Thuốc trị rối loạn nhịp tim

19-10-2021 06:21 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Rối loạn nhịp tim là biểu hiện thường gặp nhất trong số các bệnh về tim mạch. Vậy ứng phó với tình trạng này như thế nào, có thuốc nào để trị?

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp đập của tim bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 60-100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có một tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường: Quá nhanh (lớn hơn 100 nhịp trên phút), quá chậm (dưới 60 nhịp trên phút) hoặc lúc nhanh, lúc chậm, hay bỏ nhịp, sẽ được gọi là rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim - những điều cần biết và biện pháp điều trị - Ảnh 1.

Rối loạn nhip tim do rất nhiều nguyên nhân.

Rối loạn nhịp tim có thể do các nguyên nhân: Căng thẳng, stress; lao động gắng sức; sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, trà, thuốc lá…

Một số bệnh lý sẵn có như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, các bệnh lý ở van tim, viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, người bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn điện giải (đặc biệt tăng hay giảm kali trong máu); đái tháo đường, béo phì, cường giáp… cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim.

Ngoài ra, có thể gặp rối loạn nhịp tim do dùng thuốc. Có nhiều thuốc gây nên rối loạn nhịp tim, đặc biệt các nhóm thuốc gây kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ. Đồng thời chính các thuốc chống loạn nhịp tim đôi khi lại là thủ phạm gây nên rối loạn nhịp tim.

Một số trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể khiến cho hoạt động bơm máu của tim trở nên kém hiệu quả và gây ra các triệu chứng:

  • Hồi hộp, trống ngực, choáng váng, xây sẩm, ngất.
  • Mạch đập không đều, thậm chí có thể cảm nhận tim ngừng đập 1 lúc.
  • Cảm giác mệt mỏi, khó thở.
  • Đau ngực.
Rối loạn nhịp tim - những điều cần biết và biện pháp điều trị - Ảnh 2.

Đau ngực là dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim.

Trong một số các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể là vô hại, nhưng đa phần nó là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào ở tim, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện sớm những vấn đề về tim mạch. Đặc biệt là trong những trường hợp dưới đây:

- Tim đập nhanh hoặc chậm kèm theo cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, chóng mặt hoặc choáng ngất.

- Cảm giác khó thở mới xuất hiện khi nghỉ hoặc khi gắng sức hoặc đã có nhưng nặng hơn; đau thắt ngực thành cơn, đặc biệt khi triệu chứng đau lan lên cổ, vai, cánh tay hoặc ra sau lưng.

- Cảm giác bất thường khó chịu xuất hiện khi mới sử dụng một loại thuốc nào đó.

- Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong các trường rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài đó là: Huyết khối, suy tim nặng, ngừng tim đột ngột (đột tử), nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Các biện pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể dùng độc lập hay phối hợp nhiều phương pháp với nhau, theo những nguyên tắc chung, đó là:

- Loại bỏ các tác nhân gây loạn nhịp như một số loại thuốc điều trị hoặc các chất kích thích…

- Điều trị tốt các bệnh lý nền: Bệnh tim mạch, đái đường, cường giáp…

- Sử dụng các thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định: Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, digoxin...

- Áp dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim bằng cách gây cường phó giao cảm như: Ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu, nghiệm pháp valsalva...

Các thuốc thường dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim được ưu tiên dùng thuốc trước tiên. Thuốc không giúp ổn định nhịp tim ngay sau khi dùng, mà bệnh nhân cần sử dụng thuốc trong một thời gian dài để điều chỉnh rối loạn xung điện và phục hồi nhịp tim bình thường. Có nhiều nhóm thuốc chống loạn nhịp khác nhau, trong mỗi nhóm lại có các thuốc khác nhau đòi hỏi chỉ định dùng phải rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, cơ chế tác động của thuốc chung là:

- Ngăn chặn nhịp tự động bất thường.

- Giúp kéo dài thời gian trơ và tăng thời gian hồi phục cơ tim.

- Làm giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền xung điện trong tim.

