Biểu hiện thường gặp nhất của NĐTP là ở đường tiêu hóa, với các triệu chứng điển hình là nôn và tiêu chảy. Do đó, để điều trị NĐTP do vi khuẩn thì cần kết hợp điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng của bệnh. Vậy các thuốc nào thường dùng trong trường hợp này?
Diệt khuẩn bằng kháng sinh
Kháng sinh là một trong những thuốc được dùng trong điều trị NĐTP do vi khuẩn. Tùy từng loại vi khuẩn sẽ sử dụng loại kháng sinh phù hợp.
Ampicilin là kháng sinh trong nhóm beta lactam có tác dụng với tụ cầu khuẩn và một số vi khuẩn gram âm như Salmonella, Shigella, E.coli, phẩy khuẩn tả. Khi sử dụng kháng sinh nhóm này cần chú ý là thuốc dễ gây dị ứng dù dùng theo đường uống hay đường tiêm.
Cloramphenicol là một kháng sinh dòng phenicol. Đây là kháng sinh có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn đường ruột, nhưng đặc biệt mạnh với vi khuẩn thương hàn Salmonella. Khi sử dụng chú ý hội chứng suy tủy nên không sử dụng chung với các thuốc có gây độc cho tủy xương hay những người có bệnh lý sẵn ở cơ quan tạo máu.
Tetracyclin, doxycycline là một kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin, rất đặc hiệu với vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn, E.coli. Những người bị nhiễm độc thực phẩm có nghi ngờ bị nhiễm những vi khuẩn này thì tetracyclin là một lựa chọn được ưu tiên. Chỉ chú ý là sữa làm giảm hấp thu kháng sinh này nên trong điều trị nhiễm trùng nhiễm độc do thực phẩm không nên uống sữa. Không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi vì làm hỏng men răng.
Cần cảnh giác với thức ăn nhiễm khuẩn.
Đại diện điển hình của nhóm quinolon là ciprofloxacin. Thuốc có tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn gram âm, nhất là vi khuẩn đường ruột nên những người bị bệnh nhiễm vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn… thì thuốc có tác dụng tốt. Không dùng cho trẻ em (vì nguy cơ gây đứt gân gót trẻ em), người cao tuổi, người có suy hô hấp (vì tai biến ức chế hô hấp)…
Bù nước và điện giải
Thành công của điều trị NĐTP không chỉ dựa vào kháng sinh mà còn phải dùng thuốc điều trị triệu chứng. Dù vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh nhưng nguy hiểm lại đến từ các triệu chứng nôn và tiêu chảy. Do các triệu chứng này gây mất nước và điện giải, nếu không được bổ sung đầy đủ sẽ dẫn đến biến chứng sốc và tử vong, đặc biệt nguy cơ cao đối với trẻ em và người cao tuổi.
Vì thế, trước khi dùng thuốc trị nguyên nhân, việc đầu tiên cần khẩn trương bù nước và điện giải. Tại nhà có thể pha dung dịch oresol với tỉ lệ 1 lít nước/1 gói oresol hoặc 200ml nước/1 viên hydrid (theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã ghi rõ trên bao bì) cho bệnh nhân uống. Cần lưu ý là phải pha thuốc đúng tỉ lệ mới có tác dụng. Nếu pha loãng quá hoặc đặc quá đều gây hại cho bệnh nhân.
Khi nào dùng thuốc cầm tiêu chảy
Loperamid sử dụng trong điều trị NĐTP chỉ là một thuốc điều trị triệu chứng mà không làm hết căn nguyên. Việc sử dụng thuốc cầm tiêu chảy loperamid phải đúng thời điểm. Nếu dùng quá sớm thì mầm bệnh sẽ bị tích tụ lại, nhưng nếu chúng ta dùng quá muộn thì tác hại do tiêu chảy gây mất nước mất dưỡng chất có thể đã nặng nề. Vì thế tốt nhất là nên dùng khi xác định được mầm bệnh gây ngộ độc đã được thải bỏ gần hết.
Các biện pháp xử trí sớm
Người bị NĐTP nếu nôn ra được càng sớm càng tốt. Nếu biểu hiện NĐTP sau khi ăn trước 6 giờ thì cần làm cho người bệnh nôn ra hết. Có thể dùng ngón tay móc họng để kích thích nôn hoặc dùng nước ấm pha chút muối cho bệnh nhân uống để kích thích gây nôn, tránh để độc tố ngấm vào cơ thể. Đối với trẻ, khi móc họng cho trẻ cần tránh làm xây xát họng. Cho trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Tuyệt đối không để trẻ nằm ngửa nôn vì có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong.
Có thể dùng than hoạt tính vì chúng có tính năng hấp thụ nhiều loại chất độc khác nhau. Để hạn chế thành dạ dày hấp thụ nhiều chất độc hơn cần cho bệnh nhân NĐTP ăn những món như nước cháo, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng,…
Với những triệu chứng NĐTP mức độ nhẹ thì có thể khắc phục ngay tại nhà, nhưng với tình trạng nặng thì cần nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.