Thuốc trị đau thần kinh tọa

01-12-2021 09:24 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau thần kinh tọa là bệnh phổ biến. Nếu không được điều trị tận gốc, đau thần kinh tọa có thể làm người bệnh bị suy giảm các chức năng vận động một cách nghiêm trọng.

Vì sao người đau thần kinh tọa nên bắt đầu vật lý trị liệu sớm?Vì sao người đau thần kinh tọa nên bắt đầu vật lý trị liệu sớm?

SKĐS - Một nghiên cứu tại Đại học Y của Đại học Utah, ở Thành phố Salt Lake cho thấy, những người bị đau lưng do đau thần kinh tọa nên bắt đầu vật lý trị liệu (PT) sớm.

1. Nguyên nhân và triệu chứng của đau thần kinh tọa

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chính (chiếm 80%) gây đau thần kinh tọa. Ngoài ra, chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngã cao,... cũng có thể gây đau thần kinh tọa.

Nguyên nhân khác: Dây thần kinh tọa bị chèn bởi khối u, chảy máu trong, nhiễm trùng và biến chứng từ chấn thương như gãy xương chậu, mang thai.

Triệu chứng đau thần kinh tọa thường là đau lan dọc xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Hướng lan của các cơn đau tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh tổn thương. Người bệnh thông thường chỉ đau 1 bên dây thần kinh tọa, không đau cả hai bên.

Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc đau âm ỉ, tăng lên khi người bệnh vận động quá sức, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi.

Người bệnh có cảm giác tê nóng, đau rát bỏng hoặc kiến bò ở các khu vực bị đau.

photo-1638109358169

Đau thần kinh tọa gây nên các cơn đau từ cột sống thắt lưng....

2. Biến chứng của đau thần kinh tọa

Nếu không được điều trị hiệu quả ngay từ đầu, các cơn đau thần kinh tọa có thể kéo dài, lâu ngày khiến dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng. Từ đó, hàng loạt biến chứng phức tạp có nguy cơ phát sinh theo như:

  • Đau nhức mãn tính, cứng cột sống.
  • Lo lắng và trầm cảm.
  • Chứng thả bàn chân (rũ chân), teo cơ vận động, bại liệt.
  • Gặp vấn đề sức khỏe ở hông hoặc đầu gối.
  • Tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nặng.
  • Suy giảm chức năng ruột hoặc bàng quang.
  • Tê liệt ở chân.
  • Giảm chức năng cơ vòng đường ruột hoặc bàng quang: bí tiểu, đại tiện không tự chủ.

3. Các thuốc thường dùng điều trị đau thần kinh tọa

Thuốc chỉ góp phần đẩy lui triệu chứng đau nhức khó chịu, chứ không thật sự giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Việc dùng thuốc dài ngày có thể tiềm ẩn một số tác dụng không mong muốn...

3.1. Thuốc giảm đau 

Các thuốc giảm đau có thể được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa. Việc chọn lựa thuốc theo bậc thang giảm đau của WHO. Paracetamol là loại thuốc giảm đau phổ biến nhất, paracetamol kết hợp với tramadol, codein, morphin. Tùy tình trạng đau mà chọn thuốc dùng phù hợp. 

Paracetamol liều thường dùng là 325-650 mg, cứ 4-6 giờ một lần khi cần thiết, nhưng không quá 4g/ngày. 

Paracetamol là một thuốc giảm đau thông thường, nhưng không được dùng cho ở những người mẫn cảm với thuốc, người suy gan hoặc có tiền sử eczema do tiếp xúc với paracetamol.

Viêm gan, hoại tử gan: Là tai biến thường gặp do dùng quá liều cho phép paracetamol (>10g với người lớn). Lưu ý khi sử dụng paracetamol cho những người có tổn thương thận vì có thể gây tăng nồng độ thuốc trong máu ở mức liều điều trị.

