Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Rối loạn tiến triển này gây ra sự thoái hóa và cuối cùng là cái chết của các tế bào não. Những người mắc chứng mất trí nhớ trải qua sự suy giảm nhận thức, gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội Alzheimer, số người mắc chứng mất trí nhớ đã lên tới gần 50 triệu năm 2017 và con số này sẽ tăng gần gấp đôi sau mỗi 20 năm, đạt 75 triệu người vào năm 2030. Tại Hoa Kỳ, bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm các phương pháp điều trị để làm chậm sự tiến triển của rối loạn này và gần đây phát hiện ra thuốc trị tăng huyết áp nilvadipine có thể có tác dụng tích cực đối với lưu lượng máu não của những người mắc bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Radboud ở Hà Lan do Giáo sư Jurgen Claassen dẫn đầu. Trong nghiên cứu này, những người tham gia mắc bệnh Alzheimer nhẹ đến trung bình. Các nhà nghiên cứu đã ngẫu nhiên đưa nilvadipine hoặc giả dược cho những người tham gia và yêu cầu họ tiếp tục điều trị trong 6 tháng. Kết quả cho thấy, lưu lượng máu đến đồi hải mã (vùng não liên quan đến trí nhớ và học tập) tăng 20% ở những người dùng nilvadipine so với nhóm giả dược. Việc điều trị này không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến lưu lượng máu đến các vùng khác trên não.
Nilvadipine là một thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng thư giãn mạch máu và giảm huyết áp. Nilvadipine làm tăng lưu lượng máu não bằng cách ngăn canxi xâm nhập vào động mạch và khiến chúng thư giãn. Điều này có thể cho phép nhiều oxy đến và nuôi dưỡng các khu vực của não giúp điều chỉnh trí nhớ và học tập.
Tăng huyết áp kéo dài có thể khiến các mạch máu trong não bị tổn thương và hẹp, điều này làm tăng nguy cơ chúng bị chặn hoặc vỡ. Nếu máu không thể mang oxy đến các bộ phận của não, một số tế bào của nó có thể chết. Điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ hoặc kỹ năng ngôn ngữ của một người.
"Mặc dù không có phương pháp điều trị y tế nào là không có rủi ro, nhưng việc điều trị huyết áp cao có thể rất quan trọng để duy trì sức khỏe não bộ ở những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer", TS Claassen Đại học Radboud, Hà Lan cho biết.
Trong tương lai, chúng ta cần tìm hiểu xem liệu sự cải thiện lưu lượng máu, đặc biệt là ở vùng hải mã, có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị hỗ trợ để làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh. Tiến sĩ Jurgen Claassen cho biết.
Không có cách chữa trị bệnh Alzheimer, nhưng các chuyên gia khuyên nên tập thể dục, giao tiếp xã hội và bổ sung chất béo omega-3 vào chế độ ăn uống để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của các triệu chứng.