Hà Nội

Thuốc trị một số bệnh nấm da thường gặp trong mùa nóng

25-07-2018 06:59 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nấm gây bệnh da có nhiều loại và thường phát triển mạnh trong mùa nóng ẩm. Vì thế, thời tiết của mùa hè rất dễ mắc một số bệnh da do nấm như hắc lào, lang ben, nấm kẽ...

Khi da bị tổn thương do xây xước, bị thay đổi làm mất khả năng bảo vệ như bị nhiễm bẩn, bị tác động bởi các điều kiện thuận lợi như nóng, ẩm tạo điều kiện cho nấm phát triển, nhiễm nấm sẽ gây thành bệnh nấm. Bệnh nấm có thể bị ở mọi nơi trên da nhưng thường gặp ở một số nơi như bàn tay, bàn chân, bẹn... nơi da ẩm ướt, nóng và hay bị cọ sát sang chấn.

Nấm gây ngứa rất khó chịu, người bệnh thường gãi và chính điều này làm phát tán lan rộng các bào tử nấm trên da và lây lan cho người khác. Những nơi có tỷ lệ mắc nấm cao là do thiếu nguồn nước vệ sinh hoặc nguồn nước bị nhiễm bẩn (nước ao hồ, sông ngòi). Một số bệnh nấm sau thường gặp trong mùa hè:

Nấm hắc lào

Nguyên nhân do vi nấm Epidermophyton, Trichophyton hoặc Microsporum gây nên. Bệnh thường bị vào mùa hè. Vị trí thường gặp là ở các nếp kẽ lớn như ở bẹn, kẽ mông, thắt lưng, nách, nếp vú (ở phụ nữ), thân mình... Ban đầu khi bị hắc lào trên da thấy xuất hiện đám da đỏ hình tròn như đồng xu khoảng 1-2cm đường kính, sau lan to dần. Các đám tổn thương liên kết thành mảng lớn bằng lòng bàn tay hoặc to hơn nữa...

Thuốc trị một số bệnh nấm da thường gặp trong mùa nóngTổn thương da do hắc lào.

Người bệnh thấy ngứa rất khó chịu, nhất là khi thời tiết nóng, ra nhiều mồ hôi. Bệnh tiến triển lành tính, nhưng nếu không điều trị kịp thời và triệt để dễ trở thành nấm da mạn tính hay tái phát.

Khi có dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám chuyên khoa da liễu để được chăm sóc và điều trị thích hợp. Các thuốc chống nấm có thể dùng thuốc toàn thân như ketoconazol, itraconazol, fluconazol và/hoặc kết hợp thuốc bôi tại chỗ clotrimazol...

Bôi và uống theo chỉ định của bác sĩ. Không nên cào, gãi, chà xát và giữ cho vùng da tổn thương luôn được thoáng mát. Cần lưu ý tới một số tác dụng phụ của thuốc như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chảy máu đường tiêu hóa (ketoconazol). Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn.

Ngoài ra, thuốc còn có nguy cơ gây độc gan. Biến chứng ở gan thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác. Vì vậy, cần định kỳ theo dõi enzym gan, ngừng thuốc nếu thấy bất thường và dấu hiệu viêm gan.

Nấm kẽ chân

Nấm kẽ chân (còn gọi là nước ăn chân) là một bệnh ngoài da thường gặp, nhất là vào mùa mưa bão, do chân luôn luôn bị ẩm ướt. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những người hay ra mồ hôi chân. Nguyên nhân gây bệnh thường do nấm Trichophyton rubrum.

Ban đầu thường bị ở kẽ ngón 3-4 bàn chân (sít nhau), da bợt trắng, ngứa, xuất hiện một số mụn nước, loét chợt ra chảy dịch. Nhiều khi do người bệnh gãi khiến cho tổn thương bị viêm nề, sưng tấy do nhiễm khuẩn thứ phát (bội nhiễm thêm tụ cầu và một số vi khuẩn khác). Lúc này người bệnh có thể bị sốt, hạch bẹn có thể sưng. Sau đó, tổn thương dần dần lan xuống mặt dưới các ngón chân và sang các kẽ chân khác.

Để điều trị nấm kẽ chân, khi trợt ướt bội nhiễm bôi dung dịch castellami hoặc tím metin 1%. Khi tổn thương khô bôi kem chống nấm như clotrimazol 1%, lamisil và kết hợp uống kháng sinh chống nấm như ketoconazol (nếu cần). Có thể phòng nấm kẽ chân bằng cách rắc bột mycoster, bột undecylenic vào kẽ chân.

Chú ý, khi dùng kem chống nấm clotrimazol bôi tại chỗ có thể xảy ra các phản ứng tại chỗ bao gồm bỏng nhẹ, kích ứng, viêm da dị ứng do tiếp xúc, đau rát vùng bôi thuốc ở da. Trường hợp nhẹ chỉ cần dùng dạng thuốc bôi ngoài, chỉ dùng thuốc uống khi bệnh nặng (theo chỉ định của bác sĩ).

Bôi thuốc đúng cách, vừa đủ lượng: Bôi một lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt tổn thương là đủ. Nếu bôi quá nhiều thuốc có thể gây cảm giác nóng, rát ở tổn thương, gây lãng phí thuốc.

Để phòng nấm kẽ chân, không nên đi giày, tất nhiều giờ trong ngày. Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, giày tất lâu khô, không được sử dụng đồ ướt tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và bệnh lâu khỏi, dễ tái phát, tái nhiễm. Nếu chân ướt, phải hong khô, lau sạch bàn chân bằng vải mềm rồi mới đi tất, giày.

Nấm lang ben

Lang ben (Tinea versicolor, Pityriasis versicolor) là bệnh nấm nông thường gặp ở da. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi dát tăng sắc tố, giảm sắc tố hoặc dát hồng ở thân mình mà chủ yếu gặp ở nửa người trên. Bệnh thường ít khi gây ngứa, không đau nhưng có thể ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Căn nguyên gây bệnh lang ben là do nấm họ Malassezia gây nên. M. globosa là nhóm gây bệnh chủ yếu.

Tổn thương ban đầu là các chấm, vết hình tròn 1-2mm đường kính, thường có màu trắng, hồng (nhất là khi đi nắng ra nhiều mồ hôi). Lang ben thường bị ở các vị trí nửa người phía trên như ở cổ, vai, ngực, lưng, cánh tay, có khi lan xuống đùi.

Người bệnh bị nấm lang ben cũng rất ngứa, nhất là khi đi nắng về, khi nóng ra mồ hôi. Bệnh hay tái phát (do bào tử nấm còn sót  lại trong nang lông), nhưng ít lây lan. Một số ít trường hợp bệnh lang ben có thể tự thuyên giảm, nhưng đa số bệnh có thể kéo dài nếu không được điều trị.

Điều trị bệnh chủ yếu là điều trị tại chỗ. Có thể bôi cồn BSI 2% hoặc cồn ASA kết hợp mỡ benzosali 15-20 ngày; hoặc thuốc chống nấm tại chỗ như ketoconazol (thường có hiệu quả sau vài ngày đến 4 tuần). Có thể tắm xà phòng nizoral, sastid để điều trị lang ben. Ngoài bôi thuốc có thể kết hợp thuốc uống (trong trường hợp tổn thương lan rộng, tái phát hoặc thất bại với điều trị tại chỗ).


BS. Đinh Ngọc San
Ý kiến của bạn