Thuốc trị một số bệnh da hay gặp mùa nắng nóng

04-08-2019 07:10 | Dược
google news

SKĐS - Khi thời tiết nắng nóng, một số bệnh da như nấm da, chốc, viêm da do côn trùng đốt, hay phát ban da do ánh sáng... thường khởi phát. Vậy dùng thuốc trong các bệnh này như thế nào?

Bệnh nấm da

Nấm da hay hắc lào là bệnh thường gặp trong thời tiết nóng ẩm, môi trường vệ sinh kém. Tổn thương là những đốm da hình tròn, đổi màu với đặc trưng là rất ngứa, đặc biệt là khi thời tiết nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi.

Một số thuốc có thể dùng để trị bệnh này có thể bôi hoặc uống hoặc có khi kết hợp cả hai loại (bôi và uống) như:  ketoconazole, itraconazole (sporal), fluconazole, clotrinazole, lamisil, gricin...

Do có nhiều loại thuốc, mỗi thuốc lại có cơ chế tác dụng và độc tính khác nhau, vì vậy, người bệnh nên đi khám để được dùng thuốc hợp lý, không nên tự ý mua thuốc sử dụng.

Đối với thuốc bôi, trước khi dùng thuốc cần làm sạch da trước khi bôi để thuốc tiếp xúc trực tiếp với mô tổn thương. Khi bôi nên xoa đều bề mặt da để thuốc ngấm nhanh. Không được cạo da trước khi bôi thuốc, nếu không dễ dẫn đến dị ứng và nhiễm khuẩn thứ phát. Một số thuốc chống nấm bôi ngoài da có thể gây dị ứng, kích ứng dạng ban, mẩn đỏ.

Thuốc trị một số bệnh da hay gặp mùa nắng nóngTổn thương da do nấm.

Đối với thuốc uống, đây là loại thuốc có tác dụng toàn thân, người bệnh không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần theo đơn của bác sĩ, nhất là trong các trường hợp đặc biệt như suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ... Vì các thuốc dùng đường toàn thân có thể gây những tác dụng phụ không mong muốn nguy hiểm hơn, có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Thường gặp như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, tổn thương gan, đau đầu, đau dây thần kinh ngoại vi, nhìn mờ, ngủ lịm hoặc mất ngủ, lẫn, giảm tiểu cầu, bạch cầu... Những tác dụng không mong muốn này gia tăng khi dùng cùng với các thuốc khác có chung kiểu độc tính.

Bệnh chốc

Nguyên nhân gây chốc là do liên cầu và tụ cầu, rất thường gặp ở trẻ em, có khi ở cả người lớn ở vùng đầu mặt, sau có thể lan ra thân mình, tay chân. Thương tổn là những phỏng nước hóa mủ rất nhanh, dập vỡ tạo vảy tiết màu vàng khi khỏi bong vảy da không để lại sẹo vì phỏng nước mọc rất nông trên lớp thượng bì. Nếu bệnh không được điều trị sẽ xuất hiện nhiều tổn thương xung quanh làm bệnh nhân ngứa ngáy khó chịu gãi nhiều gây nên mụn nước như rôm ở rìa thương tổn gọi là chốc chàm hóa rất khó chữa.

Để điều trị bệnh chốc, tại chỗ bôi một trong các thuốc sát khuẩn sau:  castellani, milian, xanh metylen ngày 2-3 lần. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn và làm khô thương tổn. Khi tổn thương khô bôi một trong các loại mỡ kháng sinh như fusidin, foban, bocidate, mỡ tetraxycline. Thuốc có tác dụng mềm vảy diệt khuẩn nhanh lành tổn thương. Tắm rửa bằng physiogel, xà phòng lifboy hoặc nước lá sài đất, kim ngân. Việc tắm rửa vệ sinh là một khâu rất quan trọng trong quá trình điều trị chốc; toàn thân có thể uống một trong các kháng sinh sau: clamoxyl, cloxilan, cloxaciclin hoặc dicloxacillin, uống trong 7 ngày. Liều lượng tùy vào cân nặng của bệnh nhân. Nếu bị chốc chàm hóa phải uống thêm thuốc kháng histamin và tại chỗ đắp dung dịch jarish.

