1. Vì sao trẻ dễ bị sốt phát ban?
Sốt phát ban là tình trạng nóng sốt, trên da xuất hiện các nốt nhỏ trên bề mặt da. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt phát ban là do nhiễm virus, chiếm khoảng 70-80%. Sốt phát ban là tình trạng hay gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi. Giai đoạn này trẻ có sức đề kháng kém, do đó, dễ bị virus tấn công.
Sốt phát ban còn có thể do chấy rận, chuột, mò mạt trong bụi rậm... Sốt phát ban ở trẻ dễ lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là ở nhà trẻ, trường học; là bệnh khá lành tính và không gây nguy hiểm, nếu biết cách điều trị đúng, kịp thời.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ sốt phát ban
Trước khi bị sốt phát ban, trẻ thường có biểu hiện quấy khóc. Sau đó, trẻ sốt nhẹ 37,5 độ C - 38 độ C hoặc sốt cao trên 39 độ C.
Khi bị sốt phát ban, trẻ thường sốt, ho, chảy mũi, mắt đỏ, quấy khóc, khó chịu, ăn kém... Sau khi hết sốt, trẻ sẽ xuất hiện các nốt phát ban nổi lên ở toàn thân bắt đầu từ đầu mặt cổ, thân mình, tứ chi. Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo ngứa và ho nhẹ, chảy mũi trong, đi ngoài phân lỏng...
Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, các nốt ban có thể lưu lại ở trẻ từ 3-5 ngày và không để lại các vết thâm trên da (ngoại trừ sởi). Nếu để trẻ bị nhiễm khuẩn có thể để lại vết lở loét hình thành sẹo.
Sau khi hết sốt, trẻ sẽ xuất hiện các nốt phát ban nổi lên ở toàn thân bắt đầu từ đầu mặt cổ, thân mình, tứ chi…
3. Sốt phát ban khác bệnh sởi thế nào?
Sốt phát ban và sởi có nhiều điểm giống nhau, do đó có thể gây sự nhầm lẫn cho các bậc phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ.
Cả sốt phát ban và sởi đều khiến trẻ sốt nhẹ hay sốt cao 38 độ C đến trên 39 độ C. Trẻ mệt mỏi, chậm chạp, đau người khó chịu, quấy khóc. Ngoài ra, cả sốt phát ban và sởi đều khiến trẻ biếng ăn hơn, với trẻ đang bú mẹ có thể bỏ bú. Khi hết sốt, trẻ bắt đầu xảy ra tình trạng phát ban trên da, có thể bị nôn mửa, tiêu chảy…
Tuy nhiên, ở sốt phát ban, trẻ thường có diễn biến bệnh nhẹ hơn, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Các nốt ban thường không để lại sẹo.
Còn khi trẻ mắc sởi, các nốt ban trên da có màu đậm hơn. Những nốt ban có dạng sần, nổi lên trên bề mặt da. Các nốt ban thường xuất hiện ở sau tai, lan xuống lưng bụng, ngực rồi toàn thân. Những nốt ban bày có thể để lại vết thâm.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Bệnh do virus sởi (Polynosa morbillorum) thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.
4. Dùng thuốc nào điều trị sốt phát ban an toàn?
Sốt phát ban không có thuốc đặc trị, chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng.
4.1. Thuốc hạ sốt
Có thể dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt trên 38,5 độ C và khó chịu. Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol, liều lượng trung bình là 10 – 15 mg/1kg cơ thể của trẻ, mỗi 4 – 6 giờ/lần. Ngoài ra, có thể dùng ibuprofen với liều 10 mg/kg cân nặng, mỗi 6 giờ/lần. Lưu ý, không được tự ý tăng liều thuốc hạ sốt vì có thể làm ảnh hưởng đến gan, thận của trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý, tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này có thể gây ra Hội chứng Reye, một nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm ở não và gan cho trẻ.
Ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng chỉ định, cần giúp trẻ tỏa bớt thân nhiệt bằng cách: Cho trẻ mặc quần áo thoáng, mát, nằm nghỉ ở phòng thoáng khí, có thể lau người trẻ bằng nước ấm…
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt phải đúng chỉ định của bác sĩ.
4.2. Bù nước và điện giải
Để tránh cho trẻ bị mất nước khi sốt, nên cho trẻ uống nhiều nước. Với trẻ đang bú mẹ, nên tăng cữ bú và lượng bú. Với trẻ lớn hơn nên cho trẻ uống thêm nước cam, chanh… Đồng thời, cho trẻ ăn thức ăn mềm (cháo loãng), nên ăn ít và tăng bữa trong ngày.
Ngoài ra, có thể cho trẻ uống oresol. Tuy nhiên, cần pha theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn ở bao bì.
4.3. Thuốc nhỏ mũi
Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9 % để nhỏ mũi, nếu trẻ bị sổ mũi. Việc dùng thuốc nhỏ mũi sẽ giúp làm sạch dịch trong mũi, giúp trẻ dễ thở hơn.
4.4. Thuốc ho
Nếu trẻ ho, có thể cho trẻ uống các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược hoặc các bài thuốc dân gian như chưng quất với đường phèn, hấp gừng với mật ong…
Với trẻ ho nhiều, có thể dùng các thuốc long đờm, loãng đờm. Cần lưu ý, với trẻ ho vừa phải, không nên cho trẻ dùng thuốc ức chế các cơn ho. Bởi ho là phản xạ giúp tống các dị vật ra khỏi đường hô hấp, giúp trẻ thở dễ dàng.
5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, nếu trẻ có các biểu hiện sau:
- Trẻ vẫn sốt cao liên tục mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt.
- Trẻ hết các nốt ban nhưng chưa hết sốt.
- Trẻ tiêu chảy nhiều, mất nước.
- Trẻ ngủ li bì, mất nhận thức.
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ ho nhiều, thở mệt, khó thở, thở nhanh.
6. Làm sao phòng ngừa?
Có thể phòng ngừa được sốt phát ban ở trẻ khi:
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Cách ly những người bị sốt phát ban.
- Không đưa trẻ đến khu vực đang có dịch sốt phát ban.
- Rửa tay sạch sẽ cũng có thể phòng ngừa virus.
Ngoài ra, nên có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung rau quả để tăng sức đề kháng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kỳ tích: Vaccine ngừa COVID-19 làm nên lịch sử.