Thuốc trị hồng ban đa dạng

23-11-2024 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hồng ban đa dạng là phản ứng của cơ thể với bệnh tật, nhiễm trùng hoặc thuốc. Tình trạng này ảnh hưởng đến da và gây phát ban, đau, ngứa... Nếu không được điều trị đúng cách kịp thời, có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Hồng ban đa dạng là phản ứng da thường do nhiễm trùng hoặc thuốc, gây ra phát ban, đau đớn, khó chịu trên da, ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm miệng, mắt, bộ phận sinh dục...

Các tổn thương trên da sẽ tự khỏi mà không để lại sẹo, tuy nhiên tình trạng tăng sắc tố có thể kéo dài trong vài tháng.

Thuốc trị hồng ban đa dạng- Ảnh 1.

Bệnh hồng ban đa dạng gây ra phát ban, đau đớn, khó chịu trên da.

1. Những thuốc nào dùng trị hồng ban đa dạng?

Điều trị hồng ban đa dạng không phải lúc nào cũng cần thiết vì các triệu chứng có thể tự khỏi. Mục đích điều trị là giải quyết nguyên nhân cơ bản của bệnh, làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng da.

Cần xác định nguyên nhân gây ra hồng ban đa dạng. Nếu nghi ngờ do thuốc, phải ngừng dùng thuốc càng sớm càng tốt. Bao gồm tất cả các loại thuốc đã bắt đầu dùng trong 2 tháng trước đó, đồng thời, ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc không cần thiết.

Nếu cần điều trị, có thể cần dùng các thuốc bao gồm:

2.1. Sử dụng steroid tại chỗ

Tác dụng: Steroid tại chỗ (hydrocortisone, betamethasone) là chế phẩm được sử dụng để kiểm soát bệnh chàm, viêm da và nhiều tình trạng da khác, trong đó có hồng ban đa dạng. Thuốc ở dạng kem, thuốc mỡ, dung dịch...

Tác dụng của steroid tại chỗ lên các tế bào khác nhau trên da bao gồm chống viêm, ức chế miễn dịch, chống tăng sinh và co mạch.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ trên da khi sử dụng steroid mạnh hàng ngày trong thời gian dài bao gồm mỏng da, rạn da, da dễ bị bầm tím, giãn mao mạch...

2.2. Thuốc kháng histamin đường uống

Tác dụng: Có thể dùng các thuốc kháng histamin cho bệnh nhân hồng ban đa dạng để giảm ngứa. Thuốc thường dùng: Chlopheniramin, certirizin, loratadin...

Tác dụng phụ: Đau đầu, buồn nôn, khô miệng, mờ mắt, khó đi tiểu, buồn ngủ (nếu dùng thuốc kháng histamin thế hệ 1).

2.3. Thuốc nhỏ mắt

Tác dụng: Hồng ban đa dạng ở mắt được điều trị bằng thuốc mỡ tra mắt, nước mắt nhân tạo và thuốc nhỏ mắt erythromycin.

Tác dụng phụ: Đỏ, ngứa, châm chích hoặc nóng rát mắt, tiết dịch... Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa mắt nếu gặp bất thường nào khi sử dụng thuốc.

2.4. Thuốc kháng sinh

Tác dụng: Thuốc kháng sinh dùng trong trường hợp bệnh nhân hồng ban da dạng bị nhiễm trùng. Các thuốc thường dùng: Azithromycin, zithromax.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy…

2.5. Thuốc kháng virus

Tác dụng: Thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng tái phát của ban đỏ đa dạng, đặc biệt nếu các triệu chứng xuất hiện sau đợt bùng phát herpes. Các loại thuốc thông thường để điều trị ban đỏ đa dạng bao gồm acyclovir, valacyclovir, famciclovir...

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây khó chịu, buồn nôn, nôn, phát ban, tiêu chảy, đau đầu…

Ngoài ra có thể súc miệng bằng nước muối ấm, dung dịch có chứa lidocain.

Thuốc trị hồng ban đa dạng- Ảnh 2.

Có thể sử dụng một số thuốc nhỏ mắt nếu có tổn thương mắt.

2. Lưu ý khi điều trị

Trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân thủ:

- Thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ để giảm các triệu chứng.

- Cố gắng không gãi da vì móng tay có thể làm xước, vỡ các tổn thương, gây nhiễm trùng. Để ngăn ngừa ngứa, hãy sử dụng kem bôi hoặc thuốc mỡ để làm dịu da.

- Mặc dù có thể đau khi ăn hoặc uống, nhưng cần ăn uống đủ chất để tránh suy dinh dưỡng hoặc mất nước; nên ăn dạng lỏng hoặc thức ăn mềm; không dùng thức ăn nóng, có tính axit hoặc cay để tránh kích ứng.

Có thể giảm nguy cơ bùng phát hồng ban đa dạng bằng cách:

- Tránh dùng các loại thuốc như NSAID hoặc thuốc kháng sinh nếu đây là nguyên nhân gây ra cơn bùng phát bệnh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch để ngăn ngừa virus, nấm hoặc vi khuẩn.

- Vệ sinh và chăm sóc vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn để tránh lây virus herpes simplex.

- Khám định kỳ theo hẹn.

- Trong khi điều trị có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hoại tử da toàn thân sau khi uống thuốc | SKĐS



DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn