Thuốc trị ho có đờm: Sử dụng đúng mới hiệu quả

05-07-2018 06:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ho có đờm thường xảy ra trong trường hợp đường thở của người bệnh có chất xuất tiết sinh ra hòa lẫn với những tạp chất khác, nhất là trong thời tiết nắng nóng, không khí ô nhiễm như hiện nay.

Phản xạ ho có tác dụng giúp làm sạch phổi, loại bỏ các dịch đờm, dịch tiết và nhiều dị vật ra khỏi đường thở và cơ thể. Trong trường hợp này, có thể dùng các thuốc để làm tăng hiệu quả của ho để giúp làm sạch đường thông khí. Tuy nhiên, cần lưu ý cách sử dụng để tránh các tác dụng phụ không đáng có.

Ho có đờm - Vì sao?

Ho là cơ chế tự vệ sinh lý quan trọng để tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô hấp có thể gây tắc đường thở. Ho gồm 2 loại ho khan hoặc ho có đờm.

Ho có đờm là ho kèm theo khạc đờm. Đờm (hay còn gọi là đàm) là chất tiết của đường hô hấp gồm có chất nhầy, dịch rỉ viêm, tế bào viêm và các tác nhân gây bệnh xâm nhập đường hô hấp (vi khuẩn, virut, bụi...). Các chất này được tiết ra từ khí phế quản, phế nang, họng, các xoang hàm trán, các hốc mũi... khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập. Ho có đờm thường gặp trong một số bệnh lý như viêm họng, mũi, thanh quản, khí quản, áp-xe phổi, nhồi máu phổi, viêm phổi, hen phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính... Khi ho, dịch tiết này theo phản xạ ho được đưa ra ngoài, giúp loại trừ tác nhân gây bệnh và làm thông thoáng đường thở.

Nên dùng các biện pháp dân gian để trị ho cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Nên dùng các biện pháp dân gian để trị ho cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Các thuốc trị ho có đờm thường dùng

Khi ho có đờm, không nên dùng các thuốc giảm ho, tuy nhiên cần dùng các thuốc để làm tăng hiệu quả của ho để giúp làm sạch đường thông khí.

Các thuốc điều trị ho có đờm thường dùng gồm các thuốc long đờm và các thuốc tiêu đờm.

Các thuốc long đờm

Có tác dụng giúp làm tăng bài tiết dịch nhầy, loãng đờm, bảo vệ niêm mạc chống lại các tác nhân kích thích và cho phép loại trừ chúng được dễ dàng. Các thuốc long đờm thường sử dụng: guaifenesin, ammoni clorid, ipeca, terpin. Thuốc thường sử dụng dưới dạng siro. Ngoài ra, một số dạng bào chế khác như dạng viên giải phóng kéo dài, dung dịch, thuốc cốm cũng có thể sử dụng. Tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng các thuốc này bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, phát ban...

Các thuốc tiêu đờm

Giúp phá vỡ, cắt đứt các cầu nối disulfit S-S của các sợi mucopolysaccharid, làm giảm độ quánh của đờm ở phổi giúp tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho. Ngoài ra, khi điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, thuốc làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng đáp ứng với kháng sinh. Các thuốc tiêu đờm thường sử dụng như bromhexin, acetylcystein, ambroxol, carbocistein, erdostein. Tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng các thuốc này là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, phát ban, tức ngực.

Lưu ý khi sử dụng các thuốc long đờm, tiêu đờm

Trong trường hợp ho có đờm, quan trọng nhất vẫn là xác định nguyên nhân và loại trừ nguyên nhân gây ho. Các thuốc long đờm, tiêu đờm chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị ho có đờm, tránh lạm dụng và sử dụng bừa bãi.

Cần thận trọng khi sử dụng các thuốc trên ở những bệnh nhân hen phế quản, suy gan hoặc suy thận nặng. Thuốc chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Không nên dùng thuốc trong trường hợp ho mạn tính, trong trường hợp này việc tăng tiết dịch làm tăng phản xạ ho. Không nên dùng các thuốc này cho trẻ dưới 6 tuổi, với trẻ từ 6 đến 11 tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Với trẻ dưới 6 tuổi, chỉ nên dùng các chế phẩm đơn giản như glycerin, mật ong, chanh… do nguy cơ tác dụng không mong muốn của các thuốc giảm ho long đờm có thể lớn hơn lợi ích mà thuốc mang lại.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh. Thời gian điều trị thông thường từ 3 -5 ngày. Nếu ho kéo dài trên 1 tuần, tái phát hoặc đi kèm sốt, phát ban hoặc đau đầu dai dẳng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ngoài các biện pháp dùng thuốc, có thể kết hợp sử dụng một số biện pháp không dùng thuốc như: Xông hơi (xông cũng giúp phá vỡ đờm và giúp bạn ho để khạc đờm. Cần cẩn thận để tránh bị bỏng. Sử dụng một bình xông hơi trong phòng hoặc dùng một bát nước sôi thêm vào đó vài giọt menthol, camphor hoặc tinh dầu bạch đàn, hít hơi nước bốc lên), uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng đờm và dễ ho để khạc ra ngoài hơn.Tắm nước ấm, xông hơi để giúp phá vỡ đờm giúp dễ khạc đờm, tích cực nghỉ ngơi. Nếu bạn hút thuốc nên ngừng hút thuốc.


ThS. Nguyễn Thu Hằng
Ý kiến của bạn