Thuốc trị bệnh loãng xương

08-02-2022 15:04 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Loãng xương là bệnh có tỷ lệ mắc cao. Hầu hết ở người cao tuổi đều bị loãng xương nếu không có biện pháp dự phòng từ trẻ. Quá trình này làm cho xương yếu, giòn và dễ gãy… Do đó, cần dự phòng và điều trị loãng xương từ sớm để tránh các hậu quả nặng nề.

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương. Bệnh đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương kèm tổn hại đến vi cấu trúc của tổ chức xương; làm giảm độ chắc của xương dẫn đến nguy cơ gãy xương.

Như vậy khi một người bị loãng xương thì hệ thống xương đều bị suy giảm cả chất và lượng xương.

Loãng xương được phân thành hai loại:

- Loãng xương nguyên pháttình trạng loãng xương do tuổi tác (loãng xương nguyên phát type II) và/hoặc sau tình trạng mãn kinh ở phụ nữ (loãng xương nguyên phát type I). Loãng xương nguyên phát có thể do sự lão hóa của tạo cốt bào là tế bào tạo xương từ đó gây nên thiểu sản xương.

- Loãng xương thứ phát là tình trạng loãng xương do các nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý như: Cường cận giáp, cường tuyến giáp, hội chứng Cushing, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, các dị dạng cột sống, các ung thư xương, đa u tủy xương, các bệnh lý dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu... hoặc do sử dụng một số thuốc như corticoid, heparin, phenyltoin… kéo dài hoặc giảm nội tiết tố sinh dục do cắt buồng trứng hoặc do dùng thuốc ức chế...

Một số bệnh lý bẩm sinh cũng gây nên tình trạng loãng xương như bệnh xương thủy tinh. Ngoài ra phải kể đến những yếu tố nguy cơ loãng xương như tuổi cao, giới nữ, chủng tộc, di truyền, tiền sử gia đình có bố mẹ bị gãy xương do loãng xương, thể chất thấp bé nhẹ cân, lối sống tĩnh tại, hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều, dinh dưỡng kém, ăn thiếu chất canxi, vitamin D, C...

Điều trị loãng bệnh loãng xương - Ảnh 1.

Hình ảnh mật độ xương giảm khi bị loãng xương.

2. Loãng xương có nguy hiểm không?

Thực tế lâm sàng cho thấy, tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ trên 50 tuổi là rất cao, khoảng 30-35%. Tỉ lệ này ở nam giới thấp hơn, khoảng 10%. Nhưng bệnh loãng xương thường biểu hiện kín đáo, tiến triển thầm lặng không có triệu chứng rõ ràng nên không được phát hiện sớm. Khi có các triệu chứng như đau lưng, cảm thấy nhức mỏi trong xương, giảm chiều cao, gù, lưng còng… thì tình trạng loãng xương đã nặng.

Một số trường hợp sau khi có biểu hiện gãy xương tự nhiên hoặc sau chấn thương nhẹ mới phát hiện ra tình trạng loãng xương. Khoảng 60% bệnh nhân bị xẹp đốt sống do loãng xương nhưng trước đó không có biểu hiện lâm sàng.

Ở cột sống, gãy xương biểu hiện bởi lún xẹp đốt sống có thể dẫn đến đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, kèm hay không kèm triệu chứng chèn ép thần kinh liên sườn hay thần kinh tọa. Đau cột sống do loãng xương thường có tính chất cơ học rõ: Giảm rõ khi nằm và giảm dần rồi biết mất trong vài tuần. Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp, hoặc đốt sống ban đầu bị xẹp nặng thêm. Trường hợp đau cột sống mạn tính bệnh nhân đau âm ỉ liên tục, có những lúc đau trội giống đợt cấp. Khám có thể phát hiện giảm chiều cao, gù cột sống, co cơ cạnh cột sống, hạn chế động tác cúi ngửa, ấn đau chói tại chỗ xẹp.

Điều trị loãng bệnh loãng xương - Ảnh 2.

Gãy xương là tình trạng nặng liên quan đến loãng xương.

Gãy xương là biến chứng nặng nề của loãng xương. Gãy xương thường gặp ở tay, chân, nhất là gãy đầu dưới xương quay ở cổ tay hoặc gãy cổ xương đùi. 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong 6 tháng đầu; 50% mất khả năng đi lại; 25% cần có sự hỗ trợ, chăm sóc… Chi phí điều trị cho vấn đề chăm sóc y tế cực kỳ tốn kém.

3. Điều trị loãng xương thế nào?

Việc điều trị loãng xương phải dựa vào trường hợp cụ thể: Tùy loại loãng xương, tình trạng loãng xương, lứa tuổi, giới tính… mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, dù là trường hợp nào, thì điều trị loãng xương nói chung là phải lâu dài, nên bệnh nhân cần kiên trì dùng thuốc kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục mới mang lại hiệu quả.

