Thuốc trị mụn rộp do nhiễm herpes môi

25-02-2025 06:00 | Dược
google news

SKĐS - Bệnh herpes môi gây ra những vết phồng rộp nhỏ thành từng đám trên môi và xung quanh miệng... khiến miệng bị đau, ảnh hưởng đến ăn uống và thẩm mỹ. Có thuốc nào điều trị tình trạng này?

Herpes môi do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Khi bệnh phát, vùng da trên môi hoặc quanh môi thường nổi mẩn đỏ, sưng phỏng và đau nhức. Vùng bị phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra ngoài và sau đó đóng vảy. Ngoài các biểu hiện chính trên môi và quanh miệng, bệnh nhân còn có thể có những triệu chứng khác:

  • Sốt
  • Đau họng
  • Sưng hạch ở cổ
  • Ở trẻ nhỏ sẽ chảy nước dãi do miệng bị đau.

Lần đầu nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng mụn rộp, nhưng virus HSV sẽ tồn tại trong cơ thể và bệnh thường dễ tái đi tái lại. Khi bệnh gây ra các triệu chứng thì lần sau có thể nghiêm trọng hơn lần trước. Mụn rộp có thể lan đến mọi nơi trong miệng và gây đau đớn.

Thuốc trị mụn rộp do nhiễm herpes môi- Ảnh 1.

Nhiễm herpes môi gây ra các tình trạng phồng rộp, đau nứt trên môi và trong miệng.

1. Các thuốc và phương pháp điều trị herpes môi

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh HSV gây ra. Do đó phương pháp điều trị herpes môi chủ yếu là giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.

Dùng thuốc:

- Thuốc kháng virus: Thuốc có thể dùng bôi tại chỗ dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ như acyclovir, penciclovir, docosanol hoặc uống như acyclovir, valacyclovir, famciclovir. Đây là phương pháp chính trong điều trị herpes môi và đặc biệt hiệu quả khi dùng sớm. Thuốc giúp giảm thời gian mắc bệnh, giảm triệu chứng và giảm tần suất tái phát.

Tuy nhiên, thuốc kháng virus không loại bỏ hoàn toàn virus HSV khỏi cơ thể. Việc lựa chọn thuốc và đường dùng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tần suất tái phát và sức khỏe của người bệnh.

- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể dùng khi bệnh nhân có triệu chứng đau và khó chịu.

- Thuốc điều trị bội nhiễm: Trường hợp bị nhiễm khuẩn thứ phát, có thể cần dùng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân không tự ý sử dụng.

Đối với trẻ em không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chứa có chỉ định.

Biện pháp hỗ trợ:

Bệnh nhân có thể sử dụng một số biện pháp để giảm bớt các triệu chứng:

- Làm dịu đau nhức: Dùng một chiếc khăn sạch, ướt mát, đặt lên trên các vết loét 3 lần một ngày, mỗi lần 20 phút để làm giảm tấy đỏ và sưng. Làm dịu cơn đau miệng bằng cách sử dụng nước súc miệng có chứa baking soda.

- Hạn chế thực phẩm có nhiều acid giúp giảm đau và khó chịu.

- Dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ giúp làm dịu da và thúc đẩy quá trình lành vết thương.

- Tăng cường sức đề kháng: Uống nhiều nước giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình phục hồi. Bổ sung vitamin C và lysine để hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm tần suất tái phát.

Thuốc trị mụn rộp do nhiễm herpes môi- Ảnh 2.

Sử dụng thuốc bôi tại chỗ để điều trị và ngăn ngừa sẹo.

2. Điều trị sẹo do herpes môi

Sau khi tổn thương do herper gây ra, sẹo có thể nông và tự hết sau một thời gian, nhưng với những tổn thương có bội nhiễm, ở người có sẹo lồi thì sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Bệnh nhân có thể áp dụng một số liệu pháp phù hợp để hạn chế và loại bỏ sẹo một cách hiệu quả:

- Dùng kem/gel làm mờ sẹo: Sau khi tổn thương trên môi khô, bắt đầu bong vảy, có thể dùng thuốc trị sẹo để làm tăng tốc độ lành vết thương. Trên thị trường có nhiều sản phẩm làm mờ sẹo, nên chọn sản phẩm chăm sóc sẹo uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; không dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

- Tẩy tế bào chết: Sử dụng hỗn hợp đường/mật ong trên môi bằng hỗn hợp đường hoặc mật ong với nước cốt chanh để loại bỏ tế bào da chết trên môi, giúp làm mờ các vết sẹo hiệu quả.

- Thoa son dưỡng môi: Bảo vệ môi khỏi tia cực tím bằng các loại son dưỡng môi không màu, không mùi, son chống nắng cho môi. Dùng kem có thành phần lô hội để thúc đẩy quá trình sản sinh collagen để giúp làm mờ sẹo.

3. Phòng ngừa tái phát herpes môi

Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị herpes môi như:

- Không hôn môi.

- Không dùng chung dụng cụ vệ sinh.

- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

- Giữ vệ sinh cá nhân tốt.

Nếu triệu chứng nặng hoặc tái phát thường xuyên, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Người phụ nữ bị virus tấn công vùng kín, suy sụp vì tưởng bệnh lậu | SKĐS


CN. Quỳnh Hương
Ý kiến của bạn