Con trai tôi 15 tuổi. Do học tập căng thẳng nên cháu hay lo nghĩ, mất ngủ, không biết cháu mắc bệnh gì và có thể dùng thuốc gì? Xin bác sĩ tư vấn giúp!
Nguyễn Hùng Lân(Bến Tre)
Qua thư bác mô tả thì còn quá sơ sài để có thể chẩn đoán cháu nhà bác bị bệnh gì. Vì vậy, bác cần đưa cháu đến chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và chẩn đoán chính xác, từ đó việc điều trị mới có hiệu quả. Dù là bệnh gì thì gia đình cần điều trị cho cháu đến khi khỏi bệnh, tránh nôn nóng, điều trị dở dang khiến bệnh có thể tái phát nặng hơn. Có thể cháu nhà bác bị bệnh lo âu lan tỏa. Lo âu lan tỏa có các triệu chứng sau: Lo lắng quá mức, nghĩa là bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng về một vấn đề nào đó (ngày mai thi, sợ bị tắc đường, lo xe máy bị hỏng...) mà bệnh nhân không thể tự kiểm soát được; Rất khó thư giãn nên bệnh nhân thường hay mệt; Bồn chồn, đứng ngồi không yên; Khó tập trung chú ý vì thế khó ghi nhớ; Khó suy nghĩ nên luôn cho rằng mình “đầu óc trống rỗng”; Khó vào giấc ngủ...
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Điều trị lo âu lan tỏa nên dùng thuốc chống trầm cảm kết hợp với thuốc bình thần, nhất là trong tháng đầu điều trị. Có nhiều thuốc chống trầm cảm có hiệu quả cho lo âu lan tỏa như paroxetin, fluoxetin, fluvoxamin, mirtazapin… nhưng có hiệu quả nhất là venlafaxin (veniz, effexor). Có thể dùng venlafaxin uống vào buổi sáng, tối và rivotril uống buổi tối.
Sau 1 tháng, triệu chứng lo âu, căng thẳng thuyên giảm nhiều, khi đó nên dừng rivotril (chỉ dùng venlafaxin). Bệnh lo âu lan tỏa là do thiếu serotonin ở khe sinap của não (còn nặng hơn cả trầm cảm), nên bệnh lo âu lan tỏa rất mạn tính, các em cần uống thuốc điều trị trong nhiều năm (có thể cả đời) thì mới có khả năng học tập, công tác được.
TS. Bùi Quang Huy