Chỉ định điều trị bệnh loãng xương nguyên phát ở những trường hợp đã hoặc đang bị gãy xương do loãng xương (gãy xương sau chấn thương nhẹ); được chẩn đoán loãng xương bằng phương pháp đo mật độ xương; hoặc trường hợp đo mật độ xương thấp nhưng có yếu tố nguy cơ loãng xương kèm theo và có nguy cơ gãy cổ xương đùi do loãng xương trong 10 năm tới trên 3% hoặc nguy cơ gãy một số xương chính trên 20%.

Hiện nay điều trị bệnh loãng xương nguyên phát đã đạt được nhiều tiến bộ, ngày càng có nhiều thuốc điều trị có hiệu quả tốt. Bổ sung canxi từ 1-1.5g phối hợp vitamin D3 800UI hoặc calcitriol là dạng hoạt tính sinh học của vitamin D3 với liều 0.25-0.5µg một ngày là rất cần thiết. Đây được coi là thuốc phối hợp đầu tay trong điều trị bệnh loãng xương.

Các thuốc nhóm bisphosphonat như risedronat, alendronat… dùng hàng ngày hoặc tuần một lần có tác dụng tốt. Một số chế phẩm thuộc nhóm này như pamidronat, zoledronat có thể dùng 6-12 tháng một lần. Biện pháp này giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn do ít bị quên thuốc; thường được chỉ định trong loãng xương nặng hoặc loãng xương thứ phát sau ung thư di căn xương, đa u tủy xương.

Nhóm calcitonin là hormon do tế bào nang cạnh tuyến giáp tiết ra dùng đường tiêm bắp, xịt mũi hoặc pha truyền tĩnh mạch (trong những chỉ định đặc biệt). Ngoài tác dụng ức chế hủy xương còn có tác dụng giảm đau do loãng xương tốt.

Các thuốc nội tiết tố sinh dục nữ như estroprogestatif, tibolon không những có tác dụng dự phòng, điều trị loãng xương còn có tác dụng tốt trong điều trị các rối loạn tiền mãn kinh ở nữ giới. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ định dùng thuốc rất chặt chẽ, không dùng ở những bệnh nhân ung thư vú, tử cung, buồng trứng, tiền sử có thuyên tắc mạch ngoại vi…

Các thuốc khác như điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (selective estrogen receptor modulator- SERM) với chế phẩm raloxifen, vitamin K2, strondium… đã và đang được sử dụng trong điều trị bệnh loãng xương và cho những hiệu quả nhất định. Các trường hợp loãng xương nguyên phát cần chú ý việc điều trị nguyên nhân gây bệnh và không được bổ sung canxi khi có canxi máu tăng cao.

Điều trị loãng xương thứ phát, trước hết cần phải điều trị các bệnh lý liên quan ổn định, sau đó dùng các biện pháp điều trị loãng xương phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân.

4. Dự phòng loãng xương bằng cách nào?

Điều trị loãng bệnh loãng xương - Ảnh 4.

Điều trị dự phòng loãng xương từ sớm để tránh hậu quả do tình trạng loãng xương gây ra.

Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Đó là chân lý cho tất cả mọi bệnh tật, nhất là các bệnh mạn tính.

Dự phòng loãng xương rất quan trọng vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với điều trị bệnh loãng xương cũng như các biến chứng do bệnh gây ra.

Việc dự phòng loãng xương cần được đặt ra ở tất cả các lứa tuổi, thậm chí là từ khi còn trẻ. Bao gồm:

- Tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo đủ chất canxi, vitamin D và các yếu tố vi lượng.

- Rèn luyện thể lực thường xuyên đều đặn sẽ giúp xương chắc khoẻ, làm tăng mật độ xương và làm giảm sự mất xương.

- Cần bỏ các thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ gãy xương như hút thuốc lá, uống rượu… Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ sử dụng các chất này nhiều làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi.

- Với người già cần chú ý tới phòng nguy cơ ngã dẫn đến đến gãy xương.

Dự phòng loãng xương cần được chú ý đặc biệt ở những bệnh nhân bị bệnh khớp mạn tính - bệnh gây cản trở các hoạt động, sinh hoạt bình thường. Hoặc bệnh nhân có sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài như viêm khớp dạng thấp; viêm cột sống dính khớp; hen phế quản…

Ở phụ nữ mãn kinh do có nguy cơ mất xương cao, ngoài bổ sung canxi, vitamin D thì cần lưu ý đến liệu pháp thay thế hormon dự phòng bằng các hormon sinh dục nữ tổng hợp như estroprogestatif, tibolon nếu không có chống chỉ định.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C

TS.Bùi Hải Bình
BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn