Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường quan trọng như thế nào?
Bệnh nhân đái tháo đường thường mắc kèm tăng huyết áp. Đó là do khi mắc đái tháo đường một thời gian sẽ làm cứng các mạch máu lớn, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp...
Kiểm soát huyết áp hiệu quả là một mục tiêu rất quan trọng đối với người đái tháo đường. Bởi khi cả hai bệnh này cùng kết hợp mà không được kiểm soát tốt huyết áp, kể cả khi kiểm soát tốt mức đường huyết thì vẫn sẽ tác động rất xấu đến sức khỏe lâu dài. Các tác động xấu này dẫn đến biến chứng như đột quỵ, suy thận, giảm chất lượng sống, giảm tuổi thọ... Do đó, ngoài đặt mục tiêu về lượng đường huyết ở mức an toàn, thì điều trị duy trì huyết áp mục tiêu cũng cực kỳ thiết yếu.
Tùy thuộc nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà huyết áp mục tiêu sẽ khác nhau. Chẳng hạn với người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, thì mục tiêu huyết áp là 130/80, không thấp hơn 120/70. Đối với bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hoặc từ 70 tuổi trở lên, thì mục tiêu có thể là 140/90, hoặc dưới 130/80 nếu người bệnh dung nạp được.
Các biện pháp điều trị tăng huyết áp ở người đái tháo đường
Có nhiều phương pháp để ổn định huyết áp ở người đái tháo đường trước khi dùng thuốc. Bao gồm:
- Kiểm soát tốt đường huyết, luôn giữ lượng đường trong máu ở mức an toàn.
- Ngừng hút thuốc.
- Ăn uống lành mạnh.
- Tập thể dục hằng ngày, lựa chọn các bài tập vừa sức, phù hợp.
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Không uống rượu/bia.
- Hạn chế lượng muối ăn.
- Tái khám định kỳ theo lịch hoặc khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
Khi thực hiện các bước trên đây một cách bài bản nhưng mức huyết áp mục tiêu vẫn không đạt được, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị tăng huyết áp.
Theo phác đồ điều trị tăng huyết áp của Hội tim mạch học Việt Nam, khi mức huyết áp của người đái tháo đường ở mức 140/90mmHg trở lên, bác sĩ sẽ xem xét điều trị bằng thuốc ngay cho tất cả các bệnh nhân.
Các hướng dẫn của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hội tăng huyết áp thế giới khuyến cáo rằng: Bất kỳ bệnh nhân nào mắc đái tháo đường và tăng huyết áp từ 140/90mmHg trở lên nhưng thấp hơn 160/100 mmHg nên bắt đầu dùng hai loại thuốc huyết áp. Việc lựa chọn sử dụng thuốc huyết áp cho bệnh nhân đái tháo đường có thể được chia làm các nhóm như sau:
- Thuốc điều trị tăng huyết áp cho người đái tháo đường không bệnh thận, bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril….).
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (losartan, ibersartan…).
- Thuốc lợi tiểu thiazide (furosemid, hydrochlorothiazide…).
- Thuốc chẹn kênh canxi (nifedipine, amlodipine...).
Đối với người có kèm theo bệnh thận nên sử dụng thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin ARB.
- Thuốc huyết áp cho người đái tháo đường có huyết áp từ 160/100 trở lên, không kèm theo bệnh thận, có thể bắt đầu dùng 2 loại thuốc bất kỳ từ 3 nhóm thuốc sau:
- Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
- Thuốc lợi tiểu thiazid.
- Thuốc chẹn kênh canxi.
Đối với người có kèm theo bệnh thận trong nhóm này nên dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin, cùng với thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chẹn kênh canxi.
Vai trò của thuốc huyết áp đối với bệnh đái tháo đường
- Các thuốc ức chế men chuyển: Là thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả khá tốt vì có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm các biến chứng vi mạch và mạch máu lớn do bệnh đái tháo đường gây ra. Ngoài ra, thuốc ức chế men chuyển còn hiệu quả hơn các loại thuốc khác giúp trì hoãn sự khởi phát của biến chứng suy thận ở bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường type 1 có albumin niệu.
Do đó, thuốc ức chế men chuyển thường là thuốc đầu tay được khuyến cáo điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường bị tăng huyết áp.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin: Thuốc giúp ngăn chặn hoạt động của angiotensin II, từ đó giúp các tĩnh mạch và động mạch giãn ra, hỗ trợ hạ huyết áp và hoạt động bơm máu của tim được dễ dàng hơn.
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin làm chậm các biến chứng bệnh thận của bệnh đái tháo đường type 2. Do đó đây cũng là thuốc được ưu tiên sử dụng để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường, hoặc bệnh nhân đái tháo đường bị tăng huyết áp nhưng không dung nạp thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc lợi tiểu thiazid: Là một trong ba loại thuốc thuộc nhóm thuốc lợi tiểu có tác dụng tăng thải nước và muối ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Thuốc không chỉ có tác dụng làm giảm chất lỏng mà còn làm cho các mạch máu giãn ra, từ đó hạ huyết áp.
Trong điều trị tăng huyết áp ở bệnh đái tháo đường, thuốc lợi tiểu thiazid được sử dụng dưới dạng đơn trị liệu hoặc là một phần của phác đồ phối hợp.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Thông qua việc ngăn chặn canxi xâm nhập vào các tế bào của tim và động mạch, thuốc chẹn kênh canxi giúp các mạch máu thư giãn và mở ra từ đó hạ được huyết áp.
Hai loại thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn kênh canxi đều giúp giảm nguy cơ biến cố tim mạch, mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh đái tháo đường bị tăng huyết áp.
Mời độc giả xem thêm video:
Giảm cơn tăng huyết áp với những cách làm đơn giản.