Thuốc trị đau đầu do chấn thương

16-10-2019 06:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi có người nhà bị chấn thương sọ não đã 3 năm nay. Gần đây người nhà của tôi hay bị đau đầu. Mong bác sĩ tư vấn người nhà tôi có thể dùng thuốc gì trong trường hợp này?

Đào Vân Khánh (Tiền Giang)

Các chấn thương sọ não nếu đủ mạnh (từ chấn động não trở lên) hay để lại một số di chứng cho bệnh nhân. Họ đau đầu âm ỉ thường xuyên, đau tăng lên khi thay đổi thời tiết. Lúc đó bệnh nhân có thể có các cơn đau đầu dữ dội đến mức phải ôm đầu kêu la. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường mất ngủ, đánh trống ngực, có cơn nóng bừng hoặc lạnh buốt, hay cáu, trí nhớ rất kém, chóng mặt… Các bệnh nhân này thường sử dụng thuốc giảm đau và bình thần thường xuyên, có thể dẫn đến phụ thuộc thuốc bình thần.

Lời khuyên đầu tiên cho bệnh nhân là không uống bia, rượu. Lý do đơn giản là những bệnh nhân này khả năng dung nạp với rượu rất thấp. Họ chỉ cần uống một liều nhỏ là đã thấy choáng váng, đau đầu và rất dễ say. Thực tế là nhiều bệnh nhân tìm đến rượu để hết đau đầu vì sau khi uống rượu họ dễ ngủ hơn. Nhưng khi ngủ dậy, họ lại thấy đau đầu nhiều hơn. Cái vòng luẩn quẩn đấy lại tiếp diễn hết năm này qua năm khác.

Có thể dùng thuốc giảm đau đầu do chấn thương sọ não như valproat natri, flunarizine. Valproat natri là thuốc chống động kinh, có tác dụng cắt các triệu chứng đau đầu, mất ngủ, dễ cáu gắt, trí nhớ kém… còn flunarizine thì có tác dụng giảm các triệu chứng chóng mặt và đau đầu. Bí quyết điều trị nằm ở chỗ cho thuốc liều trung bình, nhưng kéo dài nhiều năm. Tuy phải uống thuốc hàng ngày, nhưng bù lại bệnh nhân có chất lượng cuộc sống và khả năng lao động tốt hơn hẳn so với những người không dùng thuốc. Khi dùng các thuốc này, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau, như đối với valprat natri là buồn nôn, nôn, khó tiêu, an thần, run, nhức đầu…, còn flunarizine là buồn ngủ nhẹ, thoáng qua, tăng cân hoặc tăng cảm giác ngon miệng...

Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn nên đưa người nhà đi khám để được tư vấn dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể.

PGS.TS. Bùi Quang Huy


Ý kiến của bạn