Thuốc trị mỡ máu statin - uống khi nào là tốt nhất?

01-08-2019 06:48 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Statin là nhóm thuốc làm hạ cholesterol trong máu, được sử dụng khá thông dụng. Việc uống thuốc đúng thời điểm rất quan trọng, sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc, tránh tác dụng không mong muốn...

Statin là nhóm thuốc được khuyến cáo đầu tay nhằm làm giảm mỡ máu. Có nhiều loại statin khác nhau trên thị trường với dược động học khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần được tư vấn về thời điểm uống của từng loại statin để có được hiệu quả giảm cholesterol tốt nhất.

Cách lựa chọn statin phù hợp

Các thuốc statin có nhiều dạng bào chế và ở các liều khác nhau. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có lựa chọn loại statin cho phù hợp, chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố như: nồng độ cholesterol hiện tại trong máu, các vấn đề về tim mạch, tình trạng bệnh lý (đái tháo đường týp 2, tiền sử gia đình có mắc các bệnh tim mạch không, các thuốc đang dùng... nhằm tránh các tương tác thuốc).

Với một bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ kê loại statin liều cao hoặc một statin tác dụng dài. Ngược lại, nếu bệnh nhân có ít các vấn đề về tim mạch thì có thể khởi đầu điều trị với liều thấp hoặc một statin tác dụng ngắn.

Cần uống thuốc vào thời điểm thích hợp để phát huy được hiệu quả tối ưu của thuốc.

Cần uống thuốc vào thời điểm thích hợp để phát huy được hiệu quả tối ưu của thuốc.

Thời điểm tốt nhất để sử dụng các statin khác nhau

Một số thuốc statin có hiệu quả tốt nhất khi uống vào buổi tối, trong khi các thuốc còn lại trong nhóm cũng có hiệu quả tương tự khi dùng vào buổi sáng. Thời điểm tốt nhất để uống các thuốc statin phụ thuộc vào từng loại thuốc cụ thể.

Các statin tác dụng ngắn:

Các statin tác dụng ngắn sẽ làm giảm cholesterol hiệu quả nhất khi được uống vào buổi tối. Đó là do enzyme gan - HMG - CoA - reductase - có vai trò trong tổng hợp cholesterol - hoạt động mạnh vào buổi tối, tức là việc sản xuất cholesterol từ gan trong lúc ngủ là lớn nhất. Hầu hết các statin tác dụng ngắn có thời gian bán thải là 6 giờ - thời gian bán thải là khoảng thời gian mà một nửa nồng độ thuốc được thải trừ ra khỏi cơ thể. Do đó, các statin này được chỉ định dùng trước khi đi ngủ để đạt nồng độ thuốc cao nhất khi cơ thể tổng hợp cholesterol nội sinh mạnh nhất và thuốc mang lại hiệu quả giảm cholesterol tốt nhất.

Các statin tác dụng ngắn này bao gồm: lovastatin, fluvastatin (viên giải phóng tức thời), pravastain, simvastatin.

Các statin tác dụng dài

Các statin tác dụng dài có thời gian bán thải lên tới 19 giờ. Các statin tác dụng dài có hiệu quả hạ cholesterol tương đương khi được uống vào buổi sáng hoặc buổi tối. Vì thế, bệnh nhân đang được điều trị với các statin tác dụng dài có thể tự chọn thời điểm uống thuốc trong ngày cho thuận tiện. Điều quan trọng là nên duy trì việc dùng thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày, nhằm duy trì nồng độ thuốc ổn định trong máu.

Các thuốc statin tác dụng dài bao gồm: atorvastatin, fluvastain (viên giải phóng kéo dài), rosuvastatin.

Bệnh nhân đang trong liệu trình statin có thể uống thuốc dài ngày. Trong nhiều trường hợp, khi dừng thuốc, nồng độ cholesterol sẽ tăng trở lại. Bệnh nhân không nên dừng thuốc mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.

Những lưu ý khi dùng

Đối với hầu hết các trường hợp, statin không có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: đau cơ, mệt mỏi, chuột rút, táo bón hoặc tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, viêm cơ (có thể nghiêm trọng), đái tháo đường mới mắc (đặc biệt là ở những người có sẵn các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường).

Tuy nhiên, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng nguy cơ tác dụng phụ là nhỏ và lợi ích của các statin mang lại vẫn vượt trội nguy cơ.

Statin có thể tương tác với nhiều thuốc nên cần thông báo với bác sĩ về các thuốc đang dùng, vitamin, thảo dược hoặc các chế phẩm bổ sung khác nhằm tránh các tương tác nguy hiểm.

Statin có thể tương tác với loại bưởi chùm (loại quả lai giữa bưởi và cam). Vì thế, tránh ăn hoặc uống nước ép bưởi khi đang uống statin.

Những người có các vấn đề về tim mạch có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn như ăn ít cholesterol và chất béo bão hòa, không chứa transfat, giàu trái cây, rau củ.

Bỏ hút thuốc, vì thuốc lá là nguy cơ hàng đầu dẫn đến các vấn đề tim mạch.

Tập thể dục đều đặn nhằm duy trì cân nặng khỏe mạnh. Bằng cách này, có thể làm giảm các nguy cơ về tim mạch.


DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn