1. Thuốc nhuận tràng là gì?
- 1. Thuốc nhuận tràng là gì?
- 2. Các nhóm thuốc nhuận tràng
- 2.1 Thuốc nhuận tràng tạo khối
- 2.2 Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
- 2.3 Thuốc nhuận tràng kích thích
- 2.4 Thuốc làm mềm phân
- 2.5 Thuốc nhuận tràng bôi trơn
- 3. Tác dụng phụ cần biết của thuốc nhuận tràng
- 4. Những quan niệm sai lầm về thuốc nhuận tràng
- 4.1 Dùng thuốc nhuận tràng để thải độc
- 4.2 Dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân
- 5. Cách sử dụng đúng thuốc nhuận tràng
Táo bón là một vấn đề lâm sàng thường gặp. Táo bón mãn tính ảnh hưởng đến 20% dân số và có tác động tiêu cực lớn đến chất lượng cuộc sống.
Các yếu tố nguy cơ của táo bón bao gồm:
- Thói quen sống ít vận động
- Không uống đủ nước
- Chế độ dinh dưỡng
- Mắc các bệnh mãn tính.
Các yếu tố nguy cơ này thường gặp ở người cao tuổi. Ngoài ra nữ giới cũng có nguy cơ bị táo bón cao hơn nam giới.
Xử trí ban đầu đối với táo bón mãn tính nên bao gồm điều chỉnh lối sống, tăng cường chất xơ và chất lỏng. Khi điều trị không dùng thuốc không cải thiện các triệu chứng, thuốc nhuận tràng có thể được chỉ định để kiểm soát táo bón.
Thuốc nhuận tràng là những loại thuốc làm thay đổi độ đặc của phân, tăng tốc độ di chuyển của phân qua ruột kết và hỗ trợ thải phân ra khỏi trực tràng. Thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị táo bón.
2. Các nhóm thuốc nhuận tràng
Có nhiều nhóm thuốc nhuận tràng hoạt động theo những cách khác nhau. Mỗi loại thuốc nhuận tràng lại có các tên thương hiệu khác nhau. Bác sĩ sẽ xác định khi nào cần dùng thuốc nhuận tràng, loại và dạng thuốc nào là phù hợp với người bệnh. Thuốc nhuận tràng dùng qua đường uống có ở dạng lỏng, viên nén, bột … và hoạt động theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:
2.1 Thuốc nhuận tràng tạo khối
Thuốc nhuận tràng tạo khối là các polysaccharid thiên nhiên hoặc tổng hợp. Những loại thuốc nhuận tràng này còn được gọi là chất bổ sung chất xơ. Thuốc hấp thụ nước trong ruột và làm cho phân mềm hơn.
Thuốc nhuận tràng dạng khối gồm: Fybogel, methylcellulose... được coi là an toàn nhưng có thể cản trở sự hấp thụ của một số loại thuốc.
2.2 Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu là những hợp chất không hấp thu được đưa đến ruột già, do đó làm tăng khối lượng phân. Thuốc bao gồm: Lactulose, macrogol, polyethylene glycol.
2.3 Thuốc nhuận tràng kích thích
Thuốc nhuận tràng kích thích làm tăng nhu động của đường tiêu hoá bằng cách kích thích các dây thần kinh trong ruột kết. Thuốc bao gồm: Bisacodyl, senna, natri picosulfat...
Thuốc nhuận tràng kích thích có thể phù hợp với hầu hết bệnh nhân, tuy nhiên phụ nữ mang thai nên tránh dùng vì thuốc có thể gây kíchh thích co bóp tử cung.
2.4 Thuốc làm mềm phân
Thuốc làm mềm phân là chất hoạt động bề mặt cung cấp độ ẩm cho phân và ngăn ngừa tình trạng mất nước, bao gồm natri docusate. Những loại thuốc nhuận tràng này cũng thường được chỉ định cho phụ nữ sau khi sinh con hoặc sau phẫu thuật.
2.5 Thuốc nhuận tràng bôi trơn
Thuốc bôi trơn paraffin lỏng giúp phân di chuyển qua ruột dễ dàng hơn. Thuốc được khuyến cáo không dùng quá 1 tuần vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn là rò hậu môn, nguy cơ u hạt đường tiêu hoá...
3. Tác dụng phụ cần biết của thuốc nhuận tràng
Giống như tất cả các loại thuốc, có một số tác dụng phụ đã được báo cáo với mỗi loại thuốc nhuận tràng khác nhau. Nếu muốn biết thêm thông tin cụ thể về thuốc nhuận tràng cần trao đổi với bác sĩ kê đơn và đọc kỹ tờ thông tin sử dụng đi kèm với thuốc.
Khi sử dụng đúng, thuốc nhuận tràng rất hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các tác dụng phụ thường gặp bao đầy hơi, chuột rút, tiêu chảy, buồn nôn.
Hầu hết các tác dụng phụ có thể tránh được hoặc giảm bớt bằng cách bắt đầu với liều thấp và tăng dần liều thuốc nhuận tràng.
Nếu đang dùng thuốc nhuận tràng, có thể nhận thấy sự gia tăng đầy hơi và chướng bụng. Điều này là bình thường và có xu hướng lắng xuống sau một vài tuần khi ruột quen với sự gia tăng chất xơ (hoặc thuốc nhuận tràng tạo khối).
Thuốc nhuận tràng đôi khi phản ứng với các loại thuốc khác. Vì vậy, cần thông báo với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào khác mà người bệnh đang dùng, kể cả những loại thuốc mua không cần kê đơn, thảo dược và thực phẩm chức năng.
4. Những quan niệm sai lầm về thuốc nhuận tràng
4.1 Dùng thuốc nhuận tràng để thải độc
Một số bệnh nhân có thể lạm dụng thuốc nhuận tràng để thải độc (detox) cho cơ thể, xuất phát từ việc tin rằng chất thải ở đại tràng gây độc cho cơ thể. Tuy nhiên các nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra rằng, chúng không gây độc. Ngược lại việc lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể gây nhiều biến chứng tổn hại sức khoẻ. Bệnh nhận lạm dụng thuốc nhuận tràng cón có thể bị lệ thuộc thuốc.
4.2 Dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân
Nhiều người lạm dụng thuốc nhuận tràng như một giải pháp dễ dàng và nhanh chóng để giảm cân. Tuy nhiên, thuốc nhuận tràng không phải là cách hiệu quả để giảm cân, thậm chí có thể rất nguy hiểm.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, thuốc nhuận tràng không làm giảm mỡ trong cơ thể hoặc thúc đẩy giảm cân lâu dài và có tác động tối thiểu đến việc giảm lượng calo. Việc giảm cân xảy ra chỉ là tạm thời và do giảm lượng nước (thuốc nhuận tràng hoạt động bằng cách giữ nước). Việc giảm trọng lượng nước làm giảm tạm thời sự xuất hiện của mỡ bụng hoặc đầy hơi và sẽ nhanh chóng quay trở lại sau khi ăn một bữa ăn hoặc uống đồ uống.
5. Cách sử dụng đúng thuốc nhuận tràng
- Trừ khi có chỉ dẫn khác của chuyên gia y tế, cần lưu ý rằng thuốc nhuận tràng không kê đơn và kê đơn chỉ nhằm mục đích sử dụng ngắn hạn và không được vượt quá liều lượng ghi trên nhãn.
- Với tất cả các loại thuốc nhuận tràng, điều quan trọng là phải tiêu thụ ít nhất 6-8 cốc nước/ngày. Như đã mô tả ở trên, thuốc nhuận tràng thường hút chất lỏng vào hệ tiêu hóa để làm mềm phân và / hoặc thải phân ra ngoài theo nhu động ruột. Do vậy, cần đảm bảo uống nhiều nước để ngăn mất nước.
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến rối loạn chức năng nghiêm trọng của nhu động ruột như hội chứng ruột kích thích, viêm tụy và các vấn đề khác. Sử dụng thuốc nhuận tràng điều độ và dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu bị táo bón mãn tính, cần có sự thăm khám của chuyên gia y tế trước khi tự điều trị bằng thuốc nhuận tràng không kê đơn.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học, nơi làm việc, khu công nghiệp