Thuốc trị tăng mỡ máu

13-10-2021 06:53 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Tăng mỡ máu là tình trạng khá thường gặp hiện nay và gây bất lợi cho sức khỏe. Lúc này, tùy từng trường hợp sẽ phải dùng thuốc điều trị.

Thế nào là tăng mỡ máu?

Mỡ máu bao gồm nhiều thành phần, trong đó có cholesterol. Đa số chúng ta đều nghĩ cholesterol là thành phần xấu trong máu. Nhưng cholesterol lại rất quan trọng, có mặt trong nhiều bộ phận như: Cấu trúc màng tế bào, tiền chất tạo ra vitamin D và một số hormone giúp cơ thể phát triển bình thường và hoạt động khỏe mạnh.

Chỉ khi có sự rối loạn các thành phần của mỡ máu mới gây hại cho sức khỏe. Nếu để kéo dài có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó điển hình là gây xơ vữa động mạch.

Mỡ máu cao có thuốc nào để trị? - Ảnh 1.

Tăng mỡ máu có thể gây xơ vữa động mạch.

Khi xét nghiệm mỡ máu, ngoài chỉ số cholesterol toàn phần, còn có các chỉ số như liporotein tỉ trọng thấp (LDL-c) - cholesterol xấu và lipoprotein tỉ trọng cao (HDL-c) - cholesterol tốt.

Được gọi là mỡ máu cao khi LDL-c tăng và HDL-c giảm. Ngoài ra, một thành phần khác của mỡ máu - đó là triglycerid (hay còn gọi là chất béo trung tính) đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất. Khi chỉ số của triglycerid cao cũng là nguy cơ gây xơ vữa động mạch.

Triglycerid cao thường gặp ở người thừa cân béo phì, ít vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều. Nếu thành phần này tăng, có nguy cơ kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-c và giảm HDL-c, dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch cao hơn.

Đối với các trường hợp bị rối loạn mỡ máu nhẹ, không mắc kèm theo bệnh đái tháo đường, mạch vành, tăng huyết áp, không hút thuốc… chỉ với thay đổi lối sống lành mạnh: Tăng cường luyện tập thể lực, thực hiện chế độ ăn kiêng (hạn chế mỡ động vật, thực phẩm nhiều cholesterol, nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá, bỏ rượu bia, thuốc lá…) cũng có thể đưa mỡ máu về chỉ số an toàn. Chỉ sau khi đã thực hiện các biện pháp không dùng thuốc nhưng vẫn không đưa được chỉ số mỡ máu về tới mức mong muốn thì mới sử dụng thuốc.

Các thuốc điều trị tăng mỡ máu

Nhóm statin

Các thuốc statin ức chế men khử HMG-CoA, không tạo ra cholesterol ở gan, làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng làm tăng số lượng thụ thể của LDL-c, tăng sự thoái hóa và làm giảm loại cholesterol gây hại này xuống mức thấp nhất. Đồng thời, các statin cũng làm tăng HDL-c. Do đó, statin là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị bệnh mỡ máu.

Thuốc này thường kết thúc bằng đuôi "statin", bao gồm các thuốc: Simvastatin, atorvastatin, rosuvastatin…

Nhóm fibrat

Fibrat cũng là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tăng mỡ máu. Thuốc có tác dụng giảm triglycerid, giảm LDL-c và tăng HDL-c. Có thể sử dụng các thuốc này một mình hoặc kết hợp với những loại thuốc hạ mỡ máu khác.

Dấu hiệu để nhận biết nhóm thuốc này chính là các tên thuốc đều kết thúc bằng đuôi "fibrat", bao gồm các thuốc: Fenofibrat, ciprofibrat, berafibrat.

Thuốc niacin

Niacin là loại thuốc trong số 8 loại vitamin nhóm B, cụ thể là vitamin B3 hay vitamin PP có tác dụng hạ mỡ máu. Nhóm thuốc này được dùng kết hợp với thuốc statin, hoặc các trường hợp người bệnh không dung nạp với statin. Niacin là vitamin tan trong nước giúp ức chế sản xuất các lipoprotein tại gan, giảm chỉ số LDL-c và tăng chỉ số HDL-c.

