Về mùa mưa, mùa lạnh, một số bệnh có nguy cơ nặng lên, trong đó có hội chứng Raynaud. Raynaud có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguyên khác nhau như các bệnh tự miễn, bệnh hệ thống, bệnh hệ thống tuần hoàn, mao mạch… Khi trời lạnh hoặc khi tay, chân tiếp xúc với nước lạnh, sự co mạch ngoại vi xuất hiện dẫn tới hiện tượng Raynaud thường xảy ra với các động mạch nhỏ ở ngón tay, ngón chân, các tiểu mao mạch ngoại vi…
Biểu hiện điển hình của hội chứng Raynaud diễn ra 3 giai đoạn thay đổi màu sắc da: Đầu tiên, da trở nên tái nhợt (màu trắng) do mạch máu bị co lại; Giai đoạn sau chuyển thành màu xanh tím do hiện tượng khử oxy, thiếu oxy; Giai đoạn cuối cùng, các mạch máu giãn ra và da trở nên đỏ hồng trở lại. Tuy nhiên, các giai đoạn này nhiều khi xuất hiện không điển hình, có thể chỉ thấy giai đoạn 1 và 2.
Giữ ấm bàn tay - một cách phòng hội chứng Raynaud hiệu quả.
Raynaud tiến triển từng đợt, kéo dài dẫn tới hiện tượng thiếu máu cục bộ làm tổn hại vùng mô do mạch máu chi phối. Hiện tượng xơ chai hoặc nặng hơn là hoại tử đầu các ngón có thể xuất hiện nếu tình trạng thiếu máu lâu dài và nghiêm trọng, thường gặp trong Raynaud thứ phát.
Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị Raynaud, trong đó, một số nhóm thuốc hay được dùng bao gồm: thuốc làm giãn mạch, thuốc làm giảm co mạch, các thuốc ảnh hưởng đến cấu trúc mạch, thuốc ức chế tiểu cầu và các nhóm thuốc sinh học...
Nhóm thuốc giãn mạch: thường dùng nhất là nifedipin, diltiazem, amlodipin, felodipin (thuốc chẹn canxi) hoặc nitric oxide - NO (nhóm nitrate) có tác dụng giãn mạch rất mạnh. Ngoài ra, có thể dùng các dạng thuốc dùng tại chỗ như mỡ nitroglycerin 1-2%, hay miếng dán glyceryl trinitrate. Tuy nhiên, khi sử dụng nhóm thuốc này cần lưu ý theo dõi huyết áp trong quá trình sử dụng vì thuốc làm giảm huyết áp. Nhóm thuốc làm giảm hiện tượng co mạch có thể dùng captopril, enalapril, losartan (dùng trong các trường hợp Raynaud trầm trọng…). Nhóm thuốc hỗ trợ cấu trúc mạch có thể sử dụng các chất chống oxy hóa như probucol. Nhóm thuốc ức chế tiểu cầu như salicylates, aspirin… sử dụng thuốc này lâu dài cần theo dõi tác dụng phụ đối với dạ dày và khả năng đông máu.
Prostaglandin có nhiều tác dụng trong Raynaud bao gồm: giãn mạch, ức chế hoạt hóa tiểu cầu, ức chế đông máu, cải thiện dòng chảy của máu, điều hòa cân bằng các yếu tố co và giãn mạch… Một số thuốc được dùng trong Raynaud là: ventavis, flolan, remodulin, veletri, tyvaso.
Hiện nay, điều trị Raynaud còn gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng là phòng ngừa bệnh như cần tránh stress, tránh các yếu tố ảnh hưởng xấu tới bệnh như rung lắc, lạnh, chấn thương đầu chi, tránh hút thuốc, không sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới bệnh. Hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh, sử dụng các dụng cụ bảo hộ khi lao động và sinh hoạt, giữ ấm cho bàn tay, bàn chân về mùa mưa, mùa lạnh. Tránh tiếp xúc với nước lạnh, đá lạnh; Sử dụng tất, găng, mang giày… làm ấm đầu chi. Kiểm tra đầu ngón tay, chân thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các vết thương.