Thuốc trị đau thần kinh tọa và lưu ý khi sử dụng

22-07-2023 07:10 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau thần kinh tọa có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy khi đã áp dụng những liệu pháp điều trị thay thế mà không đạt được hiệu quả tích cực, người bệnh đau thần kinh tọa có thể dùng thuốc gì?

‏1. Triệu chứng của đau thần kinh tọa

‏Theo ThS. BSCKII Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8, đau thần kinh tọa gây ra khi dây thần kinh tọa - nằm dọc từ lưng dưới đến chân - bị chèn ép. Tình trạng này thường xảy ra do thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống. Một số nguyên nhân phổ biến khác có thể kể đến như thoái hóa cột sống, thừa cân béo phì, lười vận động, thường xuyên đi giày cao gót…‏

‏‏Đau thần kinh tọa được miêu tả với cảm giác bỏng rát, châm chích, cường độ đau nhiều... có thể tự hết. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc kéo dài dai dẳng, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được kiểm tra. Đau thần kinh tọa có thể được điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật.‏

photo-1689908427941

‏‏Đau thần kinh tọa gây ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép.‏

‏2. Thuốc gì trị đau thần kinh tọa?‏

‏ThS. BSCKII Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, hầu hết các trường hợp đau thần kinh tọa có thể tự thuyên giảm khi người bệnh áp dụng một số bài tập vật lý trị liệu tại nhà để cải thiện tư thế, giảm áp lực cho dây thần kinh tọa. Có thể sử dụng miếng dán giảm đau ở lưng dưới trong vài ngày cũng giúp giảm cơn đau do đau thần kinh tọa gây nên.‏

‏‏Một số liệu pháp điều trị thay thế như yoga, xoa bóp, châm cứu cũng có thể mang lại hiệu quả chữa bệnh đau thần kinh tọa.‏

‏‏Ngoài ra, để điều trị cơn đau cấp tính do đau thần kinh tọa, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc phù hợp và thường được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn.

Các thuốc có thể sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa bao gồm:

‏- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm triệu chứng đau thần kinh tọa một cách hiệu quả. ‏

‏Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ trên dạ dày. Do đó nhóm này không được khuyến khích sử dụng trên bệnh nhân có tiền sử viêm loét hoặc chảy máu dạ dày. Người mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh thận… cần sử dụng thuốc một cách thận trọng theo chỉ định của bác sĩ. ‏

‏- Thuốc chống viêm corticosteroid: Methylprednisolone và prednisone có tác dụng chống viêm và được sử dụng phổ biến trong điều trị đau thần kinh tọa cấp tính do viêm rễ thần kinh cột sống. ‏Thuốc mang lại hiệu quả nhanh nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, các thuốc này thường chỉ được chỉ định trong trường hợp NSAID không mang lại hiệu quả như mong muốn. ‏

‏- Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine có thể được sử dụng trong điều trị giảm đau thần kinh tọa nhờ hiệu quả làm giãn các cơ bị căng, cải thiện các vấn đề về đĩa đệm, thắt lưng hoặc cơ vùng chậu. ‏

‏‏Cần lưu ý, một trong những tác dụng phụ phổ biến của cyclobenzaprine là gây buồn ngủ. Vì vậy, người bệnh có thể uống thuốc vào buổi tối để tránh buồn ngủ vào ban ngày. Bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng với liều chia đôi để hạn chế tác dụng phụ.

ThS. BSCKII Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8 chia sẻ về chứng đau thần kinh tọa và cách điều trị.

- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline và nortriptyline có thể được chỉ định sử dụng với liều thấp để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa. Người bệnh dùng thuốc có thể gặp những tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, hạ đường huyết, tăng nhịp tim…‏

‏- Thuốc chống co giật: Gabapentin và pregabalin là hai thuốc chống co giật, có thể được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, thuốc không mang lại hiệu quả tức thì. ‏Người bệnh có thể sử dụng 3-4 tuần, ngay cả khi cơn đau đã thuyên giảm để cảm nhận hiệu quả của thuốc. Cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể gặp như phát ban, mệt mỏi, run rẩy, chóng mặt, buồn nôn…‏

‏- Thuốc giảm đau opioid: Tramadol hoặc oxycodone là thuốc giảm đau kê đơn thường dùng để giảm đau mức độ trung bình đến nặng, khi các thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng đáng kể. Khi đã dùng thuốc, người bệnh không nên lái xe hoặc điều khiển máy móc bởi thuốc có thể gây chóng mặt, buồn ngủ.

Lưu ý, tất cả các thuốc trị đau thần kinh tọa đều cần sử dụng theo đơn của bác sĩ. Thông thường chỉ chỉ định khi người bệnh đã áp dụng các liệu pháp điều trị thay thế mà không nhận được hiệu quả tích cực.

‏3. Một số lưu ý khi dùng thuốc trị đau thần kinh tọa ‏

‏‏Tùy từng đối tượng người bệnh cũng như tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để giúp bệnh nhân giảm bớt khó chịu do đau thần kinh tọa gây ra. Người bệnh cần lưu ý những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng từng loại thuốc như đã nêu ở trên. Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào trong quá trình điều trị, cần báo ngay cho bác sĩ để có phương hướng xử lý kịp thời.‏

‏‏Bên cạnh việc tuân thủ sử dụng thuốc, người bệnh đau thần kinh tọa nên nghỉ ngơi và điều chỉnh lại mức độ vận động hàng ngày. Tuy nhiên, thói quen nằm nhiều trên giường hoặc lười vận động cũng sẽ làm cho cơn đau ngày càng trở nên nặng nề hoặc kéo dài. "Chính vì vậy, tốt nhất nên vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng để xương khớp linh hoạt, khỏe mạnh" - ThS. BSCKII Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo.‏

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Tự Ý Sử Dụng Thuốc Đông Y Chữa Bệnh Thận Không Qua Chỉ Định: Bác Sĩ Nói Gì? | SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn