Thuốc trị giun kim

04-10-2024 09:18 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Nhiễm giun kim là bệnh đường ruột phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi tiểu học. Việc điều trị sớm giúp trẻ giảm các triệu chứng khó chịu, đồng thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh giun kim - Chớ coi thường!Bệnh giun kim - Chớ coi thường!

Bệnh giun kim do giun Enterobius vermicularis gây ra và có thể lây từ người này sang người khác. Người là vật chủ duy nhất của giun. Trẻ em bị bệnh phổ biến hơn người lớn, tỷ lệ mắc bệnh cao ở những người đồng tính luyến ái nam.

Nhiễm giun kim là một trong những loại nhiễm giun đường ruột phổ biến nhất ở trẻ em độ tuổi đi học. Thông thường, người nhiễm giun kim hay bị ngứa hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm, ngủ không ngon, ngứa ở vùng âm đạo, cáu kỉnh, đau bụng thoáng qua…

Thậm chí có thể gây những biến chứng hiếm gặp khác bao gồm: Nhiễm trùng do vi khuẩn từ việc gãi vùng hậu môn, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), viêm ruột thừa, nhiễm trùng bụng, sụt cân…

Thuốc trị giun kim- Ảnh 2.

Trẻ có thể bị đau bụng khi nhiễm giun kim.

Phương pháp điều trị giun kim hiệu quả và nhanh chóng là uống thuốc tẩy giun kim. Một số thuốc được lựa chọn bao gồm:

1. Thuốc trị giun kim mebendazol 

Tác dụng: Thuốc mebendazol có tác dụng tiêu diệt giun, ngăn không cho giun phát triển trong ruột. Thuốc được chỉ định dùng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng do giun gây ra như giun kim, giun tóc, giun đũa…

Tác dụng phụ: Thuốc mebendazol rất ít khi gây tác dụng phụ. Một số trường hợp có thể bị đau bụng, đau dạ dày, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ.

Lưu ý: Trong trường hợp dùng thuốc mebendazole để điều trị nhưng tình trạng nhiễm giun không được cải thiện sau 3 tuần, có thể cân nhắc dùng tiếp đợt thứ hai hoặc phương pháp điều trị khác.

2. Thuốc albendazol

Tác dụng: Thuốc albendazol có thể giúp ngăn chặn nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun kim. Thuốc chỉ có một liều dùng duy nhất áp dụng cho cả người lớn và trẻ trên 2 tuổi.

Tác dụng phụ: Có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ ở đường tiêu hóa trong quá trình điều trị.

Lưu ý, có thể dùng thêm liều thứ hai sau đó hai tuần để giảm nguy cơ tái nhiễm.

3. Thuốc pyrantel pamoate

Tác dụng: Thuốc pyrantel được chỉ định trong điều trị nhiễm giun kim, giun móc, giun đũa....

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau đầu…

Lưu ý: Chống chỉ định dùng thuốc pyrantel trong các trường hợp quá mẫn với với các thành phần của thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi.

Ngoài ra có thể dùng một số loại thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ để cải thiện tình trạng ngứa hậu môn.

Thuốc trị giun kim- Ảnh 3.

Phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

4. Lưu ý khi điều trị giun kim

Để dùng thuốc an toàn hiệu quả, cần thực hiện:

- Mỗi loại thuốc trị giun kim đều có liều dùng, tác dụng và tác dụng phụ khác nhau. Vì thế, cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất trong hướng dẫn sử dụng thuốc.

- Các thuốc trị giun kim có thể gây tương tác với một số thuốc điều trị bệnh khác. Do đó, với những người đang dùng các thuốc khác cần lưu ý điều này, trao đổi với bác sĩ để biết thuốc có an toàn và hiệu quả hay không?

- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi.

- Trận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

- Để ngăn ngừa nhiễm trùng và tái nhiễm trùng, nên điều trị đồng thời cho những người trong gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần.

- Nên định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần.

Ngoài ra nên thực hiện một số biện pháp dưới đây để loại bỏ trứng giun kim:

- Đảm bảo người bị nhiễm trùng và các thành viên khác trong gia đình rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn.

- Giữ móng tay ngắn, sạch sẽ, tránh cắn móng tay.

- Tránh gãi vùng hậu môn.

- Giặt tất cả khăn trải giường, khăn tắm, khăn lau mặt và quần áo bằng nước nóng, sấy khô ở nhiệt độ cao. 

- Không cho trẻ tắm chung vì trứng giun kim có khả năng lây lan trong nước tắm và trên khăn lau.

- Làm sạch hoàn toàn mọi bề mặt có thể có trứng, như đồ chơi, sàn nhà, mặt bàn và bệ toilet.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chế biến thực phẩm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trẻ nhiễm giun kim: trị như thế nào?


BS. Đặng Xuân Thắng
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam
Ý kiến của bạn