Hà Nội

Thuốc trị béo phì

08-06-2017 07:32 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Điều trị nội khoa là một trong những phương pháp được sử dụng điều trị béo phì. Tuy nhiên, để dùng thuốc hiệu quả người béo phì cần được khám và tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Hiện nay, thuốc điều trị được công nhận có tác dụng điều trị béo phì không có nhiều. Có thể kể ra đây một số tên như orlistat, lorcaserin, topiramate... Sẽ rất khó tưởng tượng nếu như chúng ta xem xét từng thuốc một cách chi tiết. Nhưng sẽ thuận lợi hơn nếu chúng ta có một cái nhìn tổng quát về thuốc. Và theo hướng này, thuốc điều trị béo phì được phân thành 3 nhóm: nhóm can thiệp vào thần kinh trung ương, chủ yếu có tác dụng làm chán ăn; nhóm can thiệp vào cơ quan tiêu hóa, chủ yếu có tác dụng làm giảm hấp thu và nhóm can thiệp vào cơ quan ngoại vi, chủ yếu có tác dụng làm tiêu hao năng lượng.

Các thuốc điều trị

Nhóm thuốc tác động vào thần kinh trung ương

Thực chất chúng là các thuốc làm chán ăn. Chỉ định của các thuốc này là: làm giảm cân, duy trì cân nặng, thường được kết hợp với liệu pháp dinh dưỡng. Thuốc được dùng ưu tiên trong các trường hợp có BMI ≥ 40 kg/cm2 hoặc các bệnh nhân béo phì có BMI ≥ 30 kg/cm2 nhưng lại có thêm các bệnh kết hợp khác như tiểu đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ, rối loạn mỡ máu nghiêm trọng.

thuoc tri beo phiMuốn dùng thuốc chữa béo phì phải có chỉ định của bác sĩ

Bản chất các thuốc này là các thuốc đồng dụng adrenergic, chúng kích thích giải phóng adrenalin từ các kho dự trữ, sau đó tác dụng vào hệ thống alpha hoặc beta adrenergic và gây ra chán ăn sau đó. Thuốc thường được dùng ngắn ngày khoảng 8-12 tuần cho bệnh nhân. Vì là thuốc có bản chất đồng dụng adrenergic nên thuốc này có nhiều tác dụng phụ rất đáng ngại. Các thuốc này gồm:

Lorcaserin: Là thuốc rất được ưa dùng ở những bệnh nhân có BMI khởi điểm quanh mốc 30. Lorcaserin được cho là sẽ gắn kết với thụ cảm thể 5-HT2C định cư tại các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi. Các tế bào thần kinh này là những tế bào thần kinh chán ăn hoặc ức chế trung khu thèm ăn ở hành não. Và vì thế, hiệu quả thu được cuối cùng khi dùng các thuốc này là người bệnh cảm thấy không muốn ăn thêm trong tâm trạng thoải mái, bằng lòng với mức thực phẩm ăn được chứ không phải cảm giác nôn ọe và sợ ăn.

“Phentermine/Topiramate”: Phentermine là một axit amin của hệ thần kinh phó giao cảm, còn topiramate là một thuốc chống động kinh điển hình.

Phentermine sau khi được uống vào sẽ liên kết khá chặt chẽ vào các tế bào thần kinh vùng dưới đồi, trung tâm này là trung tâm thỏa mãn. Sau đó, chúng sẽ làm tăng giải phóng và tăng sự tái sử dụng các noradrenalin và dopamin. Sau khi làm tăng nồng độ 2 chất này, các tế bào thần kinh thỏa mãn sẽ được kích hoạt và hiệu ứng thôi không muốn ăn xảy ra.

Khi kết hợp với topiramate, hiệu ứng thu được mạnh hơn và kéo dài hơn mặc dù bản thân người bệnh không hề có dấu hiệu động kinh. Thuốc được chỉ định không phải vì người bệnh vừa có béo phì lại vừa có động kinh mà chỉ đơn giản vì sự hiệp đồng của thuốc mà thôi. Thuốc được chỉ định cho người có chỉ số BMI từ 30 trở lên.

Benzphetamine: Là một axit amin của hệ thần kinh giao cảm. Chúng có cơ chế tác dụng là giảm sự thèm ăn, một tác dụng gián tiếp thu được sau khi tác động trực diện vào hệ thần kinh trung ương. Thuốc được chỉ định với các trẻ em béo phì, từ 12 tuổi trở lên khi bệnh nhân có chỉ số BMI khởi điểm 30. Không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

Nhóm thuốc tác động vào cơ quan tiêu hoá

Orlistat: Là một chất ức chế men lipase của tụy. Khi lipase bị ức chế, khối mỡ ăn vào sẽ không được tiêu hóa, không được chẻ nhỏ, không được phân cắt. Vì thế, chúng ta có lỡ ăn mỡ vào thì cũng sẽ được ít hấp thu. Thuốc cần phải được uống ngay sau ăn thì mới đảm bảo hiệu quả. Uống trước hoặc uống cách xa bữa ăn không thu được ý nghĩa gì.

Việc bổ sung thêm các vitamin A, D, E, K là cần thiết. Nhớ uống sữa đủ khi uống các orlistat. Uống vitamin nên cách thời điểm uống thuốc ít nhất 2 giờ và tốt nhất là uống vitamin trước khi uống thuốc.

Thuốc không được khuyến cáo dùng khi có tiêu chảy, phù, bệnh thận, bệnh tim, bệnh gan. Thuốc được dùng chủ yếu với người béo vừa phải, có chỉ số BMI từ 30 trở xuống và thích ăn mỡ, thuốc có tác dụng giảm béo ở mức hạn chế và chỉ nên coi đó là một thuốc dùng kèm.

Nhóm thuốc làm tăng tiêu hao năng lượng

Nhóm này có bản chất tác dụng là làm giảm cảm giác thèm ăn và tăng sử dụng năng lượng bằng cách kích thích vào các tế bào thần kinh nguồn gốc đầu sản xuất ra POMC (POMC là một chất tiền thân sinh ra alpha MSH, ACTH và beta endophine). Sau khi uống thuốc vào, thuốc sẽ tác động vào tế bào thần kinh nguồn gốc đầu giải phóng ra POMC. POMC tăng lên sẽ làm tăng các hormon dưới nó và từ đó làm tăng tiêu hao năng lượng. Tác dụng chính nhất vẫn là giảm sự thèm ăn thông qua sự giải phóng dopamin.

Điển hình trong nhóm này gồm bupropion và naltrexone. Bupropion có tác dụng làm tăng giải phóng dopamin ở thần kinh trung ương và do đó người sử dụng bị giảm cảm giác thèm ăn. Đồng thời với tác dụng thông qua dopamin, bupropion có tác dụng thứ yếu sản xuất ra POMC, vì thế làm tăng tiêu hao năng lượng.

Naltrexone có cơ chế tác dụng là ức chế thụ cảm thể nhận diện vòng ức chế ngược opioid trên các tế bào thần kinh đầu nguồn, làm chấm dứt sự ức chế ngược dẫn tới hiệu ứng tăng sản xuất và tăng hoạt tính của POMC, tức làm tăng tiêu hao năng lượng.

Và triển vọng...

Việc tìm ra thuốc giảm béo đã được manh mối từ rất lâu. Mở màn cho chiến dịch nghiên cứu thuốc giảm béo là năm 1950. Lúc đó các nhà hóa học và dược học bắt tay với nhau và tìm ra một số loại thuốc kỳ vọng có tác dụng làm giảm béo. Nhưng điểm sáng đầu tiên đó là các thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương có tác dụng làm chán ăn: desoxyephedrine, phentermine, diethylpropion. Nhưng sau đó chừng 10 năm, vào các năm 1960, người ta bắt đầu ghi nhận thấy những tác dụng phụ khó chấp nhận trên tim mạch. Điều này là cố hữu vì bản chất thuốc tương tự với các chất trung gian hóa học của hệ thần kinh chi phối cho hệ tuần hoàn. Vì thế, tác dụng phụ trên tim mạch là không tránh khỏi.

Ra đời chừng được 20 năm, phentermine và diethylpropion bắt đầu được hạn chế ở nhiều quốc gia (năm 1970). Thay thế vào đó, người ta quan tâm nhiều hơn tới các thuốc kích thích giải phóng serotonin như fenfluramine và dexfenfluramine. Nhưng sự tồn tại hữu dụng của các thuốc này cũng khá ngắn, vì chúng cũng vấp phải quá nhiều nhược điểm mà người ta vẫn phải đau đầu đối phó.

Tiếp tục gần đây hơn, người ta cho ra đời một số thuốc mới và có vẻ an tâm hơn khi dùng. Khi đó, trục thần kinh trung ương bị đổi hướng sang trục tiêu hóa nên quan tâm hơn tới các thuốc làm giảm hấp thu vì tác dụng phụ ít gặp, đó là sibutramine, rimonabant và orlistat. Sau các cuộc kiểm duyệt gắt gao và sự theo dõi hậu lâm sàng chặt chẽ, chỉ duy nhất orlistat được chấp thuận chính thức bởi quốc gia Hoa Kỳ (quốc gia chặt chẽ và gần như đặt tiêu chuẩn dược phẩm cho nhiều quốc gia khác). Tuy nhiên, hiệu quả của orlistat cũng không thu được nhiều.

Vì chưa tìm ra được thuốc thực sự hiệu quả và hữu dụng, nên việc tìm kiếm thuốc chống béo phì vẫn tiếp tục được triển khai. Người ta dự báo rằng trong tương lai, sẽ hướng tới thuốc giảm béo có nguồn gốc thực vật hoặc thuốc trị béo có nguồn gốc y học cổ truyền vì tính an toàn và tác dụng mang tính chất lâu dài.

Một số hoạt chất sẽ được chú ý hơn nhằm làm tiêu điểm cho thuốc tác dụng như: CCK, ghrelin, GLP-1, polypeptide kích thích sản xuất insulin, oxyntomodulin, PYY và tập trung vào nhóm chất này để nghiên cứu ra nhiều hơn nữa các thuốc tác dụng vào hệ tiêu hóa.

Một khía cạnh khác trong tương lai sẽ phát triển tìm ra thuốc tác động vào mô mỡ. Bởi vì thực ra đó cũng là cái đích cuối cùng cần đạt tới. Hai chất được quan tâm đó là leptin, adiponectin. Nhưng tìm ra thế nào và khai thác ở khía cạnh gì, chiến lược dược phẩm tương lai vẫn còn đang rộng mở…


BS. Phong Lâm
Ý kiến của bạn