Thuốc trị giun sán: Không thể dùng tùy tiện

22-03-2019 07:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vừa qua, tại Bắc Ninh, nhiều trẻ em bị phơi nhiễm với sán và nhiễm giun... đã làm cho cộng đồng lo ngại. Vậy có thuốc nào để trị giun sán và dùng thuốc như thế nào?

Các thuốc thường dùng

Thuốc trị giun đường ruột

Các loại giun đường ruột ở người chủ yếu gồm giun đũa, giun tóc và giun móc/mỏ rất phổ biến ở Việt Nam. Người bị nhiễm giun truyền qua đất là do ăn phải trứng giun từ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, qua bàn tay bẩn. Đối với giun móc/mỏ ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người. Các triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm giun như gầy yếu, da xanh, hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng trướng, chậm lớn.

Hai loại thuốc được Bộ Y tế khuyến cáo dùng tẩy giun trong cộng đồng là albendazol và menbendazol. Trên thị trường, thuốc có ở dưới dạng viên nén và hỗn dịch.Hầu hết tác dụng của thuốc chống giun xảy ra ở ruột. Ðể có tác dụng xảy ra ở mô, phải dùng liều cao và lâu dài.

Có thể uống thuốc vào bất kỳ thời gian nào trong ngày sau khi ăn. Không cần phải nhịn đói hoặc tẩy. Viên có thể nhai, nuốt hoặc nghiền và trộn với thức ăn. Liều lượng được dùng tùy theo mục đích điều trị là loại giun nào hay ấu trùng. Người bệnh cần tuân thủ theo sự chỉ định của nhân viên y tế hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Đối với trẻ nhỏ phải nghiền thuốc pha với nước uống hoặc dùng dạng hỗn dịch.

Chỉ dùng thuốc trị sán khi có triệu chứng lâm sàng.

Chỉ dùng thuốc trị sán khi có triệu chứng lâm sàng.

Thuốc trị sán dây và ấu trùng sán lợn

Bệnh sán dây trưởng thành là do các loài sán dây trưởng thành ký sinh trong ruột gây nên. Bệnh sán dây phân bố rải rác nhiều nơi trong toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Một trong những nguyên nhân là người ăn phải thịt “bò gạo”, “lợn gạo” còn sống thì ấu trùng sán vào ruột nở ra con sán dây trưởng thành.

Bệnh ấu trùng sán lợn là do những ấu trùng sán lợn ký sinh ở trong cơ, trong não, trong mắt người gây nên. Người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày và ruột nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ vân, ở não, ở mắt... Bệnh ấu trùng sán lợn phân bố rải rác ở ít nhất 49 tỉnh trong cả nước, tỷ lệ nhiễm khoảng 5 - 7%.

Một số thuốc được dùng trong điều trị sán là:

Praziquantel: Đây là thuốc có phổ tác dụng rộng điều trị các loại sán như: sán lá gan, sán máng và nhiều loại sán dây; chống lại sán dây trưởng thành, đang trưởng thành và giai đoạn ấu trùng gây bệnh cho người, bao gồm Diphyllobothrium latum (sán cá), Dipylidium caninum (sán chó, sán mèo), Hymenolepis nana (sán lùn), Taenia saginata (sán bò), T. solium (sán lợn) và Cystycercus cellulosae (giai đoạn ấu trùng của sán lợn).

Không lái xe, điều khiển máy móc trong khi uống thuốc và cả trong 24 giờ sau khi uống praziquantel vì thuốc có thể gây chóng mặt, buồn ngủ. Các tác dụng  phụ như sốt, đau đầu, khó chịu, đau bụng hoặc đau cứng bụng, kém ăn, buồn nôn, tiêu chảy lẫn máu... thường nhẹ và nhanh hết. Thuốc được uống sau  khi ăn 1 giờ, không được nhai. Ðể giảm nguy cơ gây tác dụng có hại trên hệ thần kinh có thể dùng phối hợp praziquantel với dexamethazon hoặc prednisolon ở những người bệnh mắc ấu trùng sán lợn ở não.