Các thuốc chống viêm không steroid NSAIDs cũng là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau như: Diclofenac, ibuprofen, naproxen, piroxicam, meloxicam, celecocib... Nhóm thuốc này có thể dùng kéo dài đến 6 tuần dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Các NSAIDs thường gây chảy máu, mất máu kéo dài không phụ thuộc liều. Do đó, thuốc không được sử dụng ở những người có tạng chảy máu hoặc xuất huyết. Không dùng thuốc ở phụ nữ có thai ở 3 tháng cuối, người đang dùng vitamin K hoặc methotrexate.

Để giảm bớt tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, bệnh nhân nên uống thuốc vào bữa ăn và uống kèm theo một cốc nước to (>200ml).

Với các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bị tác dụng phụ của NSAIDs (như già yếu, tiền sử bệnh dạ dày,..) khi điều trị nên dùng kèm các thuốc bảo vệ dạ dày như thuốc ức chế bơm proton hoặc misoprostol.

Các thuốc ức chế chọn lọc COX2 như celecocib.. không được dùng trên bệnh nhân có tiền sử tim mạch và cần thận trọng hơn khi sử dụng ở người cao tuổi.

Thuốc chỉ góp phần đẩy lui triệu chứng đau nhức khó chịu, chứ không thật sự giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Việc dùng thuốc dài ngày có thể tiềm ẩn một số tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân cần nhận thức trước.

3.2. Thuốc giãn cơ

Tolperisone và eperisone là 2 loại thuốc giãn cơ được bác sĩ kê đơn nhằm giảm tình trạng co cơ. Trong khi tolperisone tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, hiệu quả điều trị nhanh thì eperisone lại giúp người bệnh thư giãn cơ vân và cơ trơn mạch máu. Thuốc có thể gây cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chức năng gan (tăng men gan), thận (xuất hiện protein niệu).

3.3. Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật

Thuốc gabapentin được sử dụng để tăng tác dụng giảm đau. Thuốc được uống khi đi ngủ, dựa trên đáp ứng của người bệnh, có thể tăng liều. Ngoài ra còn có một số thuốc khác như: Pregabalin, amitriptylin, carbamazepin, phenytoin.

Cần lưu ý dùng thuốc ở người có nguy cơ ngã, rối loạn nhịp tim và những người có bệnh thận mạn tính.

3.4. Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi

Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi như galantamine  có thể dùng trong điều trị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ về liều lượng và thời gian.

3.5. Các thuốc vitamin nhóm B

Phối hợp các vitamin B1, B6, B12 cần thiết cho việc chuyển hóa bình thường của tế bào thần kinh, được sử dụng hỗ trợ điều trị chứng đau thần kinh tọa.

3.6. Miếng dán có chứa lidocaine

Miếng dán có chứa lidocaine điều trị tại chỗ có thể hiệu quả với các hội chứng đau ngoại biên.

Bên cạnh điều trị dùng thuốc, một số phương pháp điều trị khác có thể kể đến như: Phẫu thuật, trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, kết hợp trị liệu thần kinh cột sống và các bài tập vật lý trị liệu.

photo-1638109359627

Có thể giảm đau thần kinh tọa bằng tiêm corticosteroid ngoài màng cứng.

4. Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng tránh mắc bệnh đau thần kinh tọa nên:

- Xây dựng và thực hiện một chế độ sống, làm việc lành mạnh: Thường xuyên vận động, giảm cân ở người thừa cân, tập thể dục thể thao đều đặn để phòng bệnh.

- Điều chỉnh tư thế ngồi phù hợp: Lựa chọn ghế ngồi có hỗ trợ lưng dưới, tay vịn và chân đế chắc chắn, xoay được.

- Hạn chế bưng vác vật nặng quá sức, giữ lưng thẳng, tránh gập lưng khi nhấc vật nặng.

- Khi có những triệu chứng bệnh đau thần kinh tọa, bệnh nhân nên được sự thăm khám của bác sĩ và điều trị sớm để phòng các biến chứng có thể xảy ra. Không được tự ý mua thuốc giảm đau, kể cả paracetamol để tự điều trị quá 10 ngày.

- Hiểu rõ một số tác dụng phụ thường gặp của các thuốc giảm đau để trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc nhằm có phương án điều trị tối ưu và tuân thủ điều trị là chìa khóa làm giảm các triệu chứng đau thần kinh tọa.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trung học cơ sở.

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn