Hà Nội

Thuốc trị cúm A/H1N1

09-04-2012 14:08 | Dược
google news

Kể từ khi ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam từ ngày 31/5/2009 cho đến nay đã khiến trên 7.000 người mắc bệnh.

Kể từ khi ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam từ ngày 31/5/2009 cho đến nay đã khiến trên 7.000 người mắc bệnh. Chỉ tính riêng năm 2011 vừa qua, cúm A/H1N1 đã làm cho 427 người mắc và tỷ lệ tử vong khá cao (11 người).

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virut cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Cuối tháng 7/2009, dịch đã lan rộng trên 160 quốc gia thuộc cả 5 châu lục với hàng trăm ngàn trường hợp mắc và hơn 1.000 trường hợp tử vong.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virut rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng...

 Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phòng ngừa cúm A/H1N1 tại trường học.

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A/H1N1:

- Bệnh có biểu hiện sốt trên 380C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp, suy đa tạng (suy chức năng nhiều cơ quan như: tim, phổi, thận, não....) và dẫn đến tử vong.

- Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm.

 

Nguyên tắc điều trị cúm A/H1N1:

- Bệnh nhân nghi ngờ phải được cách ly.

- Dùng thuốc kháng virut càng sớm càng tốt với ngay cả các trường hợp nghi ngờ viêm phổi do virut.

- Hồi sức hô hấp là cơ bản.

- Điều trị suy đa tạng (nếu có).

Thuốc kháng virut

Có hai loại thuốc được nhắc đến: relanza (zanamivir) và tamiflu (oseltamivir phosphate). Trong đó tamiflu là thuốc duy nhất đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng để phòng và điều trị virut cúm A và B.

Oseltamivir ức chế enzym neuraminidase là enzym có vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng các phần virut mới tạo thành từ các tế bào bị nhiễm và quá trình lan tràn lây nhiễm virut.  Oseltamivir không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch dịch thể. Đáp ứng sinh kháng thể với các vaccin bất hoạt không bị ảnh hưởng khi dùng oseltamivir.        

Oseltamivir hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hoá. Thuốc chuyển hóa tại gan nhờ enzym esterase thành chất có hoạt tính (oseltamivir carboxylate) không chuyển hoá tiếp mà đào thải nguyên vẹn qua nước tiểu.

Thuốc phải được bắt đầu sử dụng sớm (trong vòng 48 giờ) sau khi khởi phát triệu chứng bệnh. Không dùng cho người suy thận giai đoạn cuối đang lọc máu chu kỳ. Không cần điều chỉnh liều với người suy gan và người già. Để phòng bệnh, thuốc phải được sử dụng sớm sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Do oseltamivir có thời gian bán thải (T1/2) khoảng 1-3 giờ, sau 24 giờ thuốc đã bị thải hoàn toàn, do đó để phòng bệnh phải uống thuốc hàng ngày.

Các thuốc kháng virut phải do bác sĩ có chuyên môn chỉ định, không được tự ý dùng thuốc, nếu sử dụng thuốc không đúng cách thì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc, ảnh hưởng đến việc điều trị.

- Các tác dụng không mong muốn thường thấy: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, ho, đau đầu, mệt mỏi (các tác dụng không mong muốn này rất khó phân biệt với các triệu chứng của bệnh cúm). Các tác dụng không mong muốn khác hiếm gặp hơn bao gồm: đau ngực không ổn định, thiếu máu, viêm kết tràng giả mạc, viêm phế quản, viêm phổi, sốt, áp-xe quanh amidan.

Oseltamivir ít gây tương tác với các thuốc khác. Sử dụng đồng thời với probenecid làm tăng nồng độ của oseltamivir khoảng 2 lần. Oseltamivir không gây quái thai trên động vật nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai. Oseltamivir được tiết qua sữa, do đó phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng cho phụ nữ cho con bú.

Dùng kháng sinh: Trường hợp có bội nhiễm, đặc biệt trong nhiễm khuẩn bệnh viện phải phối hợp 2- 3 kháng sinh mạnh. Ở các tuyến huyện, xã có thể dùng các loại kháng sinh: cephalosporin thế hệ 1 – 2, cotrimoxazol, azithromycin...

 Hình ảnh virut cúm A/H1N1 trên kính hiển vi.

Các biện pháp dự phòng

Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Người dân phải sử dụng khẩu trang đúng cách, không vứt khẩu trang bừa bãi, tránh tạo điều kiện phát tán dịch bệnh.

- Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì cần được cách ly, đeo khẩu trang và thông báo cho ban giám hiệu, y tế địa phương.

- Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

- Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

- Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virut như tamiflu... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.          

BS. Đỗ Thị Lệ Quyên
(Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 103)

Ý kiến của bạn