1. Ai dễ mắc bệnh nấm da đầu?
Những người làm công việc cường độ cao, ra nhiều mồ hôi, ở tập trung (đóng quân, sinh viên); điều kiện vệ sinh cá nhân thấp… có thể dễ mắc bệnh nấm da đầu. Vì đây là một bệnh có khả năng trực tiếp da qua da hoặc do dùng chung đồ dùng cá nhân (lược chải tóc, mũ, gối)… khá cao
Nấm da đầu chủ yếu có 2 loại:
1.1. Nấm da đầu do Trichophyton
Bệnh xuất hiện các nốt sẩn nhỏ, rải rác trên da đầu với các mảng vảy mỏng. Do nấm làm tóc bị cứng và dễ gãy, nên xuất hiện những cụm tóc bị gãy gần chân tóc.
Những mảng vảy bong ra khỏi da đầu kéo theo tóc rụng còn tạo thành một mảng hói tạm thời. Bệnh này gây ngứa nhiều khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu.
1.2 Bệnh trứng tóc (hay còn gọi là tóc hột)
Bệnh rất thường gặp, do chủng nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli gây ra. Biểu hiện bằng các hạt tròn mềm màu đen hoặc nâu dọc theo thân tóc, cách khoảng từ 2-3cm tính từ chân tóc. Nhìn thoáng có thể nhầm với trứng chấy. Bệnh không gây rụng tóc, ít ngứa.
2. Cách điều trị nấm da đầu
Điều trị nấm da đầu không quá khó nếu bệnh nhân được chẩn đoán và chữa ngay từ sớm. Nhưng trên trên da đầu có nhiều loại như chốc, vẩy nến, viêm da dầu... và có nhiều loại nấm gây bệnh nên có thể nhầm triệu chứng.
Trên thực tế, nhiều trường hợp bị nấm da đầu nhưng tự ý điều trị, bôi thuốc theo mách bảo hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng nên da đầu bị viêm nặng, rụng tóc và sẹo vĩnh viễn.
2.1. Thuốc chống nấm dùng tại chỗ
Nhìn chung, với nấm da đầu nhẹ, nên gội đầu hàng ngày để loại bỏ tóc rụng. Dùng nước gội đầu pha sulfide selenium hoặc dầu gội nizoral đã có tác dụng tốt mà chưa cần bôi hoặc uống thuốc nào khác.
Trường hợp bị nặng hơn, sau khi gội đầu nên phủ khăn trùm kín tóc khoảng 30 phút. Lưu ý là do bệnh nấm da đầu gây ngứa, nên nhiều bệnh nhân khi gội đầu có xu hướng gãi mạnh, nhưng đây là việc làm cần hết sức tránh. Bởi việc gãi, cào mạnh gây xây xát da tại chỗ, tạo điều kiện cho bội nhiễm vi khuẩn, khiến bệnh nặng hơn.
Nếu nấm da đầu nặng hơn, có thể cắt hết tóc ở vùng da đầu bị nấm, bôi thuốc diệt nấm tại chỗ hàng ngày ketoconazol (hoặc ketoconazol phối hợp với một số hoạt chất khác như clobetasol propionate; cetosteryl alcohol, glycetin monostrearat), econazol phối hợp triamcinolon acetonid và gentamycin sulfate…
Nếu có tổn thương bội nhiễm vi khuẩn thì bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ, có thể dùng kháng sinh toàn thân kết hợp.
2.2. Thuốc chống nấm dùng đường toàn thân
Khi điều trị bằng dầu gội và kem bôi chống nấm tại chỗ không hiệu quả, bệnh nhân cần sử dụng kết hợp thuốc chống nấm đường toàn thân.
Thuốc chống nấm griseofulvin dùng từ 6-8 tuần, có tác dụng tốt nhất trên chủng nấm Microsporum. Nên dùng thuốc cùng bữa ăn có nhiều chất béo để giúp hấp thụ thuốc tốt hơn. Thuốc có tác dụng phụ gây buồn nôn, đau bụng.
Các thuốc chống nấm phổ biến như traconazole, fluconazole, ketoconazole được chỉ định từ 2 đến 4 tuần.
Ketoconazole và fluconazole cũng có tác dụng phụ gây đau bụng, đặc biệt là ở trẻ em do đó nên thận trọng sử dụng trong các trường hợp nấm ở trẻ.
2.3. Cách giảm nấm da đầu
Khi thời tiết nắng nóng, mồ hôi nhiều… cần giữ vệ sinh sạch sẽ, giữ đầu luôn khô. Không để đầu quá bẩn, bết và mồ hôi là những yếu tố thuận lợn cho nấm phát triển.
Trong lúc gội đầu sạch hằng ngày không cào gãi mạnh làm xây xước da đầu. Cần xả nước sạch nhiều lần và sấy tóc khô ngay sau khi gội đầu và lúc đi ngoài mưa về.
Không đội các loại mũ quá chật và đội mũ với thời gian quá lâu làm tóc bị ẩm, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh. Cần giặt mũ (mũ vải), vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên.
Tránh tiếp xúc với những vật nuôi bị nhiễm nấm.
Tránh dùng chung đồ (lược chải tóc, khăn lau, mũ…) với người khác để phòng tránh nguy cơ lây bệnh.
Khi thấy có dấu hiệu của nấm da đầu, cần sớm đi khám và điều trị kịp thời. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp, có chế độ gội đầu hợp lý, bệnh nấm da đầu có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể cũng là một trong cách phòng bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh viêm gan bí ẩn: Các chuyên gia nhận định có thể liên quan đến SARS-CoV-2 | SKĐS