Niacin là vitamin nhóm B dạng thuốc nhưng cũng có thể bổ sung nhóm vitamin B trong các thực phẩm, như: Súp lơ, cà chua, rau chân vịt, cà rốt, hạnh nhân…

Nhóm renin

Bao gồm cholestyramin, colestipol; thường dùng phối hợp với nhóm statin hoặc dùng cho bệnh nhân không dụng nạp với statin. Không được dùng khi triglycerid tăng quá cao.

Nhóm acid béo không bão hòa - omega-3

Những acid béo DHA và EPA là những thành phần chính của dầu cá, có tác dụng hạ triglycerid khá mạnh, làm tăng HDL-c vừa phải. Nhóm này thường dùng điều trị triglycerid cao và thường được phối hợp với nhóm fibrat.

Ngoài ra, còn có nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol (thuốc nhóm này được dùng phối hợp với nhóm statin hoặc ko dung nạp statin, không được dùng khi triglycerid tăng cao) và điều trị thay thế bằng hormone (đối với phụ nữ, có thể dùng sinh dục nữ estrogen thảo dược, rất có ích cho phụ nữ mãn kinh có rối loạn mỡ máu).

Mỡ máu cao có thuốc nào để trị? - Ảnh 3.

Cần giữ các chỉ số mỡ máu an toàn, để tránh các biến chứng tim mạch.

Lưu ý khi dùng thuốc trị tăng mỡ máu

Tác dụng phụ của thuốc

Nhìn chung, sau khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu một thời gian dài, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng:

Đối với gan mật:

Tác dụng phụ của thuốc là có thể làm rối loạn chức năng gan, làm tăng men gan dẫn tới hoại tử tế bào gan. Do đó, khi sử dụng thuốc điều trị mỡ máu cao cần định kỳ đi làm các xét nghiệm, trong đó có chức năng gan.

Khi các men gan tăng lên gấp 3 lần bình thường bệnh nhân buộc phải ngừng thuốc đang sử dụng. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc bệnh nhân bị mệt mỏi, suy yếu sức khỏe, chán ăn, đau bụng trên, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm mà,... cần báo ngay cho bác sĩ.

Đối với những bệnh nhân có mắc viêm gan cấp hoặc mãn tính, men gan tăng kéo dài chống chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu.

Đối với tiêu hóa:

Nhóm thuốc hạ mỡ máu fibrat có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, táo bón. Nhóm statin có thể gây đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn...

Trên hệ thần kinh:

Khi dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, một số người có thể bị giảm trí nhớ, nhầm lẫn, phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên...

Ngoài ra, thuốc hạ mỡ máu có thể làm đau cơ, yếu cơ, nhức mỏi các khớp, dị ứng da, ngứa, nổi mề đay.

Tương tác thuốc

Thuốc trị tăng mỡ máu có thể gây tương tác bất lợi với một số thuốc điều trị các bệnh khác và ngược lại. Vì vậy, nếu người bệnh đang dùng bất cứ loại thuốc nào cần thông báo cho bác sĩ biết để cân nhắc lợi ích - nguy cơ, phòng ngừa các tương tác bất lợi do dùng nhiều thuốc một lúc gây ra.

Mỡ máu cao có thuốc nào để trị? - Ảnh 4.

Thực phẩm tốt cho người có mỡ máu cao.

- Không dùng bưởi khi đang uống thuốc nhóm statin vì nước bưởi có chứa một chất hóa học có thể liên kết với các enzyme phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa... sẽ gây tương tác bất lợi, thậm chí nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người bệnh khi đang dùng thuốc hạ mỡ máu vẫn cần duy trì nghiêm túc chế độ ăn và vận động theo khuyến cáo. Nghỉ ngơi đợt ngắn khi áp dụng liệu pháp dùng thuốc nhóm statin để cải thiện sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc.Các thuốc điều trị tăng mỡ máu chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cụ bà 80 tuổi vượt ngàn km về quê: "Tôi thấy người Việt tốt bụng ở khắp nơi"

DS.Bùi Ngọc Lan Hương
Ý kiến của bạn