Theo đó, bao gồm các nhóm thuốc:

Nhóm chống loạn nhịp:

Bao gồm các thuốc dronedarone, sotalol, amiodaron, propafenone… Thuốc có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường.

Trong nhóm thuốc này, amiodaron là loại thuốc được kê dùng rất phổ biến trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên thuốc lại có nhiều tác dụng không mong muốn. Có khoảng 70% bệnh nhân dùng amiodaron bị phản ứng phụ, trong đó có tới 5-20% các bệnh nhân buộc phải dừng thuốc. Các tác dụng phụ chủ yếu của amiodaron liên quan đến liều dùng và thời gian dùng thuốc, do đó nó dễ xảy ra sau khi điều trị kéo dài và/hoặc liều cao.

Do đó cần hết sức tôn trọng các chống chỉ định của thuốc, không bao giờ nên tự ý dùng thuốc.

Nhóm thuốc chẹn beta:

Bao gồm các thuốc atenolol, metoprolol, bisopropol… Nhóm này có tác dung làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim, giúp giảm gánh nặng hoạt động cho tim, giảm dẫn truyền xung điện qua nút nhĩ thất.

Thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn như: Mệt mỏi, đau đầu, táo bón, tiêu chảy… Thuốc có thể làm chậm nhịp tim quá mức nhưng hiếm gặp. Khi các tác dụng phụ này kéo dài, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ .

Ngoài ra, không dùng thuốc này cho bệnh nhân có mắc viêm phế quản, hen, COPD do nhóm này có thể gây co thắt phế quản.

Nếu muốn ngừng thuốc, cần ngừng bằng cách giảm liều từ từ, không ngừng đột ngột. Việc ngừng thuốc đột ngột sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực.

Nhóm chẹn kênh canxi:

Bao gồm các thuốc diltiazem, verapamil… Thuốc có tác dụng giãn mạch, làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.

Thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, táo bón, đau đầu, có thể gặp tình trạng phát ban, sưng chân… Nếu các phản ứng này xảy ra kéo dài, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Nên uống thuốc trong bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ trên dạ dày. Tuyệt đối không ăn bưởi hoặc nước ép bưởi trong khi uống thuốc, do bưởi làm thay đổi tác dụng của thuốc.

Không sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá vì làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Không dùng chung cùng các thuốc lợi tiểu, corticoid, bổ sung canxi/vitamin D.

Ngoài ra, với một số trường hợp bệnh nhân, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu, thuốc ức chế kênh natri…

Các biện pháp điều trị khác

Trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng hoặc đáp ứng không tốt với điều trị nội khoa, các phương pháp khác có thể được áp dụng.

  • Với điều trị nhịp tim chậm, bác sĩ có thể cấy dưới cơ ngực một thiết bị gọi là máy tạo nhịp. Thiết bị này sẽ tạo các xung điện, hỗ trợ kích thích và khôi phục tần số tim cần thiết.
  • Với điều trị nhịp tim nhanh, bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp phế vị. Thao tác này nhằm ngăn chặn nhịp nhanh trên thất bằng việc tác động lên dây thần kinh phế vị và hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim và đưa nhịp tim trở về bình thường.
  • Ngoài ra, còn dùng biện pháp đốt điện, sốc chuyển nhịp… để điều trị giúp nhịp tim trở về bình thường.

Sau khi dùng các biện pháp trên vẫn không hiệu quả, bước tiếp theo sẽ là phẫu thuật, bao gồm:

- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành, nhằm cải thiện lưu lương máu đến tim. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh động mạch vành khiến tình trạng rối loạn tim tim nặng hơn.

- Phẫu thuật Mazze, là phương pháp bác sĩ sẽ tạo nhiều mô sẹo (bằng cách rạch các đường lên tầng nhĩ của tim) để cắt các đường đi của xung điện gây loạn nhịp tim.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phân loại cấp độ dịch

PGS.TS.Nguyễn Đức Hải
Ý kiến của bạn