Hà Nội

Thuốc trị tăng động giảm chú ý cho trẻ: Những lưu ý khi sử dụng

29-11-2020 21:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Để điều trị tăng động giảm chú ý, trong một số trường hợp các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kết hợp với trị liệu hành vi cho trẻ. Vì vậy, để việc điều trị cho trẻ đạt hiệu quả tối đa, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ thông tin về từng loại thuốc, dùng như thế nào, lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc là điều hết sức cần thiết.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn thường gặp trong thực hành lâm sàng tâm thần học trẻ em. Theo thống kê có khoảng từ 3 - 7% trẻ ở lứa tuổi học đường mắc rối loạn này. Phần lớn các trường hợp thường có biểu hiện triệu chứng giảm chú ý kết hợp với rối loạn tăng động. Đặc điểm nổi bật của rối loạn này là trẻ không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự vật, một chủ đề, một công việc nào đó mà luôn thay đổi sự tập trung chú ý vào những vật, sự việc, những kích thích xung quanh. Điều này dẫn đến hậu quả là xuất hiện những triệu chứng tăng vận động, trẻ luôn hoạt động nhưng lại không thể hoàn tất một công việc nào đó khi được yêu cầu, được giao phó. Chẩn đoán ADHD chỉ được đặt ra khi biểu hiện của rối loạn này không chỉ xuất hiện ở một môi trường đặc biệt nào đó mà nó phải xuất hiện ở nhiều hoàn cảnh môi trường khác nhau như ở nhà, trường học…

Trẻ ADHD cần đi khám và điều trị thích hợp.

Trẻ ADHD cần đi khám và điều trị thích hợp.

Các nhóm thuốc điều trị

Để điều trị ADHD cần kết hợp việc sử dụng thuốc với các liệu pháp tâm lý bổ trợ. Trong đó, thuốc đóng vai trò giúp điều chỉnh hành vi, tăng khả năng tập trung. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nặng của rối loạn, thể lâm sàng, điều trị trước đó... mà các bác sĩ chuyên môn có chỉ định điều trị, can thiệp phù hợp. Hiện các nhóm thuốc điều trị cho trẻ mắc ADHD gồm:

Các thuốc kích thích thần kinh trung ương: Đây là nhóm thuốc phổ biến và thường được lựa chọn trong điều trị ADHD. Thuốc tác động vào hệ thống thần kinh giúp thay đổi chức năng dẫn truyền và thay đổi các vấn đề về sinh học thần kinh mà trẻ ADHD đang mắc phải.

Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm: Amphetamine, methylphenidate, methamphetamine… trong đó methylphenidate là phổ biến nhất. Đây là loại thuốc có tác dụng trong thời gian ngắn nên thường phải uống nhiều lần, nhưng hiện nay có một số biệt dược thế hệ mới chỉ cần uống duy nhất một lần trong ngày.

Tác dụng phụ thường gặp ở các thuốc kích thích tâm thần là loạn nhịp tim, giảm ngon miệng, sụt cân, mất ngủ, bồn chồn, đau đầu, đau bụng, mẩn ngứa da...

Các thuốc không kích thần: như atomoxetin HCl (stratera), bupropion (wellbutrin), venlafaxin, clonidin… tác động vào một số khu vực nhất định của não bộ, giúp trẻ tăng hiệu quả kiểm soát hành vi và sự chú ý, không gây ảnh hưởng tới các khu vực khác của não bộ, không gây nghiện, nhưng kém hiệu quả hơn so với các thuốc nhóm kích thích tâm thần qua nhiều nghiên cứu.

Các thuốc khác: Đối với các trường hợp có các rối loạn tâm thần khác kèm theo như: trầm cảm, rối loạn hành vi… cần cân nhắc lựa chọn thêm các thuốc chỉnh khí sắc, chống trầm cảm kết hợp với các thuốc trên để điều trị cho thích hợp.

Những lưu ý để sử dụng thuốc an toàn

Khi trẻ có biểu hiện của ADHD, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở khám chuyên khoa Tâm thần Nhi để được khám, đánh giá chính xác, toàn diện và được tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả. Không nên tự ý sử dụng thuốc cho trẻ mà không được sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Với các trẻ ADHD dưới 5 tuổi, nên sử dụng trị liệu, áp dụng trị liệu hành vi cho trẻ, phối hợp đào tạo cho cha mẹ của trẻ trong việc giúp đỡ, hỗ trợ con. Với trẻ lớn, vị thành niên và người trưởng thành mắc ADHD, có chỉ định dùng thuốc thì cần kết hợp trị liệu tâm lý, và chỉ sử dụng thuốc sau khi các can thiệp khác không hiệu quả.

Việc kê đơn thuốc điều trị ADHD hết sức cân nhắc về chỉ định và liều lượng. Thuốc cần được điều chỉnh liều phù hợp cho từng cá thể và sẽ thay đổi theo thời gian khi trẻ trưởng thành. Trong suốt quá trình sử dụng thuốc, trẻ cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng về toàn trạng cơ thể, mạch huyết áp, chiều cao, cân nặng và theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp phải trong giai đoạn đầu dùng thuốc.

Dưới sự giám sát y tế, các thuốc ADHD được coi là an toàn. Tuy nhiên, có những rủi ro và tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng sai hoặc dùng quá liều lượng quy định. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ kê đơn để xử trí kịp thời cho trẻ. Các dấu hiệu bất thường cần lưu ý bao gồm: chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính tình, tăng sự lo âu và khó chịu, rối loạn tiêu hóa, đau đầu…

Việc điều trị ADHD có nhiều lựa chọn như giáo dục, trị liệu tâm lý, thuốc, kết hợp các phương pháp... và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường cũng như sự quan tâm của cả cộng đồng. Các bậc cha mẹ cũng cần hướng trẻ đến một lối sống lành mạnh, bởi thay đổi lối sống góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị cho trẻ bao gồm dinh dưỡng khỏe mạnh, hoạt động thể lực mỗi ngày, giới hạn thời gian xem ti vi và các thiết bị điện tử, ngủ đủ giấc...


BS. Vũ Thanh Hoa
Ý kiến của bạn