Hà Nội

Thuốc trị bệnh xương khớp: Dùng thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

21-03-2017 15:26 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, các bệnh lý cơ xương khớp rất phổ biến và đa dạng. Việc điều trị các bệnh lý này đòi hỏi nhiều biện pháp kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Hiện nay, các bệnh lý cơ xương khớp rất phổ biến và đa dạng. Việc điều trị các bệnh lý này đòi hỏi nhiều biện pháp kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc. Không có loại thuốc nào phù hợp với mọi bệnh nhân vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc chuyên khoa với người bệnh để việc dùng thuốc vừa đạt hiệu quả điều trị vừa an toàn cho người bệnh.

Bệnh lý cơ xương khớp hay các bệnh của hệ thống vận động là một nhóm bệnh lý rất thường gặp, đa dạng, diễn biến kéo dài, liên quan mật thiết với cuộc sống lao động và sinh hoạt của mỗi con người. Nhiều bệnh có cơ chế bệnh sinh phức tạp, không rõ căn nguyên, liên quan đến nhiều bệnh lý nội, ngoại khoa khác nhau như tim mạch, nội tiết, thận, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, chuyển hóa, chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, cột sống... Các bệnh cơ xương khớp cần được chẩn đoán xác định sớm, theo dõi, điều trị và quản lý lâu dài, theo hệ thống chuyên khoa vì nhóm bệnh này đang là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho con người, được xếp ngang hàng với các bệnh lý tim mạch, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người.

Thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh cơ xương khớp

Thuốc giảm đau, kháng viêm: Thường được dùng điều trị triệu chứng đau và viêm. Đây là triệu chứng thường gặp nhất của các bệnh lý cơ xương khớp. Tình trạng đau này có thể nhẹ, vừa, nặng, thậm chí rất nặng, có thể cấp tính hoặc mạn tính, diễn tiến kéo dài và nặng dần theo thời gian. Đây là điều trị rất cần thiết, tuy nhiên chỉ là bước đầu tiên của trị liệu.Cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ xương khớp trong trị bệnh loãng xương.

Cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ xương khớp trong trị bệnh loãng xương.

Thuốc đặc trị: Đây là bước điều trị rất quan trọng, thường đòi hỏi các bác sĩ chuyên khoa phải chẩn đoán xác định bệnh và cho các phương pháp điều trị phù hợp để chữa khỏi, làm lui bệnh, ổn định bệnh hay làm giảm sự tiến triển của bệnh (tùy từng loại bệnh). Hiện nay, ngành thấp khớp học đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị các bệnh viêm khớp hệ thống như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp vô căn ở trẻ em... Trong các bệnh viêm khớp dạng thấp thường dùng các thuốc như nhóm thuốc DMARDs (Disease-modifying antirheumatic drugs) kinh điển như methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine...) có vai trò quan trọng trong việc ổn định bệnh và cần điều trị kéo dài.

Các thuốc sinh học còn được gọi là DMARDs sinh học (kháng TNF alpha, kháng Interleukin 6, kháng lympho B) được chỉ định đối với thể kháng điều trị với DMARDs kinh điển, thể nặng hoặc tiên lượng nặng. Khi chỉ định các thuốc sinh học, cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và thực hiện đúng quy trình (làm các xét nghiệm tầm soát lao, viêm gan (virut B, C), chức năng gan thận, đánh giá hoạt tính bệnh bằng chỉ số DAS 28...).

Ngoài việc dùng thuốc để điều trị các bệnh cơ xương khớp nói chung, ngày nay các bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp còn áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ. Đó là các biện pháp ngoài thuốc như giáo dục kiến thức về sức khỏe, tập luyện, vận động, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng... giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.

Điều trị và phòng ngừa các biến chứng của thuốc điều trị: Đây là một biện pháp đặc biệt của chuyên khoa cơ xương khớp vì các thuốc giảm đau, kháng viêm hay các thuốc đặc trị cho các bệnh lý cơ xương khớp thường có nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí tác dụng có hại lên hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột, gan mật...), hệ tim mạch, hệ thận niệu, hệ hô hấp..., có thể làm giảm sức đề kháng, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hay nguy cơ bị các bệnh khác (loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp...). Vì vậy, đòi hỏi các thầy thuốc cần điều trị và phòng ngừa các biến chứng này của thuốc điều trị bệnh.

Nguyên tắc dùng thuốc

Về phía thầy thuốc: Cần khám bệnh toàn diện và chẩn đoán bệnh càng sớm, càng chính xác càng tốt để cho thuốc phù hợp với bệnh và với tình trạng sức khỏe của người bệnh; Hướng dẫn cho người bệnh các biện pháp điều trị hỗ trợ (kiến thức về sức khỏe, tập luyện, vận động, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng...) giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn; Luôn luôn theo dõi diễn biến của bệnh để cho làm các xét nghiệm hay các thăm dò cần thiết, thay đổi chẩn đoán hay thay đổi điều trị nếu chưa phù hợp; Theo dõi đáp ứng của điều trị và các tác dụng bất lợi của thuốc để điều chỉnh; Tìm hiểu các bệnh cùng mắc và các thuốc đang dùng để tránh các tương tác bất lợi, thậm chí nguy hiểm của các thuốc khi dùng cùng trên người bệnh.

Về phía người bệnh: Cần đi khám bệnh khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, không nên coi thường các bệnh lý cơ xương khớp, các bệnh này tuy không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng như các bệnh tim mạch, nhưng gây đau đớn, hạn chế lao động, sinh hoạt, làm giảm chất lượng sống. Nếu điều trị không đúng, các thuốc điều trị có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ thận niệu, có thể gây bệnh khác, gây tàn phế, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng; Tuân thủ điều trị, không tự sử dụng thuốc, không sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, cũng không bỏ dở điều trị. Các bệnh cơ xương khớp đa số là mạn tính, vì vậy người bệnh cần tái khám định kỳ hoặc đi khám ngay khi có các diễn biến bất thường để các bác sĩ theo dõi và điều chỉnh kịp thời; Thông báo diễn biến của bệnh và các bất thường khi dùng thuốc cho bác sĩ; Chủ động tìm hiểu về bệnh và các biện pháp điều trị hỗ trợ (kiến thức về sức khỏe, tập luyện, vận động, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng...) để việc điều trị đạt kết quả cao hơn.


PGS.TS.BS. Lê Anh Thư (Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam)
Ý kiến của bạn