1. Vì sao thời kỳ mãn kinh thường gây bốc hỏa?
Bốc hỏa là một triệu chứng thường thấy ở phụ nữ tuổi mãn kinh, là hiện tượng xuất hiện những cơn nóng bừng, đột ngột lan từ mặt, ngực, toàn thân… Trung bình mỗi cơn bốc hỏa kéo dài khoảng vài phút, nhiều lần trong ngày. Cơn bốc hỏa khiến chị em toát mồ hôi, ớn lạnh, bủn rủn chân tay, tim đập nhanh, mệt mỏi, dễ cáu gắt… Nếu xảy ra ban đêm có thể khiến chị em ngủ không ngon giấc, thậm chí mất ngủ.
Nguyên nhân gây ra chứng bốc hỏa có liên quan đến sự suy giảm chức năng của buồng trứng dẫn đến thay đổi nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh. Điều này gây ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, trung tâm kiểm soát nhiệt độ của cơ thể, gây ra rối loạn cơ chế điều chỉnh nhiệt độ. Não bộ "hiểu nhầm" rằng cơ thể đang quá nóng và cần phải giải phóng nhiệt. Từ đó dẫn đến tăng nhịp tim, giãn mạch máu để lưu thông máu và tăng tiết mồ hôi để làm mát cơ thể.

Bốc hỏa là một triệu chứng thường thấy ở phụ nữ mãn kinh.
2. Các thuốc chữa chứng bốc hỏa
Thông thường có 2 loại thuốc dùng để kiểm soát chứng bốc hỏa: Thuốc có chứa hormone và thuốc không chứa hormone.
2.1. Thuốc có chứa hormone
Estrogen là hormone chính để làm giảm các cơn bốc hỏa. Các thuốc có chứa hormone này giúp tăng mức hormone trong cơ thể, đồng thời giảm triệu chứng bốc hỏa của thời kỳ mãn kinh. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chứa hormone phù hợp.
- Estrogen (dùng cho những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung).
- Loại phối hợp estrogen với progesterone (dùng cho trường hợp vẫn còn tử cung).
Liệu pháp hormone cũng có thể giúp ích cho các triệu chứng mãn kinh khác như ngủ kém, khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục...
2.2. Thuốc không chứa hormone
Hiện nay có 2 loại thuốc không chứa hormone được FDA chấp thuận để điều trị chứng bốc hỏa khó chịu:
- Paroxetine là thuốc chống trầm cảm, chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), được chấp thuận vào năm 2014 để điều trị các cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng. SSRI ảnh hưởng đến serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh tham gia vào việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Bằng cách ổn định mức serotonin, paroxetine có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa. Thuốc được uống một lần một ngày dưới dạng viên.
- Fezolinetant được FDA chấp thuận để điều trị bốc hỏa từ trung bình đến nặng do mãn kinh vào năm 2023. Thuốc hoạt động bằng cách liên kết và ngăn chặn các hoạt động của thụ thể NK3, đóng vai trò trong việc điều hòa nhiệt độ cơ thể của não. Thuốc được uống một lần mỗi ngày. Lưu ý, thuốc có thể gây tổn thương gan hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.

Có thể dùng một số loại thuốc để giảm triệu chứng bốc hỏa thời kỳ mãn kinh.
2.3. Các thuốc khác
Ngoài ra, một số loại thuốc không phải hormone khác cũng có hiệu quả giảm các cơn bốc hỏa, bao gồm:
- Gabapentin, một thuốc chống động kinh, có thể giúp làm dịu cơn bốc hỏa về đêm nhờ tác dụng gây ngủ và làm giảm rối loạn vận mạch. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi và phù nề tay và chân...
- Oxybutynin: Thuốc có thể được sản xuất dưới dạng viên hoặc miếng dán, thường được dùng để điều trị các tình trạng tiết niệu như bàng quang hoạt động quá mức. Thuốc có tác dụng phụ là giảm tiết mồ hôi, vì vậy có thể được dùng để giảm cơn bốc hỏa ở một số trường hợp. Một số tác dụng phụ thường gặp như khô miệng, khô mắt, buồn nôn, táo bón và chóng mặt.
- Clonidine: Thuốc có ở dạng viên hoặc miếng dán, chủ yếu được dùng để điều trị tăng huyết áp. Thuốc hoạt động bằng cách giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, nhờ đó có thể giúp giảm bớt cơn bốc hỏa. Thuốc thường gây một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, táo bón và khô miệng.
3. Lưu ý khi dùng thuốc trị bốc hỏa
Để dùng thuốc an toàn, hiệu quả, cần đặc biệt lưu ý:
- Những phụ nữ có cơn bốc hỏa nhẹ và không thường xuyên, có thể không cần dùng thuốc.
- Những người đã từng bị ung thư vú không nên dùng liệu pháp hormone vì có thể làm gia tăng tái phát bệnh.
- Không khuyến khích dùng cho những phụ nữ có nguy cơ đột quỵ hoặc cục máu đông.
- Những phụ nữ bắt đầu liệu pháp hormone nên sử dụng ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
- Khi dùng các thuốc trị bốc hỏa thời kỳ mãn kinh cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng lịch hẹn.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phụ nữ tiền mãn kinh cần biết: 4 yếu tố chính gây giảm ham muốn tình dục.