Niclosamide: Cũng có tác dụng trên sán lợn, nhưng không có tác dụng đối với trứng của loại sán này. Ðể tránh nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn, sau khi dùng niclosamid được 2 giờ phải dùng thuốc tẩy muối (magie sulphat) kèm theo uống nhiều nước (2-3 lít) để tống các đoạn sán ở phía dưới chứa đầy trứng sán trưởng thành ra ngoài càng nhanh càng tốt. Khi tẩy trứng ra ngoài, phải hết sức tránh trứng dính vào tay, vào miệng người bệnh, sẽ dẫn đến bệnh ấu trùng sán lợn rất nguy hiểm. Niclosamid nói chung không gây tác dụng có hại đáng kể. Các tác dụng không mong muốn nhẹ, có thể kể là: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Khi uống nên nhai viên thuốc rồi nuốt với một ít nước sau bữa ăn sáng. Ðối với trẻ nhỏ, nên nghiền viên thuốc ra, trộn với một ít nước rồi cho uống.

Khi bị nhiễm sán, thường có rất nhiều niêm dịch ruột, nên lúc dùng thuốc cần uống nhiều dịch quả chua để hòa loãng và loại bỏ niêm dịch, tạo điều kiện cho thuốc tiếp xúc nhiều hơn với sán.

Những lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun sán

Đối với tẩy giun đường ruột, theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2018, việc tẩy giun được tiến hành ở lứa tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên. Không dùng thuốc tẩy giun trong các trường hợp: người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt (>38,50C); người đang mắc một số bệnh mạn tính như: suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản; người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc; phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Về tần suất tẩy giun, đối với các vùng chưa triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng hoặc các vùng đã triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng dưới 5 năm: Tiến hành tẩy giun hàng loạt 2 lần/năm (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 50% trở lên), 1 lần/năm (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 20% đến dưới 50%), không cần tẩy giun hàng loạt (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun dưới 20%). Đối với các vùng đã triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng trong 5-6 năm liên tiếp gần đây, đạt được mức độ bao phủ ≥75%: Tiến hành tẩy giun hàng loạt 3 lần/năm (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 50% trở lên), 2 lần/năm (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 20% đến dưới 50%), 1 lần/năm (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 10% đến dưới 20%), 2 năm/lần (các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 1% đến dưới 10% ) và các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun dưới 1% không cần tẩy giun hàng loạt.

Đối với nhiễm sán lợn, theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2004, chỉ dùng thuốc khi có triệu chứng trên lâm sàng như: đau bụng, đi ngoài ra đốt sán: Thấy đốt sán bò ra hậu môn theo phân còn cử động hoặc lẫn vào phân không cử động (đối với nhiễm sán trưởng thành); nổi mụn hạch: Các nốt dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc di động, không ngứa, không đau nằm ở các vị trí cơ vân hoặc có thể bị động kinh (đối với nhiễm ấu trùng sán) thì mới phải dùng thuốc điều trị.

Việc điều trị sán được áp dụng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đối với sán trưởng thành chỉ cần dùng một liều thuốc duy nhất. Đối với ấu trùng điều trị có thể kéo dài hơn: Mỗi đợt dùng 10 ngày thuốc. Dùng 2-3 đợt. Mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Sau khi dùng thuốc cần phải theo dõi và xét nghiệm lại sau 2-3 tháng (đối với sán trưởng thành, không còn thấy đốt sán ra theo phân và xét nghiệm phân không còn trứng sán hoặc đốt sán) và sau 3 - 6 tháng (đối với ấu trùng sán, hết các triệu chứng lâm sàng và hết nang sán hoạt động dưới da và trong não) mới đạt yêu cầu.


BS. Lê Xuân Bách
Ý kiến của bạn