Thuốc trị tăng acid dạ dày

16-11-2022 16:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Acid dạ dày là một chất dịch tiêu hóa. Khi nồng độ acid tăng, sẽ dẫn đến một số bệnh lý tiêu hóa. Do đó cần điều trị sớm để giúp acid cân bằng trở lại và ngăn ngừa biến chứng.

1. Tăng acid dạ dày gây bệnh gì?

Acid dạ dày do các tế bào dạ dày tiết ra. Acid dạ dày hỗ trợ tiêu hóa bằng cách tạo ra độ pH tối ưu cho pepsin và lipase (các enzyme tiêu hóa) và kích thích quá trình bài tiết ra dịch tụy.

Lượng acid có trong dịch vị dạ dày ở trạng thái cân bằng với nồng độ khoảng từ 0.0001 đến 0.001mol/l. Khi nồng độ này trong dạ dày vượt trên 0.001mol/l thì được gọi là tăng acid dạ dày. Tùy theo mức độ, có thể gây ra một số bệnh lý về dạ dày: Đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua…

Những trường hợp bệnh nặng hơn sẽ có thể bị viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày.

Lưu ý dùng thuốc trong điều trị bệnh do tăng acid dạ dày - Ảnh 1.

Tăng acid dạ dày có thể gây ra một số bệnh lý về dạ dày: Đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua...

2. Điều trị tăng acid dạ dày thế nào?

Để điều trị tăng acid dạ dày, tùy mức độ ảnh hưởng hoặc tổn thương sẽ có phác đồ điều trị hợp lý. Nhìn chung, phác đồ điều trị bao gồm các thuốc:

2.1 Thuốc ức chế bơm proton

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là thuốc ức chế bài tiết acid rất hiệu quả và được sử dụng khá phổ biến trong điều trị các bệnh tiêu hóa liên quan đến acid dạ dày. Thuốc cần được uống trước ăn ít nhất 30 phút để được hoạt hóa và hiệu quả ức chế acid tối đa.

Các PPI có thể ức chế toàn bộ quá trình bài tiết acid và có thời gian tác dụng kéo dài. Ở nhiều tình huống, PPI đã thay thế thuốc kháng histamine H2 trên lâm sàng vì tính hiệu quả.

Các thuốc PPI bao gồm esomeprazole, lansoprazole và pantoprazole... Thuốc có thể được sử dụng qua đường uống hoặc tĩnh mạch. Tùy tổn thương (loét tá tràng không biến chứng; loét tá tràng có biến chứng nhiều ổ loét, loét chảy máu) sẽ có liều lượng và thời gian sử dụng khác nhau. Với viêm dạ dày cần dùng thuốc từ 8-12 tuần; với trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường phải điều trị duy trì lâu dài.

Việc lựa chọn PPI nào, bác sĩ sẽ xem xét đến tính hiệu quả, an toàn và tiện dụng cho mỗi bệnh nhân.

Lưu ý dùng thuốc trong điều trị bệnh do tăng acid dạ dày - Ảnh 2.

Sử dụng thuốc điều trị tăng acid dạ dày cần tuân thủ chỉ định.

2.2 Thuốc kháng histamin H2

Thuốc kháng histamine H2 (thuốc chẹn H2), bao gồm cimetidin, ranitidin, famotidine, có thể dùng theo đường uống hoặc tĩnh mạch. Đây là thuốc ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2, nhờ đó ngăn chặn quá trình bài tiết acid kích thích gastrin (một hormone quan trọng tham gia vào quá trình kích thích bài tiết và điều hòa acid dạ dày) và giảm lượng dịch vị dạ dày. Hơn nữa, quá trình tiết ra pepsin qua trung gian histamin cũng giảm, do đó làm giảm acid dạ dày.

Thuốc chẹn H2 hấp thu tốt qua đường tiêu hoá, có tác dụng từ 30-60 phút sau khi dùng thuốc và đạt hiệu quả đỉnh sau từ 1-2 giờ. Thuốc có tác dụng từ 6-20 giờ tùy thuộc liều lượng sử dụng. Lưu ý, đối với người cao tuổi nên được giảm liều.

Nhìn chung, các dụng phụ của các thuốc chẹn H2 là: Thay đổi trạng thái tâm thần, tiêu chảy, phát ban, sốt, đau cơ, giảm tiểu cầu, nhịp chậm xoang và hạ huyết áp. Tuy nhiên tỉ lệ gặp khá thấp, dưới 1% trên lâm sàng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân cao tuổi thì tác dụng phụ này phổ biến hơn.

2.3 Thuốc trung hòa acid dạ dày

Các thuốc trung hòa acid được chia làm 2 nhóm: Hấp thụ được và không hấp thụ được

- Thuốc hấp thụ được (natri bicarbonate, canxi cacbonat): Có khả năng giúp trung hòa acid nhanh chóng, hoàn toàn nhưng có thể gây ra nhiễm kiềm. Thuốc nên sử dụng thời gian ngắn 1 hoặc 2 ngày.

- Thuốc không hấp thụ được (nhôm hydroxit hoặc magiê hydroxit): Ít tác dụng phụ toàn thân hơn, do đó được lựa chọn dùng nhiều hơn.

Nhôm hydroxit là một loại thuốc trung hòa acid tương đối an toàn. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài, có thể gây ra tình trạng suy giảm phốt phát. Nguy cơ giảm phốt phát tăng lên ở bệnh nhân nghiện rượu, bệnh nhân suy dinh dưỡng và bệnh nhân bị bệnh thận.

Magiê hydroxit có hiệu quả hơn so với nhôm hydroxit nhưng có thể gây tiêu chảy. Để hạn chế tiêu chảy, có thể kết hợp cả hai thuốc này trong một toa thuốc, hoặc dùng loại thuốc đã có sẵn 2 chất này. Cần thận trọng khi sử dụng magiê ở bệnh nhân bị bệnh thận.

Thuốc trung hòa acid có thể gây giảm tác dụng của tetracyclin, digoxin, sắt.

2.4 Một số thuốc khác

- Prostaglandins: Các dẫn xuất prostaglandin tổng hợp được sử dụng chủ yếu để làm giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc do thuốc chống viêm không steroid (NSAID) gây ra. Tác dụng bất lợi thường gặp của thuốc là đau thắt bụng và tiêu chảy, xảy ra ở 30% số bệnh nhân. Thuốc chống chỉ định tuyệt đối ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang không sử dụng biện pháp tránh thai, do tác dụng phụ gây sảy thai rất mạnh.

- Sucralfat: Là một phức hợp sucrose-nhôm, thuốc không có tác dụng lên quá trình sản sinh acid hoặc tiết dịch vị dạ dày, nhưng giúp tạo thành một hàng rào bảo vệ khu vực bị viêm, bảo vệ khỏi acid, pepsin và muối mật. Tác dụng phụ là gây táo bón (xảy ra ở 3 đến 5% số bệnh nhân).

Mời độc giả xem thêm video:

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ghi nhận 2 trường hợp nhiễm xoắn khuẩn vàng da I SKĐS

ThS.Bạch Đằng
Ý kiến của bạn