Thuốc trị chán ăn tâm thần

14-09-2024 07:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Chán ăn tâm thần có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, việc phát hiện bệnh để được điều trị kịp thời và chính xác là rất quan trọng.

Lưu ý khi tập luyện ở người bệnh chán ăn tâm thầnLưu ý khi tập luyện ở người bệnh chán ăn tâm thần

SKĐS - Người bệnh chán ăn tâm thần thường hạn chế lượng ăn vào so với nhu cầu và nhiều trường hợp do tập thể dục quá mức để kiểm soát trọng lượng. Vậy với những người bệnh này nên tập luyện như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân phục hồi sau chứng chán ăn tâm thần sẽ được điều trị bằng phương pháp tiếp cận khác nhau bao gồm: Thuốc, liệu pháp tâm lý, tư vấn dinh dưỡng.

Mục tiêu của việc điều trị chứng chán ăn tâm thần nhằm:

  • Ổn định quá trình giảm cân.
  • Bắt đầu phục hồi dinh dưỡng để lấy lại cân nặng.
  • Loại bỏ tình trạng ăn uống vô độ và/hoặc hành vi nôn ói và các kiểu ăn uống có vấn đề khác.
  • Điều trị các vấn đề về tâm lý như lòng tự trọng thấp và các kiểu suy nghĩ lệch lạc.
  • Phát triển những thay đổi hành vi lâu dài.
Thuốc trị chán ăn tâm thần- Ảnh 2.

Chán ăn tâm thần có thể gây suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

1. Dùng thuốc trong chán ăn tâm thần như thế nào?

Một số thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu của chứng chán ăn thần. Tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê liều phù hợp hoặc phối hợp thêm các nhóm thuốc khác.

1. 1. Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc thường dùng:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) như fluxetine...
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amoxapine và imipramine...

Tác dụng: Thuốc giúp điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh trong não liên quan đến tâm trạng như serotonin, norepinephrine và dopamine. Bằng cách điều chỉnh và nâng cao tâm trạng, thuốc chống trầm cảm có thể đóng vai trò thiết yếu trong kế hoạch điều trị được thiết kế để giúp bệnh nhân phục hồi.

Tác dụng phụ: Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây buồn nôn, cứng cơ hoặc co thắt và thay đổi nhịp tim. Không dùng fluxetine cho người bệnh có khoảng QT kéo dài (QT là một khái niệm y khoa thể hiện cho sự kéo dài khoảng thời gian tim co và nghỉ. Đây là tình trạng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhịp tim bất thường cũng như là ngưng tim đột ngột).

1.2 Thuốc chống loạn thần không điển hình

Các thuốc thường dùng như olanzapine, quetiapine, risperidone...

Tác dụng: Một trong những nguyên nhân gây chứng chán ăn tâm thần là do trầm cảm, lo âu và bệnh lý tâm thần. Các thuốc này có hiệu quả trong điều trị nguyên nhân này.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây khô miệng, chóng mặt và thay đổi thói quen ngủ…

1. 3. Chất điện giải

Tác dụng: Người chán ăn tâm thần có thể bị thiếu một số chất điện giải như kali, natri và canxi. Do đó, việc bổ sung chất điện giải là cần thiết ở những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, mất nước. Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân mà lựa chọn cách bổ sung qua đường uống hoặc đường tiêm.

Lưu ý, cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất điện giải nào để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

1.4. Vitamin và khoáng chất

Tác dụng: Những người mắc chứng chán ăn tâm thần thường thiếu nhiều chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu do chế độ ăn hạn chế. Do đó cần bổ sung lượng vitamin và khoáng chất như kẽm, vitamin D, đồng, selen, vitamin B1, vitamin B12, vitamin B9.

Lưu ý: Cần trao đổi với bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp hoặc dùng một số chất bổ sung nhất định.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là một loại tư vấn cá nhân tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ và các kiểu hành vi của người bệnh.

- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một liệu pháp nói chuyện tập trung vào sự tương tác giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. CBT sẽ giúp người bệnh giải quyết những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực gây ra các hành vi rối loạn liên quan đến chứng chán ăn tâm thần, từ đó thiết lập lại chế độ ăn uống lành mạnh.

- Liệu pháp gia đình (FBT): Được thiết kế để giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến chán ăn tâm thần. Đối với những người trẻ tuổi, phương pháp điều trị này đã chứng minh là rất hiệu quả khi giải quyết chứng chán ăn tâm thần. Liệu pháp này có thể giúp người bệnh khôi phục cân nặng và có chế độ ăn uống lành mạnh.

Trong phương pháp điều trị dựa trên gia đình, cha mẹ đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp trẻ phục hồi. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ thể hiện sự đồng cảm với con mình, đồng thời thực thi các quy tắc nghiêm ngặt về việc ăn uống...

3. Tư vấn dinh dưỡng

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống giữ vai trò quan trọng đối với những người mắc hội chứng này. Tuy nhiên, chế độ ăn cần phù hợp với từng trường hợp. Do đó, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Chán ăn tâm thần là một bệnh lý tâm thần, các thuốc và những tư vấn trên chỉ mang tính chất tham khảo. Khi có dấu hiệu chán ăn, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để có khám xét và điều trị phù hợp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh chán ăn tâm thần có biểu hiện như thế nào


ThS. BS. Đinh Hữu Uân
Ý kiến của bạn