(SKDS) - Ở địa phương tôi có một số người bán rong các loại kem que đóng túi không rõ nguồn gốc sản xuất. Tôi nghe nói ăn kem không đảm bảo vệ sinh có thể bị bệnh thương hàn. Trong thời gian nghỉ hè thời tiết nóng bức nên cháu nhà tôi ăn nhiều loại kem này và bị tiêu chảy kéo dài. Tôi rất lo lắng. Xin hỏi có phải cháu bị thương hàn không và nếu bị bệnh này thì nên dùng thuốc gì?
Nguyễn Thị Tâm (Sầm Sơn, Thanh Hóa)
Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella gây ra là một trong những dịch bệnh dễ xuất hiện ở những vùng nguồn nước bị ô nhiễm. Ngay tại các thành phố lớn cũng xảy ra dịch bệnh thương hàn do ăn uống, sử dụng nguồn nước bị nhiễm Salmonella. Một số cửa hàng ăn uống không đảm bảo vệ sinh nguồn nước có thể gây nên dịch bệnh. Nếu ăn kem không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có nguy cơ nhiễm Salmonella nếu nguồn nước làm kem bị nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn Salmonella. |
Vi khuẩn này gây bệnh qua đường tiêu hóa, tràn vào hệ thống bạch huyết ở ruột gây nhiễm khuẩn toàn thân rất nặng nề. Người bệnh bị thương hàn hoặc phó thương hàn sốt liên tục, rối loạn tiêu hóa, sưng lách, người mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, đau đầu, chảy máu ruột, thậm chí gây thủng ruột. Bệnh ở trẻ em lại càng nặng nề do sức đề kháng của trẻ kém nên tỉ lệ tử vong cao. Cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu.
Hiện nay, thuốc phổ biến dùng cho bệnh thương hàn là các thuốc kháng sinh nhóm quinolon thế hệ 2 như ciprofloxacin hoặc ofloxacin. Đây là hai loại kháng sinh còn tác dụng khá tốt với vi khuẩn thương hàn. Tuy nhiên, do sử dụng không đúng cách nên có nơi tỉ lệ Salmonella kháng lại quinolon cũng đã khá cao. Nên dùng dạng uống cho người bị mắc bệnh sau khi đã xét nghiệm tìm ra vi khuẩn. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi không dùng được các quinolon thì phải dùng ceftriaxon hoặc cefotaxim. Đây là các thuốc kháng sinh tiêm chỉ được dùng ở cơ sở y tế có biện pháp đề phòng sốc phản vệ hoặc dị ứng. Tất cả các loại thuốc nói trên cần sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc và tuân thủ chặt chẽ về hướng dẫn liều dùng tùy theo từng đối tượng. Không tự ý sử dụng nếu không có chỉ định. Để phòng ngừa bệnh thương hàn cần phải ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn chưa nấu chín và đặc biệt không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Sau lũ lụt, các giếng khơi đều bị ô nhiễm nên phải tiệt trùng và xử lý theo hướng dẫn của cán bộ y tế rồi mới được dùng nước này để nấu chín cho sinh hoạt ăn uống. Không sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch dùng làm nước sinh hoạt mặc dù nước có thể trong hơn nhưng rất nhiều vi khuẩn gây bệnh do nước lũ ở các vùng khác đưa về. Không nên cho trẻ ăn các loại kem không đảm bảo vệ sinh. Nếu bị tiêu chảy kéo dài, cần đến bệnh viện xét nghiệm phân để xác định bệnh trước khi điều trị.
DS.Quốc Anh