể nghĩ tới điều trị ngoại khoa. Phẫu thuật mở hay nội soi cuộn đáy vị Nissen giúp tăng chênh lệch áp suất giữa dạ dày và thực quản.
BS. Đồng Ngọc Khanh