Thuốc trị cường giáp và có thai

01-02-2018 10:10 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Có bạn đọc đang dùng thuốc trị cường giáp đã viết thư hỏi vài vấn đề, trong có vấn đề tác dụng phụ của thuốc, vừa uống thuốc dạ dày vừa uống thuốc cường giáp có được hay không, và đặc biệt, đã uống thuốc cường giáp có gây ảnh hưởng đến quá trình sinh con sau này hay không.

Cường giáp còn gọi là bệnh Basedow, là bệnh gây ra do tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết, làm tiết ra hormone tuyến giáp quá nhiều, do đó gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Triệu chứng bao gồm khó chịu, yếu cơ, khó ngủ, nhịp tim nhanh bất thường, không chịu được nóng, tiêu chảy, giảm cân, đặc biệt bị phì đại tuyến giáp gọi là bị bướu cổ.

Trong đơn thuốc trị bướu cổ của bạn đọc hỏi, có hai thuốc chính điều trị cường giáp. Đó là Tazilex là thuốc kháng giáp, chứa hoạt chất methimazol làm cho tuyến giáp không hoạt động quá mức (kháng sự cường giáp) trở lại bình thường. Thuốc thứ hai là Dorocardyl, chứa hoạt chất propranolon, được chỉ định điều trị những bệnh lý như: Tăng huyết áp, đau thắt ngực do xơ vữa động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đặc biệt trị loạn nhịp tim, run tay do cường giáp. Còn thuốc thứ ba là Camlyhepatinsof là thuốc chứa các vitamin bổ dưỡng (thành phần: L-ornithin L-Aspartat; vitamin B1; vitamin B6; vitamin C; vitamin E). Trong thời gian dùng các thuốc vừa kể có thể bị một số tác dụng phụ, đặc biệt như Tazilex có thể gây ra: ngứa, đỏ da, nổi ban da, sốt, rối loạn vị giác, đau khớp, sưng tuyến nước bọt, đau dây thần kinh… Đặc biệt, Tazilex còn có tác dụng phụ loại hiếm (rất ít khi xảy ra) là viêm gan vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm, gan to…

Thuốc trị cường giáp và có thai

Riêng trường hợp của bạn đọc hỏi, các rối loạn xảy ra trong thời gian dùng thuốc mà bạn kể có thể do thuốc nhưng có thể do thể trạng bạn đang bị bệnh. Tốt nhất, bạn nên tái khám kể cho bác sĩ đang điều trị cho bạn biết để bác sĩ lượng định và cho hướng xử trí.

Đối với phụ nữ bị cường giáp, tốt nhất là điều trị dứt bệnh trước khi có thai

 

Nếu đang bị bệnh cường giáp mà lại bị bệnh đau dạ dày (gọi đầy đủ viêm loét dạ dày tá tràng) vẫn có thể vừa uống thuốc trị cường giáp vừa uống thuốc trị đau dạ dày, miễn là uống thuốc đúng cách như uống hai loại thuốc này cách xa nhau. Bạn không cho biết thuốc uống trị đau dạ dày ra sao nên không thể cho biết cần lưu ý thời gian uống cách xa hai loại thuốc này cụ thể như thế nào. Tốt nhất bạn nên hỏi bác sĩ đang điều trị bệnh về việc uống thuốc trị hai bệnh để bác sĩ hướng dẫn chi tiết hơn.

Cường giáp trên phụ nữ mang thai có thể gây những hậu quả cho cả mẹ và thai nhi như: khiến thai chết lưu hoặc sảy thai, thai chậm phát triển, sinh non, dị tật bẩm sinh, tiền sản giật. Những nguy cơ vừa kể sẽ giảm thiểu nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp. Biến chứng thường gặp khi phụ nữ có thai bị cường giáp là bệnh lý tim - do nhịp tim quá nhanh sẽ gây suy tim.

Một số phương pháp điều trị đặc hiệu cường giáp trên phụ nữ đang mang thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, do thuốc truyền qua nhau thai. Như iode có hoạt tính phóng xạ là chống chỉ định tuyệt đối khi mang thai và cả khi nuôi con bằng sữa mẹ; các chất chẹn bêta và iode chỉ sử dụng khi tình trạng bệnh gây nguy hiểm cho thai phụ, hoặc có yêu cầu phẫu thuật tuyến giáp.

Đối với phụ nữ bị cường giáp, tốt nhất là điều trị dứt bệnh trước khi có thai. Khi cơ thể trị hết bệnh cường giáp và thật ổn định, người phụ nữ có thể có thai. Khi đó, bác sĩ trực tiếp điều trị cường giáp sẽ quyết định thời điểm mang thai. Thậm chí trong thời gian còn bệnh mà lở có thai, khi đó nếu bệnh cường giáp chưa ổn định, bác sĩ vẫn phải tiếp tục điều trị, nhưng bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc kháng giáp không độc và rất ít qua nhau thai để đảm bảo an toàn cho bào thai, sẽ điều chỉnh liều thuốc kháng giáp điều trị một cách thích hợp nhất (giảm liều thuốc). Nhắc lại, chỉ nên chữa trị tốt bệnh cường giáp rồi mới tính chuyện có thai.


PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn