Mẹ tôi năm nay 63 tuổi. Gần đây bà thường bị đau đầu gối, có lần không thể đứng dậy, đi lại rất khó khăn. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán là bị thoái hóa khớp gối và yêu cầu phải điều trị lâu dài. Xin hỏi, thoái hóa khớp gối là bệnh gì và điều trị thế nào?
Nguyễn Mai Lê (Bắc Ninh)
Bệnh thoái hóa khớp gối là bệnh rất thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh mà hậu quả dẫn đến tàn phế, người bệnh đi lại khó khăn, không thể ngồi xổm được. Thậm chí có bệnh nhân không thể đứng được và phải ngồi xe lăn hoặc thay khớp gối. Béo phì và giảm lượng estrogen trong máu sau mãn kinh là những yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối. Ðể khắc phục tình trạng này cần giảm cân nặng đối với người béo và có chế độ luyện tập đều đặn, điều trị thuốc hợp lý.
Cortiocoid tiêm nội khớp chỉ nên sử dụng trong trường hợp có tràn dịch khớp gối, dịch nhiều kích thích xương dưới sụn và gây đau, sau khi đã hút dịch khớp gối ở phòng đảm bảo vô trùng, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định tiêm nội khớp. Corticoid dạng tiêm nội khớp cũng không được lạm dụng tiêm khớp quá nhiều lần, có thể gây loãng xương.
Hiện nay, ở nước ta nhiều bệnh nhân thoái hoá khớp gối đã được điều trị với axit hyaluronic tiêm vào khớp gối. Axit hyaluronic có trong thành phần dịch khớp, khi khớp gối khô bồi phụ thuốc này có tác dụng làm giảm đau, tác dụng đàn hồi và thay đổi độ nhớt cải thiện vận động của khớp.
Điều trị ngoại khoa khi mà điều trị nội khoa không còn hiệu quả, có thể thay khớp gối hoặc cắt xương chỉnh trục.
BS. Minh Tâm