1. Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương (RLCD) trước đây gọi là bất lực, được định nghĩa là tình trạng không thể phát triển hoặc duy trì sự cương cứng của dương vật liên tục cho phép đạt được hiệu quả tình dục thỏa mãn. Rối loạn cương dương là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nam giới.
Dương vật cương cứng là một quá trình phức tạp liên quan đến hệ thống mạch máu, nội tiết tố, thần kinh và tâm lý. Khi có kích thích tình dục, sẽ phát ra một tín hiệu truyền đến não bộ, sau đó chuyển xuống khu thần kinh gây cương ở tủy sống. Khi quá trình này hoạt động bất thường sẽ gây rối loạn cương dương.
Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và các yếu tố lối sống (hút thuốc) có thể dẫn đến sự thay đổi lưu lượng mạch máu của thể hang và là những yếu tố nguy cơ phổ biến đối với RLCD.
Rối loạn cương dương hiện được coi là một biểu hiện của bệnh tim mạch và sự phát triển của nó thường đi trước các biến cố tim mạch lâm sàng.
Dựa vào bệnh sử chi tiết, tiền sử tình dục và kết quả khám sức khỏe bác sĩ nam khoa sẽ xác định các yếu tố gây bệnh và điều trị RLCD. Ngoài ra, người bệnh cần cung cấp tiền sử dùng thuốc để xác định các loại thuốc có thể góp phần gây RLCD.
2. Các phương pháp điều trị rối loạn cương dương
2.1 Điều trị không dùng thuốc
Điều trị rối loạn cương dương không dùng thuốc bao gồm điều chỉnh lối sống, liệu pháp tâm lý, sử dụng thiết bị cương cứng chân không (VED) hoặc can thiệp phẫu thuật.
Các biện pháp can thiệp vào lối sống bao gồm tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân, ngừng hút thuốc và tránh uống quá nhiều rượu. Liệu pháp tâm lý có thể có lợi, đặc biệt là trong trường hợp RLCD do tâm lý.
2.2 Điều trị dùng thuốc
Thuốc trị rối loạn cương dương (ED) giúp cải thiện việc cung cấp máu cho dương vật. Kết hợp với kích thích tình dục, thuốc có thể tạo ra sự cương cứng đủ để bắt đầu và hoàn thành giao hợp.
Có nhiều liệu pháp điều trị rối loạn cương dương bằng đường uống, nhưng nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterase loại 5 (PDE5) thường được ưu tiên chỉ định. Thay thế testosterone cũng có thể được xem xét đối với nam giới bị thiểu năng sinh dục.
Các PDE5 được chấp thuận bao gồm:
- Sildenafil
- Tadalafil
- Vardenafil
- Avanafil
Dữ liệu cho thấy cả 4 loại thuốc này có hiệu quả tương tự nhau.
3. Một số lưu ý khi dùng thuốc trị RLCD
Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc RLCD là nhức đầu, khó chịu ở dạ dày, các vấn đề về thị lực, tiêu chảy, chóng mặt và phát ban.
Tương tác thuốc: Khi dùng chung thuốc trị RLCD với thuốc trợ tim (nhóm thuốc nitrat) có thể gây tụt huyết áp nguy hiểm; dùng chung với thuốc chẹn alpha có thể làm giảm huyết áp... Vì vậy, hãy uống các thuốc này cách nhau ít nhất 4 giờ với các loại thuốc RLCD.
Các chuyên gia khuyến cáo nam giới cần biết tiền sử bệnh và khám sức khỏe tổng thể để xác định nguyên nhân gây RLCD. Cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc không kê đơn.
4. Cân nhắc điều trị thuốc trong các trường hợp đặc biệt
4.1 Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ đã biết của RLCD. Trong khi các thuốc nhóm PDE5 đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong điều trị RLCD, nam giới mắc bệnh tiểu đường có xu hướng đáp ứng kém hơn với nhóm thuốc này so với những người không mắc bệnh.
Nếu bệnh nhân thất bại với nhóm thuốc PDE5 hoặc có chống chỉ định điều trị, có thể cân nhắc sử dụng thuốc giãn mạch đường uống hoặc tiêm trong lòng hang (ICI).
Nam giới mắc bệnh tiểu đường có thể tăng nguy cơ testosterone huyết thanh thấp, do đó làm tăng nguy cơ mắc RLCD. Nồng độ testosterone nên được theo dõi và điều trị theo chỉ định.
Thay đổi lối sống đặc biệt quan trọng, vì có bằng chứng cho thấy giảm cân có thể hạn chế RLCD và các biến chứng vi mạch liên quan đến bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể làm trầm trọng thêm RLCD.
4.2 Bệnh tim mạch
Bệnh động mạch vành (CAD) và RLCD thường xảy ra đồng thời do các yếu tố nguy cơ lẫn nhau như tiểu đường, tăng huyết áp và tăng mỡ máu. Vì nguyên nhân chính của RLCD là do mạch máu, RLCD có thể báo trước CAD, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên.
Trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc PDE5 cũng cảnh báo các nhà cung cấp về việc sử dụng các thuốc này ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, CAD có đau thắt ngực không ổn định, hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng trong 6 tháng qua.
Bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim, đặc biệt là những bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng nitrat, nên tránh PDE5 do nguy cơ hạ huyết áp có thể đe dọa tính mạng.
Quan trọng nhất, người bệnh RLCD cần thực hiện là thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân, cai thuốc lá và cải thiện chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện RLCD và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh tim mạch.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Cẩn trọng- Dùng nghệ quá liều hại sức khỏe?