Thuốc trị chứng ợ nóng có thể làm tăng nguy cơ đau nửa đầu

27-04-2024 06:42 | Thông tin dược học

SKĐS - Một nghiên cứu mới cảnh báo, những người dùng thuốc trị chứng ợ nóng có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu và các loại đau đầu nghiêm trọng khác cao hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các nhóm thuốc giảm axit như: Thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc chẹn H2 và thậm chí cả thuốc kháng acid… dường như làm tăng nguy cơ đau đầu và đau nửa đầu.

- Thuốc ức chế bơm proton ngăn chặn việc sản xuất axit và giúp thực quản mau lành. Tên thương hiệu bao gồm prevcid, prilosec, nexium…

- Thuốc chẹn H2 làm giảm sản xuất axit: Một số tên thương hiệu bao gồm tagamet, pepcid, axid…

- Các thuốc kháng acid có chứa canxi cacbonat có tác dụng trung hòa acid dạ dày như mylanta, rolaids và tums.

Thuốc trị chứng ợ nóng có thể làm tăng nguy cơ đau nửa đầu- Ảnh 1.

Thuốc trị chứng ợ nóng dường như làm tăng nguy cơ đau đầu và đau nửa đầu.

Nhà nghiên cứu Margaret Slavin, phó giáo sư về dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Maryland ở College Park, cho biết: "Với việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc giảm axit và những tác động tiềm ẩn đối với chứng đau nửa đầu, những kết quả này cần được nghiên cứu thêm".

Slavin cho biết thêm: "Những loại thuốc này thường được kê đơn quá mức và nghiên cứu mới đã chỉ ra những rủi ro khác liên quan đến việc sử dụng lâu dài thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ".

Các nhà nghiên cứu cho biết, trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, thường xảy ra sau bữa ăn hoặc khi nằm, có thể gây ợ chua và loét. Trong trường hợp cực đoan, nó có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của gần 12.000 người sử dụng thuốc giảm axit để xem liệu họ có bị chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu dữ dội trong vòng ba tháng qua hay không.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ đau nửa đầu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng:

  • Những người dùng thuốc ức chế bơm proton có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn 70% so với những người không dùng thuốc này.
  • Thuốc chẹn H2 làm tăng nguy cơ đau nửa đầu lên 40%.
  • Thuốc kháng axit khiến mọi người dễ bị đau nửa đầu hơn 30%.

Slavin nhấn mạnh rằng, nghiên cứu chỉ xem xét các loại thuốc kê đơn chứ không phải các loại thuốc không kê đơn (có xu hướng có nồng độ thấp hơn) và khuyến cáo, người bệnh không nên ngừng dùng thuốc giảm axit mà không nói chuyện với bác sĩ.

Những phát hiện này được công bố ngày 24 tháng 4 trên tạp chí Thần kinh học.

Slavin nói: "Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều người cần dùng thuốc giảm axit để kiểm soát chứng trào ngược axit hoặc các tình trạng khác, và những người bị chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu dữ dội đang dùng các loại thuốc hoặc chất bổ sung này nên nói chuyện với bác sĩ về việc có nên tiếp tục hay không".

Mời độc giả xem thêm:

Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?

SKĐS - Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, phía sau xương ức hoặc vùng bụng trên, thường do sự trào ngược acid trong dạ dày lên thực quản, kèm theo vị đắng trong cổ họng hoặc miệng.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn