Vì sao trẻ bị rối loạn lo âu do đại dịch COVID-19?
Nhìn chung, đại dịch COVID-19 gây lo âu do 3 nguyên nhân sau: sợ bị lây bệnh; sợ bị cách ly; sợ mất việc làm, không có thu nhập.
Với người lớn, cả 3 nguyên nhân trên đều có vai trò rất lớn, đặc biệt là nguyên nhân thứ ba (nặng dần theo thời gian cách ly xã hội). Nhưng với trẻ em là đối tượng ít bị lây nhiễm, khó diễn biến nặng và rất hiếm khi tử vong do nhiễm COVID-19. Hơn nữa, trẻ em chưa đi làm nên cũng chưa biết lo về vấn đề mất việc làm, giảm thu nhập… Trẻ em lo âu chủ yếu là do sợ bị cách ly.
Khi bị cách ly, các cháu mất khả năng gặp trực tiếp với bạn bè, không thể đùa chơi dưới sân như khi chưa cách ly và đặc biệt là không đến trường học, gián đoạn học hành…
Với trẻ em, nhà trường, bạn bè và thầy cô là một phần xã hội rất quan trọng, chiếm một phần đáng kể thời gian trong ngày của các em. Khi cách ly xã hội kéo dài vài tuần thì tình trạng lo âu ở các cháu sẽ rất rõ ràng dù cường độ không nặng nề như ở người lớn.
Trẻ em cũng có thể bị rối loạn lo âu do đại dịch COVID-19.
Ứng phó với rối loạn lo âu ở trẻ
Để làm giảm lo âu ở trẻ em do COVID-19, có thể thực hiện các biện pháp sau:
Tập thở thư giãn: Hướng dẫn cho trẻ ngồi khoanh chân dưới sàn nhà, hai tay để lên đầu gối, thả lỏng cơ toàn thân, hít sâu và thở chậm 10 - 20 lần.
Thuốc điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em:
Thuốc chỉ dùng khi tình trạng lo âu mạnh, kéo dài, ảnh hưởng rõ ràng đến giấc ngủ, trẻ hay cáu gắt. Các thuốc này chỉ sử dụng dưới sự tư vấn và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các bậc cha mẹ và trẻ em tuyệt đối không được tự ý dùng để phòng tránh các hậu quả đáng tiếc do dùng thuốc không đúng gây ra. Thường dùng các thuốc sau để điều trị rối loạn lo âu cho trẻ:
Grandaxin: Đây là thuốc bình thần không thuộc nhóm benzodiazepine, có tác dụng tốt trên cả tình trạng lo âu quá mức và các triệu chứng cơ thể như run, ra quá nhiều mồ hôi, mạch nhanh... Thuốc không gây lệ thuộc dù dùng kéo dài.
Bromazepam: Thuốc này có tác dụng giảm lo âu rất nhanh và mạnh, gây ngủ giống giấc ngủ tự nhiên. Sau khi dùng thuốc vài giờ, các triệu chứng lo âu có thể sẽ hết. Tuy nhiên, đây là benzodiazepam nên chỉ dùng liều thật thấp và không nên dùng liên tục quá 3 ngày.
Stresam: Đây là thuốc giải lo âu không gây phụ thuộc thuốc. So với các thuốc bình thần họ benzodiazepin thì stresam tác dụng kém hơn. Bù lại, bệnh nhân có thể uống thuốc dài ngày hơn mà không sợ bị phụ thuộc thuốc.
Clonazepam: Cũng là benzodiazepine. Sau khi dùng thuốc vài giờ, các triệu chứng lo âu có thể hết. Tuy nhiên, đây là benzodiazepam nên chỉ dùng liều thật thấp và không nên dùng liên tục quá 3 ngày.
Paroxetin: Là thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI, có tác dụng chống lo âu, ám ảnh mạnh. Tuy nhiên, tác dụng của nó xuất hiện khá chậm, thường sau 4 tuần các triệu chứng lo âu mới thuyên giảm rõ rệt. Vì vậy chỉ nên dùng cho các trường hợp bệnh nhân có lo âu bền vững (trên 4 tuần) hoặc có các triệu chứng của trầm cảm như chán nản, bi quan, tự buộc tội, mất ngủ, chán ăn... Trong thực tế, người ta thường phối hợp thuốc paroxetine với các thuốc bình thần để làm tăng tác dụng điều trị của hai thuốc.
Fluvoxamin: Đây là thuốc chống trầm cảm SSRI có tác dụng chống lo âu rất tốt. Khi so sánh tác dụng lo âu của thuốc chống trầm cảm này với benzodiazepin, người ta nhận thấy các triệu chứng lo lắng quá mức không thể kiểm soát, khó tập trung chú ý, nhanh mệt khi phải tập trung chú ý thuyên giảm tốt hơn ở nhóm dùng fluvoxamin. Ngược lại, nhóm bệnh nhân dùng benzodiazepin, các triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, đầy bụng, run tay, ra nhiều mồ hôi thuyên giảm nhanh và rõ ràng hơn. Cũng như paroxetin, thuốc fluvoxamin chỉ nên dùng khi có lo âu và ám ảnh bền vững hoặc có các triệu chứng trầm cảm rõ ràng. Lý do là tác dụng chống lo âu của thuốc chỉ xuất hiện rõ ràng sau vài tuần dùng thuốc. Trong thực tế, người ta kết hợp với benzodiazepin để làm tăng tác dụng điều trị lo âu của thuốc.
Các thuốc điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em đều được dùng vào buổi tối.