Viêm da do côn trùng cắn, đốt

Khi bị các loài côn trùng đốt như: các loài côn trùng hay cắn, đốt gây bệnh ở da là: bọ chét, kiến, ghẻ, ve, muỗi, ong... sẽ có hiện tượng sưng nề, ban sẩn, ngứa tại chỗ bị cắn, đốt, làm người bệnh khó chịu thậm chí mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe chung và tâm lý bệnh nhân. Nhiều trường hợp côn trùng có nọc độc như ong, bọ cạp khi cắn, đốt có thể gây phản ứng dị ứng tức thời như sốc phản vệ, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Trường hợp nặng, sốc phản vệ cần điều trị cấp cứu tích cực theo đúng phác đồ điều trị sốc phản vệ. Các trường hợp nhẹ hơn điều trị bằng các loại thuốc uống và bôi tại chỗ như:

Thuốc bôi tại chỗ: Các loại dung dịch làm mát da, dịu da (hồ nước, dung dịch jarish); dung dịch màu sát khuẩn (milian, castellani, xanh methylen, thuốc tím pha loãng: dùng cho các tổn thương bị viêm, nhiễm khuẩn); kem chống ngứa (promethazin, moz-bite, eurax: thường được dùng cho các vết ngứa do kiến, bọ chét, muỗi cắn, các tổn thương ngứa trong bệnh ghẻ); kem, mỡ có corticoid (hydrocortisone, triamcinolon: có tác dụng chống viêm, chỉ định cho các tổn thương bị phù nề, viêm tấy nhiều, bôi ngày 1-2 lần. Tuy nhiên, thuốc dạng này không được sử dụng kéo dài, thông thường dùng trong vòng 2 tuần. Không dùng thuốc chứa corticoid loại mạnh để bôi lên các vùng da mỏng, vùng nếp gấp, vùng mặt); kem, mỡ kháng sinh kết hợp corticoi (thường được dùng cho các tổn thương viêm, nhiễm trùng, khi tổn thương khô. Không bôi thuốc dạng này khi tổn thương còn đang chảy dịch (dùng thuốc màu). Bôi thuốc ngày 2 lần).

Thuốc uống có thể sử dụng: kháng histamin (chống ngứa), corticoid toàn thân (chống viêm) thường dùng trong các trường hợp nặng.

Phát ban da do ánh sáng

Bệnh do phơi nhiễm nhiều với ánh nắng với sự xuất hiện các ban, sẩn đỏ, các sẩn - mụn nước, thậm chí có bọng nước ở vị trí da hở như mặt, cổ vùng tam giác cổ áo, cánh tay, cẳng tay và mu tay, mu chân.

Tổn thương thường xuất hiện sau vài ngày đến vài tuần tiếp xúc với ánh nắng và có thể giảm sau 1 vài ngày khi ngừng tiếp xúc. Các thương tổn da thường kèm theo các biểu hiện ngứa, có thể hơi rát bỏng, châm chích.

Sử dụng thuốc điều trị phát ban đa dạng do ánh sáng bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Các thuốc bôi tại chỗ có thể sử dụng là kem corticoid loại nhẹ và vừa như: hydrocortisone, triamcinolon..., kem chống ngứa kháng histamin như promethazin... trường hợp nặng cần dùng cả thuốc đường uống như: steroid, thuốc kháng sốt rét tổng hợp, một số loại vitamin, thuốc ức chế miễn dịch...

Tia UVA và UVB được sử dụng trong liệu pháp tăng cường khả năng dung nạp của da với ánh sáng. Chiếu liều tăng dần giúp da thích nghi và dung nạp dần. Ngoài ra, UVA và UVB còn có tác dụng ức chế miễn dịch tại chỗ, giảm phản ứng viêm tại chỗ của da.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong điều trị phát ban đa dạng do ánh sáng đó là tránh nắng. Sử dụng các biện pháp tránh nắng bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm, bịt khẩu trang, mặc quần áo dài và che kín hết toàn thân. Sử dụng kem chống nắng có độ chống nắng từ 30 trở lên kèm theo các biện pháp che chắn trên sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.


BS. Tuấn Anh
Ý kiến của bạn