Thuốc trị đau nửa đầu, dùng sao cho an toàn?

15-10-2018 08:49 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi bị đau nửa đầu, người bệnh sẽ có một số hoặc tất cả các triệu chứng như đau từ nhẹ, vừa đến nặng ở một bên đầu hoặc thậm chí lan sang cả hai bên; buồn nôn, nôn; nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh… Vậy có những thuốc nào để trị và dùng thuốc sao cho an toàn với người bệnh?

Đối với cơn đau nửa đầu cấp tính

Đối với cơn đau cấp tính xảy ra, có thể dùng ngay các thuốc giảm đau như: acetylsalycilic acid, ibuprofen, acetaminophen đơn độc hoặc thuốc giảm đau phối hợp như acetaminophen phối hợp với tramadol hoặc acetaminophen phối hợp với codein... Tuy nhiên, tùy vào mức độ đau (nhiều hay ít), tần suất xuất hiện cơn đau (dày hay thưa) mà bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc giảm đau phù hợp. Thông thường các thuốc giảm đau phối hợp được chỉ định trong các trường hợp đau vừa đến nặng. Đối với các thuốc giảm đau đơn chất dùng trong các trường hợp đau nửa đầu nhẹ và vừa. Khi dùng các thuốc này cần lưu ý:

Đối với acetylsalycilic acid: Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết nếu mình bị hen, có bệnh ưa chảy máu (sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu), loét dạ dày, tá tràng, suy tim, suy gan, suy thận... vì những người bệnh này không được sử dụng thuốc giảm đau acetylsalycilic acid. Người bệnh dưới 16 tuổi cũng không được dùng vì nguy cơ gây hội chứng Reye - một bệnh lý liên quan đến não - gan, tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.

Thuốc trị đau nửa đầu, dùng sao cho an toàn?

Trong quá trình dùng thuốc, một số bất lợi thường gặp do thuốc có thể xảy ra như: buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột; toàn thân mệt mỏi; xuất hiện ban, mày đay, thậm chí khó thở, sốc phản vệ... nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, triệu chứng mệt mỏi không đáng ngại, sẽ hết trong vòng 2 - 3 ngày sau khi ngừng thuốc, nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, ù tai, giảm thính lực hoặc thương tổn gan, phải ngừng thuốc. Đối với người cao tuổi, dùng liều  thấp nhất có hiệu lực và trong thời gian ngắn nhất có thể được.

Trong trường hợp người bệnh dùng ibuprofen: Bất lợi thường gặp là mỏi mệt; trướng bụng, buồn nôn, nôn; nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn hoặc mẩn ngứa, ngoại ban... Nếu người bệnh thấy nhìn mờ, giảm thị lực, hoặc rối loạn nhận cảm màu sắc thì phải ngừng dùng thuốc này. Nếu có rối loạn nhẹ về tiêu hóa, khó chịu ở dạ dày... thì nên uống thuốc lúc ăn hay uống với sữa hoặc thuốc kháng acid để khắc phục. Không nằm trong ít nhất 10 phút sau khi uống thuốc.

Để giảm nguy cơ xuất huyết dạ dày và các bất lợi khác của thuốc nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả trong và thời gian ngắn nhất có thể. Người bệnh không tự ý tăng hoặc giảm liều mà bác sĩ đã chỉ định. Cần cấp cứu ngay nếu người bệnh bị phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng... Vì đây là những dấu hiệu nguy hiểm do bất lợi của thuốc gây ra.

Thuốc trị đau nửa đầu, dùng sao cho an toàn?Nên dùng thuốc ở liều thấp và thời gian ngắn nhất có thể để phòng nguy cơ xuất huyết dạ dày.

Nếu người bệnh dùng acetaminophen để giảm đau, ở liều bình thường (liều điều trị) thuốc khá an toàn, nhưng sẽ trở nên mất an toàn khi người bệnh dùng quá liều theo khuyến cáo. Nguy hiểm nhất là gây hại gan. Nguy cơ gây độc gan tăng lên khi uống thuốc kết hợp với rượu. Vì vậy đã uống thuốc thì không uống rượu. Những người đang có bệnh lý ở gan (viêm gan, suy gan...) không dùng thuốc này. Trong trường hợp buộc phải dùng cần hết sức thận trọng.

Để dùng thuốc an toàn, liều lượng cần theo chỉ định của bác sĩ hoặc trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Cách 4-6 tiếng sau mới được dùng lại liều tiếp theo (khi cần thiết). Không sử dụng các thuốc có tên gọi khác nhau nhưng đều có chứa acetaminophen vì sẽ gây quá liều. Để khắc phục điều này, trước khi dùng thuốc người bệnh cần đọc kỹ mục “thành phần” xem có acetaminophen trong đó hay không.

Thuốc dự phòng

Đối với đau nửa đầu việc phòng cơn đau cấp tính xảy ra là rất cần thiết. Một số thuốc có thể dùng để dự phòng cơn đau như propranolon, amitriptylin...

Propranolol có tác dụng giảm và ngăn chặn chứng đau nửa đầu do tác động lên các thụ thể beta - adrenergic ở các mạch trên màng mềm não và do đó phong bế các co thắt tiểu động mạch trên vỏ não. Thế nhưng đối với người hen phế quản, suy tim sung huyết, bệnh nhược cơ... không được dùng thuốc này.

Do tác dụng làm chậm nhịp tim, nên trong quá trình dùng thuốc nếu người bệnh thấy nhịp tim quá chậm cần thông báo cho bác sĩ biết để giảm liều thuốc.

Để dự phòng cơn đau nửa đầu, liều lượng thuốc phải dò theo từng người bệnh. Khởi liều từ thấp và có thể tăng dần để đạt hiệu quả tối đa. Điều này phải do bác sĩ thực hiện. Khi ngưng thuốc phải ngưng từ từ, tránh dừng thuốc đột ngột.

Đối với amitriptylin, đây là thuốc chống trầm cảm nhưng cũng hay được dùng để dự phòng đau nửa đầu. Phản ứng hay gặp nhất là an thần quá mức và rối loạn điều tiết (mất định hướng, ra mồ hôi, tăng thèm ăn, chóng mặt)... Các tác dụng phụ này là do tác dụng kháng cholinergic của thuốc và khắc phục bằng cách giảm liều. Nếu người bệnh dùng thuốc một liều duy nhất trước khi ngủ sẽ khắc phục được hiện tượng mệt mỏi, buồn ngủ vào buổi sáng, hạ huyết áp thế đứng vào buổi sáng. Một bất lợi nữa cần chú ý là trên tim mạch gây loạn nhịp tim, đánh trống ngực... Nếu người bệnh gặp phải cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.


DS. Trần Thị An
Ý kiến của bạn