Hà Nội

Thuốc trị đái rắt

13-09-2024 14:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đái rắt tưởng chừng như là một vấn đề nhỏ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống...

1. Đái rắt là gì?

Đái rắt (tiểu rắt) là tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày. Lượng nước tiểu mỗi lần rất ít, thậm chí không tiểu ra giọt nào dù cảm thấy buồn tiểu. Đái rắt không phải là bệnh lý mà là triệu chứng thường gặp của những bệnh ở hệ tiết niệu. Dù không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe nhưng nếu kéo dài, người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.

Đái rắt thường là kết quả của những tình trạng cơ bản sau:

- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): UTI là tình trạng nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang qua âm đạo, có thể gây ra tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt, khó chịu hoặc đau...

- Bàng quang tăng hoạt (OAB): Đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt là dấu hiệu cảnh báo bàng quang tăng hoạt. Một số lý do phổ biến nhất là chấn thương, béo phì, cơ sàn chậu yếu và bệnh đái tháo đường.

- Các vấn đề về tuyến tiền liệt: Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt, còn được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt to ra, sẽ chèn ép niệu đạo, có thể chặn dòng nước tiểu và gây kích ứng bàng quang.

Ngoài ra, đái rắt còn do suy giảm chức năng thận, sỏi thận, sỏi bàng quang, bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiều bệnh lý khác...

2. Các phương pháp điều trị đái rắt (tiểu rắt)

- Thay đổi lối sống: Giảm lượng nước tiêu thụ mỗi lần, đặc biệt là vài giờ trước khi đi ngủ và tránh ăn (uống) thực phẩm có chứa caffeine và đồ ăn cay.

- Điều trị bắng thuốc.

- Phẫu thuật đối với những bệnh nhân nặng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

Thuốc trị đái rắt- Ảnh 1.

Đái rắt không phải là bệnh lý mà là triệu chứng thường gặp của những bệnh ở hệ tiết niệu.

3. Thuốc điều trị đái rắt

Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc thích hợp:

- Nguyên nhân do bàng quang tăng hoạt có thể dùng:

+ Thuốc kháng cholinergic sẽ được sử dụng như: Darifenacin, fesoterodine, oxybutynin, solifenacin và tolterodine... ức chế chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên gây ra tình trạng tiểu rắt.

Các thuốc này làm làm thư giãn các cơ trong bàng quang, giảm sự co bóp của cơ bàng quang, cải thiện khả năng kiểm soát hoạt động đi tiểu. Thuốc giúp làm giảm việc rỉ nước tiểu, cảm giác cần đi tiểu ngay lập tức và giảm việc phải đi tiểu thường xuyên.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc kháng cholinergic bao gồm giảm tiết nước bọt (khô miệng), táo bón, mờ mắt, khó tiểu, buồn ngủ, nhức đầu, khó tiêu và nhịp tim nhanh khi sử dụng lâu dài cũng cần chú ý đến sự suy giảm chức năng nhận thức ở người cao tuổi. Ngoài ra, thuốc kháng cholinergic không được khuyến cáo cho bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp góc hẹp, nhược cơ và bí tiểu.

+ Thuốc kích thích thụ thể giao cảm beta-3 chọn lọc (kích hoạt thụ thể beta-3 trong cơ bàng quang), do đó ức chế sự co cơ của cơ bàng quang và tăng khả năng lưu trữ của bàng quang. Nó tương tự như thuốc kháng cholinergic trong việc cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ, đái rắt...

So với thuốc kháng cholinergic, thuốc kích thích thụ thể giao cảm beta-3 chọn lọc có ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tăng huyết áp, vì vậy không nên dùng cho người có huyết áp khó kiểm soát (huyết áp ≥180/110 mmHg).

Thuốc trị đái rắt- Ảnh 2.

Người bệnh cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, tránh tự ý dùng thuốc.

- Nguyên nhân do nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn: Có thể dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau.

+ Các thuốc kháng sinh như:

  • Ciprofloxacin
  • Trimethoprim)
  • Fosfomycin...

Thuốc kháng sinh có khả năng ức chế sự tổng hợp tế bào vi khuẩn, giúp tiêu diệt nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ đến hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy), da (phát ban, dị ứng nổi mẩn), gan (gây ngộ độc)...

+ Thuốc giảm đau như paracetamol sử dụng điều trị tiểu buốt kèm đau bụng dưới, đau vùng lưng, giảm các triệu chứng đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Liều dùng theo hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm sản phẩm. Thông thường, sử dụng viên 500mg cho người lớn, mỗi lần 1 viên, cách nhau 4-6 tiếng lặp liều. Trẻ em sử dụng theo cân nặng 15mg/kg/lần

Tác dụng phụ: Dùng dài ngày gây ảnh hưởng đến gan, hiếm gặp là mề đay, nổi ban. Không dùng quá 10 ngày. Không dùng cho người bị dị ứng với paracetamol.

- Trong trường hợp đái rắt là do các bệnh lý khác thì tùy theo tác nhân gây bệnh sẽ có thuốc điều trị chuyên biệt.

4. Lưu ý khi dùng thuốc

- Người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng - giảm liều hay bỏ liều thuốc hoặc bỏ thuốc giữa chừng khi thấy triệu chứng cải thiện. Đặc biệt đối với thuốc kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ thời gian, để tránh kháng thuốc.

- Theo dõi các bất thường (tác dụng phụ) có thể xảy ra trong quá trình điều trị, thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp.

- Uống đủ nước hàng ngày hỗ trợ quá trình điều trị nhanh hơn.

Cần nhớ, không có một phương pháp điều trị tiểu rắt cụ thể cho tất cả trường hợp, vì vậy người bệnh cần đi khám để được đánh giá cụ thể tình trạng, và điều trị thích hợp.

9 thủ phạm gây tiểu rắt, tiểu buốt ở phụ nữ9 thủ phạm gây tiểu rắt, tiểu buốt ở phụ nữ

SKĐS - Tiểu rắt, tiểu buốt, chuyên môn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, trong đó, 9 nguyên nhân dưới đây được xem là thủ phạm nặng ký.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Điều trị viêm tiền liệt tuyến


DS. Lê Thanh Hòa
Ý kiến của bạn