Nguyễn Thị Huyền (Tuyên Quang)
Mề đay là một rối loạn phổ biến, thường có yếu tố khởi phát, các tác nhân gây mề đay thường gặp là thuốc, thực phẩm, nọc côn trùng, lông động vật, bụi, thời tiết... Nếu con của bạn bị nổi mề đay sau khi tiếp xúc với các tác nhân trên thì cần tránh xa các tác nhân đó. Diễn biến của mề đay thường thoáng qua, xuất hiện trong vòng từ vài phút đến vài giờ và biến mất sau 24 giờ với mề đay cấp, mề đay không đau và khi biến mất không để lại vết bầm trên da (trừ khi trẻ gãi gây trầy xước da hay bị chấn thương). Nếu mảng ngứa mà đau và sau khi biến mất để lại vết bầm thì là do bệnh khác.
Để điều trị bệnh này, phụ thuộc tình trạng mề đay của từng bệnh nhân. Thông thường có đến 2/3 trường hợp mề đay cấp biến mất một cách tự nhiên mà không cần điều trị. Nếu tình trạng ngứa khó chịu quá thì chủ yếu dùng thuốc điều trị triệu chứng ngứa và phù mạch (nếu có).
Các vùng da nổi mề đay ở trẻ thường có dấu hiệu tấy đỏ, ngứa ngáy khó chịu.
Các thuốc thường được sử dụng là kháng histamin H1 như chlopheniramin, dexchlophrniramin, cetirizin, loratadine, fexofenadine... Nếu tình trạng mề đay nặng hoặc kéo dài, có thể dùng corticoid như prednisone hoặc methylprednisolon cùng với kháng histamin H1 để trị mề đay, nhưng thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ và không dùng dài ngày.
Về thuốc bôi làm giảm nhanh triệu chứng tại chỗ có chứa kháng histamin như phenergan hoặc chứa corticoide như eumovate... Những thuốc bôi này còn hay được dùng trong những trường hợp sẩn ngứa và côn trùng cắn.
Trường hợp nặng: Mề đay kèm theo khó thở, thở rít, khò khè, tím tái, ói mửa, vật vã... cần phải điều trị tại bệnh viện.
Tốt nhất, bạn nên đưa con đến chuyên khoa nhi hoặc khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng để được các bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.